1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Mỹ viết về mũ bảo hiểm ở Việt Nam

Khoa chấn thương sọ não bệnh viện Việt Đức Hà Nội chật kín giường bệnh, bệnh nhân nằm hai dãy dài quanh phòng, tràn cả ra hành lang. Họ đều bất tỉnh và có những vết thương ở đầu, họ là những người đi xe máy bị tai nạn khi không đội mũ bảo hiểm.

Việt Nam là nước có tỷ lệ tai nạn giao thông cao nhất thế giới, với 13.000 người thiệt mạng chỉ trong năm ngoái, chủ yếu do tai nạn xe máy. Chẳng có mấy ai đội mũ bảo hiểm, bởi họ cho rằng mũ đó nóng, cồng kềnh và không hợp mốt. Nhưng đến ngày 15/12 này, ai ai đi xe máy cũng phải đội mũ, bởi chính phủ đã ra văn bản luật về việc này, nhằm giảm thương vong khi có tai nạn.

 

Bộ Y tế hôm qua đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về lợi ích của mũ bảo hiểm.

 

"Không chỉ giảm nguy cơ tử vong, nó còn giảm nguy cơ cho hàng chục nghìn người bị thương. Một số người đã phải sống đời sống thực vật", Jean-Marc Olive, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh. "Điều đáng buồn nữa là phần lớn tai nạn rơi vào lớp thanh niên".

 

Hơn 20 triệu chiếc xe gắn máy hàng ngày quần thảo trên những con phố và đường sá quá đông đúc của Việt Nam, và số lượng xe đang ngày càng tăng lên nhờ kinh tế phát triển. Những con đường ở Việt Nam được cho là là nguy hiểm hạng nhất thế giới. Phóng nhanh, lạng lách, lái xe khi chưa đủ tuổi, lái xe khi đã uống rượu bia là chuyện phổ biến ở nơi đây.

 

Tỷ lệ chết do tai nạn giao thông của Việt Nam là khoảng 27 trên 100.000 - gần gấp đôi mức ở Mỹ và là một trong những mức cao nhất thế giới, theo số liệu của WHO.

 

Nhưng những con số đó hầu như chẳng có ý nghĩa gì với nhiều người đang đi bằng xe máy ở Hà Nội.

 

"Đội mũ bảo hiểm trong thành phố trông thật buồn cười", Nguyễn Tùng Anh, 21 tuổi và là sinh viên ở Hà Nội, nói. "Mũ bảo hiểm làm giảm tầm nhìn, nghe và không thích hợp với điều kiện thời tiết".

 

Hiện nay việc đội mũ bảo hiểm đã là bắt buộc trên các tuyến quốc lộ, ngoài thành phố. Giới chức từng tuyên bố thực thi luật về đội mũ bảo hiểm vào năm 2001, nhưng sau đó lệnh được rút lại. Nhiều người dân cho biết họ sẽ chỉ thực hiện quy định đội mũ lần này nếu bị bắt phải thế.

 

"Tôi không thể tưởng tượng được mình mặc quần áo hợp mốt rồi đội mũ bảo hiểm trên đầu", Lê Trà My, 18 tuổi, đang đi mua mũ tại một cửa hàng thời trang cao cấp ở Hà Nội, nói. "Trông sẽ buồn cười lắm".

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/AP