1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người mù “lặn đất”

Người ta gọi ông là “siêu mù” vì ông “lặn đất” rất giỏi và là thủ lĩnh của nhóm thợ hàng chục người sáng mắt. Ông còn có thể chèo ghe chở trái cây một mạch từ Tiền Giang, Vĩnh Long về Long Xuyên...

Gió bấc rít mạnh, trời lạnh tê tái thịt da. Vậy mà mới tờ mờ sáng, khi chúng tôi tìm đến nhà ông Lương Minh Hồng, 42 tuổi, ở thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn – An Giang, ông đã đi làm. Cụ Võ Thị Kim Hừng, mẹ ông, bảo: “Giờ này thằng Hồng đang trầm mình dưới nước rồi”.

 

Bóng đêm bất tận

 

Cụ Hừng nhớ mãi lần mình vượt cạn sinh Hồng. “Khi bà mụ vườn bế con cho mẹ nhìn mặt, tôi không nói được nên lời, nước mắt cứ trào ra vì đôi mắt trắng đục của con trai.

 

Bà mụ bảo nó bị mù bẩm sinh. Đã vậy, Hồng còn đau yếu triền miên, èo uột khó nuôi nhưng gia cảnh túng bấn, vợ chồng tôi không đủ tiền chạy lo thang thuốc cho nó được” - bà Hừng bồi hồi.

 

Mấy năm sau, bà Hừng sinh người con gái kế tiếp, đặt tên sẵn Lương Thị Hên Chị. Nhưng “hên” đâu không thấy, chỉ có bóng đen mịt mù tiếp tục vây lấy con thứ hai của bà. Con gái thứ ba là Lương Thị Hên Em cũng mù như anh chị. Bà Hừng như đổ sụp giữa bốn bề khốn khó của cuộc sống và nỗi đau của các con.

 

Thương mẹ, mới 10 tuổi, Hồng đã tập mò cua, bắt hến bán kiếm tiền giúp nuôi em. Cậu bé mù lao vào cuộc mưu sinh và sớm thuộc lòng từng khúc sông, con rạch. Bất kể nắng mưa, Hồng vẫn trầm mình dưới sông mò bắt từng con hến, con cua.

 

Bất chấp những trở ngại trên bước đường mưu sinh không có ánh sáng, hễ việc gì có thể kiếm ra tiền là Hồng lao vào làm. Mỗi mùa nước nổi về, Hồng chuyển sang làm vó gạt. Một người bạn cùng nghề đã rủ anh hút thử thứ thuốc nâu nâu giúp không biết lạnh khi trầm mình dưới nước.

 

Người mù “lặn đất”  - 1

“Lặn đất”, vác đất là công việc mưu sinh hằng ngày của “siêu mù” Lương Minh Hồng

 

Tin bạn, Hồng thử, thấy hiệu quả lại dùng hết lần này đến lần khác. Vậy là anh bị lừa vào thế giới của “nàng tiên nâu” mà không hề hay biết. Khi nhận ra sự thật, sợ cha mẹ lo buồn và miệng đời chê trách, Hồng hạ quyết tâm tự cai nghiện và đã chiến thắng, mau chóng từ bỏ “nàng tiên nâu” nhiều năm trước.

 

Thấy Hồng chí thú làm ăn, xóm giềng mai mối một phụ nữ lỡ thời lớn hơn anh 5 tuổi. Biết mình thân phận mù lòa, Hồng gật đầu ưng thuận. Hạnh phúc đến với người đàn ông mù 30 tuổi quá ngắn ngủi. Chỉ sau 4 tháng, cô ta đã gom góp hết tiền bạc, vòng vàng bao nhiêu năm anh dành dụm rồi ra đi không một lời từ biệt.

 

Một thời gian sau, một phụ nữ khác chủ động tìm đến Hồng ngỏ ý muốn ăn đời ở kiếp và anh lại gật đầu ưng thuận. Nhưng cũng chỉ được 3 tháng, cô ta cũng lặng lẽ bỏ đi, để lại cho Hồng số nợ kếch sù với cả chục đầu hụi chết. Bóng đêm như dài bất tận cứ bao trùm lấy cuộc đời người đàn ông bất hạnh này.

 

Nghe, học qua băng cassette

 

Sau những giờ lao động mệt nhọc, về nhà cơm nước xong là ông Hồng leo lên chiếc võng đu đưa, bầu bạn với chiếc cassette. Không nhìn được, ông Hồng chỉ để nghe và cảm nhận vậy mà ông am tường rất nhiều thể loại nghệ thuật như cải lương, tân nhạc và rành cả kiến thức về khoa học, đời sống, lịch sử... “Khi có dư tiền, tôi mua băng nghe và học, đến nay đã có hơn 600 cuốn. Tôi mê nhất là khi nghe GS Trần Văn Khê nói chuyện âm nhạc dân tộc” – ông bộc bạch.

 

Cụ Lương Phước Thiện, cha ông Hồng, cho biết nhiều người từng thử ông bằng cách hỏi mượn băng cassette. “Nó lấy đúng từng cuốn băng với chủ đề mà người ta yêu cầu. Dù có xáo trộn cả thùng băng nhưng Hồng vẫn kiếm ra ngay cuốn người ta yêu cầu mà chỉ cần đưa lên tai lắc lắc vài cái”.

Đôi tay, ý chí và lòng tự trọng

 

Gạt bỏ ngoài tai những lời mai mỉa, gièm pha, ông Hồng lao vào làm quần quật tất cả mọi việc người ta thuê mướn để kiếm tiền trả nợ và trang trải cuộc sống. “Mình mù đôi mắt nhưng vẫn còn có đôi tay, ý chí và lòng tự trọng” – ông tâm sự.

 

Nhiều người hàng xóm của ông thán phục: “Mỗi ngày, Hồng mò được 5-7 giạ hến, lặn đến 3.000 thùng đất, chèo ghe chở trái cây một mạch từ miệt Tiền Giang, Vĩnh Long về Long Xuyên... Đúng là “siêu mù”!”.

 

Thấy ông Hồng tật nguyền mà siêng năng, nhiều người thương nên giới thiệu công việc làm cho ông. Hiện ông là đầu mối nhận đặt hàng chở đất, “lặn đất” ở Phú Hòa. Ngày càng có nhiều mối đặt hàng nhưng làm không xuể, ông đã huy động nhiều thanh niên địa phương không có công ăn việc làm ổn định gia nhập nhóm “lặn đất” do mình làm thủ lĩnh.

 

Nhờ vậy, rất nhiều người có việc làm liên tục và thu nhập khá ổn định. “Có lúc nhóm thợ “lặn đất” của ông quy tụ đến hàng chục người sáng mắt. Ông Hồng bị mù nhưng lại giỏi tính toán, sắp xếp công việc, anh em không có ai điều tiếng gì hết” - Trung, một “đệ tử” của ông Hồng, cho biết.

 

Được cụ Hừng chỉ đường, chúng tôi tìm đến nơi ông Hồng “lặn đất” và chứng kiến khả năng hơn người của ông. Trên cánh đồng ngập nước ở Phú Hòa, nhóm thợ của ông Hồng đi trên 2 chiếc ghe tam bản gắn máy đuôi tôm chở đất ra vào như con thoi.

 

Ông Hồng đảm nhiệm việc xắn đất để “đồng nghiệp” vác bỏ lên ghe chở đi bán. Mùa nước nổi, nước trên sông rất sâu nên không thể lặn lấy đất bùn, phải mua đất mặt ruộng rồi chẻ thành từng khối chở đi bán.

 

Nước ngập cao gần ngang ngực, bên trên nắng gay gắt, rát khô mặt mũi, dưới nước lạnh tái tê da thịt. Vậy mà ông Hồng vẫn hì hụi làm từ sáng sớm đến chiều mới về.

 

Những lúc mệt mỏi, ông thả lỏng người giữa làn nước hoặc tựa lưng vào ghe để nghỉ ngơi. Chỉ một lát sau, ông lại lặn ngụp xuống nước vác từng khối đất to tướng bỏ lên ghe.

 

Nói đến nghề “lặn đất”, ông Hồng cho biết vì hoàn cảnh éo le, nợ nần vây tứ phía nên ông phải làm cật lực. “Đã hơn chục năm nay, tôi làm nghề “lặn đất”, đem bán từng gàu, từng thùng phù sa để đổi lấy cái ăn” – ông tâm sự.

 

Ông Hồng cho rằng những việc ông làm được đều là do quá trình lao động nghiêm túc và không biết mệt mỏi mà có chứ chẳng phải khả năng thiên phú nào.

 

(*) “Lặn đất”: Cách gọi của người miền Tây đối với công việc lặn xuống nước móc đất.

 

Theo Quốc Dũng

 Người lao động