Lâm Đồng:

Người mẹ nghèo nhận nuôi 7 trẻ mồ côi

(Dân trí) - Đến khu kinh tế mới Lâm Hà (Lâm Đồng) nhắc đến mẹ K’Hiếu, ai cũng biết - môt người phụ nữ “ít cái chữ” nhưng lại là người tiên phong xóa bỏ nhiều hủ tục. Đặc biệt, bà được biết đến về lòng nhân ái khi đỡ đầu cho 7 trẻ mồ côi.

Người mẹ giàu lòng nhân ái

Không khó để tìm nhà bà K’Hiếu, ở tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, khu kinh tế mới Lâm Hà (Lâm Đồng) bởi căn nhà gỗ cũ kĩ giống như bao ngôi nhà của người K’Ho ấy là điểm dừng chân của lòng nhân ái.

Vào một buổi chiều năm 1997, khi bà K’Hiếu đi dự một lớp tập huấn ở bệnh viên huyện Lâm Hà đúng lúc bệnh viện đang nhốn nháo vì có một đứa trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ lại. Nhìn đứa bé tội nghiệp, bà K’Hiếu chỉ nghĩ là mình sẽ là người che chở cho nó dù chưa biết tương lai sẽ ra sao. Từ đó, vợ chồng bà lại tất bật trên ruộng nương hơn, ai thuê cái gì cũng làm để có tiền lo cho con.

“Khổ nhưng vẫn phải cố gắng làm thôi, không làm thì ai lo cho chúng, các con đến với mình là mình vui lắm rồi” với khuôn mặt lấm tấm mồ hôi bà K’Hiếu chia sẻ.

Tính đến nay, bà K’Hiếu đã nhận nuôi 7 người con. Tất cả đều là trẻ mồ côi, đứa thì bị từ bỏ khi còn đỏ hỏn, đứa thì suýt bị chôn sống theo mẹ vì hủ tục, đứa thì bị cha bỏ lại sau khi mẹ chúng chết; người K’Ho có, người Kinh cũng có.

"Hồi đó mình còn trẻ, chưa nghĩ được gì cho tương lai nhưng thương tụi nhỏ nghĩ tụi nó có hoàn cảnh giống mình nên làm liều nhận về nuôi”. Bà K'Hiếu cũng không hiểu sao mình lại đủ sức, đủ nghị lực để cùng những đứa trẻ thiệt thòi vượt qua những khó khăn chồng chất như thế.

Bà K'Hiếu bên các con nuôi
Một bức ảnh bà K'Hiếu bên các con nuôi

Đến giờ khi đã lo cho năm đứa con yên bề gia thất, nhưng đằng sau đôi mắt đầy nếp nhăn thời gian ấy vẫn chứa đựng bao nỗi niềm. Ở cái tuổi 60, bà lo mình không còn đủ sức khỏe để cho cho thằng con út bị bệnh thần kinh.

Bà K’Hiểu kể, cách  đây 15 năm bà gặp cậu bé này (con trai út) ở bệnh viện, lúc đó ai cũng sợ nó không sống được vì sinh thiếu tháng, còi cọc bệnh tật. Bà K’Hiếu sợ không nuôi được nên cũng không dám nhận về.

“Đêm đó mình không tài nào ngủ được, hình ảnh đứa bé luôn hiện hữu trong đầu bà, nước mắt cứ chảy lúc nào không hay. Sáng mai dậy, mình bàn ngay với chồng đến bệnh viện đón đứa trẻ về. Khi nó đươc 27 tháng, bác sỹ nói nó bị thần kinh, mình  buồn lắm… nhưng lương tâm  không cho phép bỏ nó”. Hàng ngày bà K’Hiếu ôm con đi hết bệnh viện này bệnh viện nọ chạy chữa, hy vọng thằng bé sẽ được bình thường.

Mọi cố gắng đều không có hy vọng khi số đất ruộng, trâu bò bà bán theo để chạy chữa cho con cứ trôi dần. 15 năm nay, mọi sinh hoạt của cậu con trai út, từ tắm rửa, cơm nước, vệ sinh… đều do một tay bà K’Hiếu đảm nhiệm.

“Mẹ rất thương và lo cho em út, bà cũng thương chúng tôi lắm. Mẹ đón tôi về từ khi nhỏ, cho tôi ăn và còn cho tôi đi học cái chữ. Không có mẹ thì không biết chúng tôi bây giờ sẽ ra sao…” - cô con gái thứ hai K’Hoài chia sẻ.

 “Ở vùng này ai mà chả biết chị K’Hiếu, mấy đứa nhỏ không phải con của chị nhưng chị “cưng” chúng như con ruột. Có việc gì không biết nhờ chị chị K’ Hiếu, chị đều nhiệt tình giúp đỡ” - anh Thiên, một người hàng xóm của bà K’Hiếu chia sẻ.

Người tiên phong xóa bỏ hủ tục

Giữa bao bộn bề, lo toan của cuộc sống, bà K'Hiếu cùng chồng vất vả làm lụng nuôi con, nhưng việc của Ðảng, Nhà nước giao,việc của buôn làng bà vẫn "ôm" hết về mình.

Bà K’Hiếu luôn tự nhận mình là người “ít cái chữ” vì bà mới chỉ học hết lớp sáu. Vì biết được tầm quan trọng của việc học chữ nên bà thường xuyên đôn đốc các con cháu học tập, “có cái chữ thì mình mới yên tâm đi đây đi đó” - bà K’Hiếu nói.

Ngày trước, thôn Xoan của bà còn nghèo, nhận thức còn lạc hậu, cái chữ chưa được coi trọng. Bà K'Hiếu đã tiên phong trong việc xóa mù chữ. Và hằng đêm, giữa mịt mùng đại ngàn, tiếng ê a học vần của con trẻ trong buôn ngày một đông.

"Từ ngày có lời động viên của K'Hiếu, bà con trong thôn đã vận động con em đi học. Biết cái chữ mình mới tìm hiểu được nhiều cái hay, cuộc sống bà con đỡ vất vả hơn” anh Ha Chi, thôn Xoan cho biết.

Bà K'Hiếu bên các con nuôi

Năm 2005, bà K'Hiếu vinh dự được kết nạp Ðảng và năm 2009, bà được bầu làm Bí thư chi bộ thôn Xoan. "Là đảng viên, trước hết mình phải gương mẫu đi đầu để bà con học tập, làm theo" bà K'Hiếu chia sẻ.

Được biết, thôn Xoan chủ yếu là người dân tộc  K’Ho quần tụ sinh sống. Chế độ mẫu hệ, con gái đến tuổi cập kê "bắt chồng" và tục "thách cưới" đã đè nặng trên vai nhiều gia đình khoản nợ truyền kiếp. Quyết xóa bỏ hủ tục nay, bà K'Hiếu cùng với cán bộ thôn, xã đi vận động từng nhà tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi. Đồng thời, gia đình bà làm gương trước.

Năm 2010 bà được vinh dự nhận Bằng khen do Thủ tướng Chính phủ trao tặng về thành tích trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

“Là một đảng viên, chị K’Hiếu đã phát huy tích cực được vai trò của mình. Đồng thời một tấm gương tiêu biểu của tổ dân phố Xoan nói riêng và bà con các dân tộc thị trấn Đinh Văn nói chung. Không những vậy ở thị trấn này tỉ lệ dân tộc tại chỗ chiếm phần đông, chị K’ Hiếu còn là người gắn kết mối quan hệ giữa người Kinh và người K’Ho”, ông Bùi Trọng Thiềm, Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà cho biết.

                                                                                                           Ngọc Hà