Nghệ An:

Người mẹ có 25 đứa con và tâm nguyện hiến xác cho y học

(Dân trí) - Chưa một lần sinh nở nhưng chị đã làm mẹ của 25 đứa con. Ước mong những đứa con của mình thành đạt, hạnh phúc, chị còn có tâm niệm được hiến cơ thể mình cho y học sau khi qua đời.

Xin phép được gọi chị là mẹ - mẹ Nhân - như những đứa trẻ trong căn nhà số 12B ở Làng trẻ mồ côi SOS Nghệ An này. Có lẽ ngày xưa khi sinh mẹ ra, song thân của mẹ đã gửi gắm rất nhiều kỳ vọng vào cái tên đã đặt cho đứa con thứ 9 trong tổng số 10 đứa con của ông bà.

Mẹ của 25 đứa con

Tôi đến thăm mẹ vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3. Các con đang đi học, mẹ Hồ Thị Nhân (63 tuổi) lúi húi trong bếp nấu cơm. Biết ý định của tôi, mẹ lắc đầu quầy quậy: "Đừng viết về mẹ, có chi mà viết mô. So với mẹ Phú (mẹ Phú ở Lý Sơn - Quảng Ngãi nhận nuôi hơn 50 đứa trẻ mồ côi - PV), mẹ chưa làm được gì cả". 20 năm gắn bó với căn nhà nhỏ này, bao nhiêu người con của mẹ đã sống, lớn lên, trưởng thành và đi xa nhưng mẹ vẫn vậy, hiền hậu và là chỗ dựa cho những đứa con thiệt thòi của mình. Vậy nhưng mẹ luôn tự trào, rằng mẹ chỉ là "mẹ dởm" thôi.

Người mẹ có 25 đứa con và tâm nguyện hiến xác cho y học
63 tuổi, chưa một lần vượt cạn nhưng mẹ Hồ Thị Nhân có tới 25 đứa con

“Đời mẹ cũng lắm truân chuyên, tuổi xuân đã gửi lại ở chiến trường Trường Sơn ác liệt. Mẹ đã chứng kiến bao nhiêu đồng đội mình đã ngã xuống giữa đạn bom ác liệt của chiến tranh. Đau lắm con ạ. Rồi mẹ trở về, cũng chẳng hiểu sao mẹ không mở lòng được với ai. Xuất ngũ trở về, hết làm công nhân xây dựng, trông kho lượng thực rồi làm y tá tại Trạm y tế Nam Mỹ (Nam Đàn), Trạm Y tế dược liệu rồi Bệnh viện Việt Nam - Ba Lan cho đến khi nghỉ hưu mẹ cũng chỉ có một mình”, mẹ Nhân mở đầu câu chuyện cuộc đời mình như thế.

Năm 1991, mẹ nghỉ hưu cũng là lúc Làng trẻ SOS Nghệ An được thành lập và gửi thông báo tuyển người khắp nơi. Mẹ quyết định ghi tên đăng ký. “Nói thật là lúc đó nhiều người ngăn cản lắm. Họ bảo mẹ, nếu cần thì xin lấy một đứa trẻ mà nuôi. Còn mẹ thì chỉ sợ mình không thể yêu thương hết thảy những đứa trẻ tội nghiệp nơi làng trẻ mồ côi này. Nhưng rồi mẹ quyết tâm, mẹ nghĩ chỉ cần yêu thương các cháu thật lòng thì các cháu sẽ coi mẹ nhưng mẹ thực của chúng thôi”, mẹ Nhân tâm sự. Và người phụ nữ đi hơn nửa cuộc đời mà vẫn chưa biết mùi vị của một nụ hôn đã bước vào cuộc đời làm mẹ như thế.

Mẹ được phân công chăm sóc 7 đứa trẻ, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi, đứa lớn nhất 8 tuổi. Với một người chưa từng lập gia đình, chưa một lần sinh nở, việc chăm sóc, nuôi dạy 7 đứa trẻ cùng một lúc thực sự là một thử thách đối với mẹ lúc đó. “Các con vào đây cũng vì bất đắc dĩ thôi, đứa thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa thì mất cha, mẹ đi bước nữa, đứa thì mẹ mất, bố quá khó khăn phải gửi vào đây. Các con đã phải chịu thiệt thòi khi xa lìa người thân, mẹ tự dặn lòng phải bù đắp cho các con".

25 đứa con nhưng chỉ có duy nhất một đứa theo họ mẹ. Đó là Hồ Văn Hùng (SN 1995). Lần đó, mẹ vào viện chữa bệnh cũng là lúc Hùng bị mẹ đẻ bỏ rơi khi chưa được 1 ngày tuổi. Đón Hùng về nhà, lần đầu tiên trong đời mẹ chăm một đứa trẻ nhỏ đến thế bởi Hùng lúc đó bị suy dinh dưỡng chỉ nặng 1,9kg. Không thể nói cho hết được khó khăn, vất vả khi mẹ phải chăm sóc 9 đứa con và nay lại thêm một đứa trẻ sơ sinh. Ấy thế mà, người phụ nữ chưa một lần mang nặng đẻ đau đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh làm mẹ của mình. Thằng Hùng cũng chính là điều mẹ day dứt nhất khi lỡ nằm xuống bởi những đứa trẻ khác còn anh em thân thích, còn Hùng chỉ có mình mẹ trên đời. Mẹ sợ rằng khi mình nhắm mắt xuôi tay, con mẹ lại thêm một lần mồ côi trong đời.

Đứa này trưởng thành thì mẹ lại nhận đứa khác về nhà mình, căn nhà nhỏ đó luôn giữ vững "quân số" - 10 con, 1 mẹ. Làm mẹ của những đứa trẻ có sự khác biệt về tính cách và tâm lý không phải dễ dàng. Nếu nghiêm khắc quá sẽ gây cho các con áp lực, nhưng nếu vì thương mà nuông chiều thì thành ra lại làm khó cho con sau này. Mỗi đứa trẻ một tính cách nhưng mẹ yêu thương hết lòng và cố gắng chia sẻ tình yêu thật công bằng với các con. Chế độ cho các cháu ở làng trẻ mồ côi này còn hạn chế (325.000 đồng/tháng đối với trẻ nhỏ và 425.000 đồng/tháng đối với các cháu lớn), để có thể lo cho các con, một mặt mẹ thu vén chi tiêu trong nhà, một mặt động viên các con vỡ đất trồng rau cải thiện. Bữa cơm của 10 mẹ con chỉ có một ít chả viên, còn lại là rau dưa nhưng nhìn những đứa trẻ ăn ngon lành, ánh mắt mẹ rưng rưng.

Có những lần con sốt, mẹ bế lên trạm xá cả đêm hay vừa túc trực trong bệnh viên, vừa lo cơm nước, học hành cho những đứa ở nhà. Có những lần 3-4 đứa cùng ốm một lúc, mẹ thức đến bạc cả tóc, mắt thâm quầng vì lo lắng. Nhớ về những ngày đầu tiên làm mẹ, mẹ Nhân nói: “Khó khăn nhiều lắm, nói sao cho hết được. Nhưng khó khăn mấy mẹ cũng chịu được, miễn các con được ăn no, ăn ngon hơn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn và biết yêu thương nhau như anh em một nhà”.

Chăm bẵm, nuôi nấng rồi mẹ gả chồng, dựng vợ cho các con. 5 đứa con đã rời vòng tay của mẹ và có mái ấm riêng của mình. Mẹ lên chức bà, vui lắm nhưng vẫn không hết lo toan. Mẹ dặn các con ăn ở phải biết trước biết sau, phải biết quý trọng những gì mình đang có.

“Chưa một lần, mẹ nói với các con là mình yêu chúng nó như thế nào, nhưng với mẹ lúc này, các con là vùng trời bình yên của mẹ. Mẹ chăm sóc chúng nó, tạo cho nó một tổ ấm mới ấm áp hơn, cũng là tạo cho mình một ngõ nhỏ thật yên bình trong sâu thẳm suy nghĩ”, mẹ Nhân chia sẻ.

Mẹ không muốn mình chết một cách vô ích

20 năm gắn bó với Làng trẻ SOS, mẹ cũng đã trải qua nhiều hạnh phúc và có cả những nỗi buồn. Đó là khi đứa con mình yêu thương chưa thật ngoan, đó là những khi mẹ cảm thấy mình bất lực và nhỏ bé trước thiệt thòi mà các con phải gánh chịu. Thế nhưng 20 năm qua, mẹ chưa một lần cảm thấy băn khoăn về quyết định của mình, dù chỉ là một chút gợn nhẹ trong lòng. Đứa con này lớn lên, đi xa hay lập gia đình, lại có đứa khác bước vào căn nhà nhỏ và trở thành một phần máu thịt, ruột rà của mẹ.

Người mẹ có 25 đứa con và tâm nguyện hiến xác cho y học
Bữa cơm của 10 mẹ con chủ yếu là rau dưa nhưng vẫn ngập tràn trong tình yêu thương

Bước qua cái tuổi 63, tóc mẹ đã bạc đi nhiều lắm, nếp nhăn trên khóe mắt cũng nhiều hơn. “Rồi cũng sẽ có lúc mẹ phải lìa xa cõi đời này, phải xa những đứa con dầu mẹ không sinh ra nhưng không khác nào những đứa con mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày. Nghĩ đến những lúc đó, mẹ buồn lắm, mẹ sợ không còn mẹ, các con lại mất đi chỗ dựa tinh thần mỗi khi vấp ngã hay gặp những biến cố trong cuộc đời”.

Được một người bạn giới thiệu, mẹ viết đơn tình nguyện hiến xác cho y học. Đơn gửi đi chưa lâu, mẹ nhận được phúc đáp cảm ơn của cơ quan chức năng. Tâm nguyện của mẹ không phải đứa con nào cũng có thể hiểu và ủng hộ. Người phản đối nhiều nhất là Hùng, nó bảo, khi người ta chết đi chỉ mong mồ yên mả đẹp, sao mẹ lại đi hiến xác? Phản đối mẹ không được, nó ngấm ngầm đi vận động các anh chị em trong nhà không cho mẹ hiến xác.

Ôm con vào lòng, mẹ giải thích cho con hiểu rằng, mẹ không muốn mình chết một cách vô ích: “Mẹ muốn các con được nhìn thấy mẹ qua những người khác và cũng muốn qua những người cần ghép một phần thân thể mẹ để được nhìn thấy các con sống thật hạnh phúc. Hoặc nếu không, cái hình hài già nua này vẫn còn có ý nghĩa khi trở thành nơi thử nghiệm, nghiên cứu để tìm ra những tiến bộ y học để cứu người".

Tôi tin chắc rằng, tình yêu thương của mẹ sẽ được tiếp nối từ những ai may mắn được thừa hưởng một phần thân thể mẹ khi mẹ không còn.

Hoàng Lam