1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người Đường Lâm quá bức bối khi sống trong “ngôi nhà” di tích

(Dân trí) - Trước những bức xúc của người dân tới mức phải làm đơn xin trả lại di tích, ngày 15/5, UBND thị xã Sơn Tây, Sở VHTT&DL tổ chức đối thoại với họ và hứa sẽ sớm quy hoạch làng cổ, cấp đất giãn dân, ra quy định xây nhà để người dân có chỗ ở.

Phải để cho dân sống được trong di sản

Được công nhận di sản từ năm 2005, làng cổ Đường Lâm được nhiều người biết và tìm đến. Cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở đây từ đó cũng đổi thay nhưng theo cả hai hướng: kinh tế đi lên mà tinh thần "đi xuống", luôn bức bối khi sống trong "bức tường" di tích.

Nét đẹp cổ kính trong làng cổ Đường Lâm
Nét đẹp cổ kính trong làng cổ Đường Lâm

Trong buổi đối thoại trực tiếp với chính quyền, chị Giang Tú Oanh trình bày nỗi khổ của gia đình mình cũng như nhiều hộ dân khác trong làng cổ. Theo chị Oanh, để cải thiện đời sống sinh hoạt, năm 2012, gia đình chị làm nhà tầng 1 đổ mái, tầng 2 lợp mái tôn. Nhưng làm được không lâu thì gia đình chị Oanh bị chính quyền yêu cầu tháo dỡ phần lợp mái tầng 2.

Ông Hà Kế Toán cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc người dân bức xúc làm đơn xin trả lại di tích là do chưa công khai minh bạch số tiền thu được từ việc bán vé cho khách du lịch vào tham quan làng cổ. Bên cạnh đó, việc đất chật người đông, khi họ có nhu cầu xây dựng lại nhà cửa để cải thiện cuộc sống thì thủ tục quá rườm rà. Nhiều người có tiền cũng không thể xây nhà nên đành cam chịu cuộc sống chật hẹp trong những ngôi nhà xuống cấp. Theo ông Toán những quy định đang làm khó người dân ở Đường Lâm.

Nhiều hộ đối thoại với chính quyền cho biết, họ rất tự hào khi được đón nhận di tích làng cổ đầu tiên ở Việt Nam. Chính vì vậy họ ủng hộ việc giữ danh hiệu làng cổ nhưng chính quyền phải đưa ra chính sách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho dân. Đặc biệt là chính quyền nên tạo điều kiện cho dân làm nhà và đưa ra quy định cụ thể cho những ngôi nhà mới.

Sẽ từng bước giải quyết nhu cầu của dân

Trước những băn khoăn của người dân, ông Hùng Sơn - Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, năm 2012, tiền bán vé cho du khách thu được 1,4 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm 2013, đã thu được 1 tỷ đồng. Theo ông Sơn, số tiền này vẫn thường xuyên được Thanh tra Sở Tài chính kiểm tra. Số tiền thu được qua bán vé cho du khách được chi cho việc quảng bá du lịch; hỗ chợ cho 13 hộ dân tham gia đón khách du lịch; cho người trông coi di tích…

Về những nỗi khổ của dân làng Đường Lâm sống trong di tích, thành phố sẽ sớm có quy hoạch làng cổ và cấp đất giãn dân, ra quy định xây dựng nhà để giúp bà con cải thiện chỗ ở. Người dân ở đây sẽ căn cứ trên mẫu nhà truyền thống Ban quản lý di tích đang xây đựng để làm nhà.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, ý kiến của người dân là chính đáng. Tuy nhiên, Đường Lâm đã được công nhận là di sản, do vậy phải được quản lý theo Luật Di sản. Trước những khó khăn của người dân, chính quyền địa phương sẽ tham mưu cho thành phố Hà Nội và Bộ VHTT&DL tìm hướng giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết, trong 5 năm, xã Đường Lâm có 179 hộ xây dựng, cải tạo nhà ở. Trong đó có 94 hộ bị thanh tra xây dựng lập biên bản và đình chỉ xây dựng. Hộ dân bị cưỡng chế duy nhất vào năm 2010 là gia đình bà Hà Thị Khanh. Đến đầu năm 2013, một số hộ dân đã tự ý xây nhà sai quy định. UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo xã Đường Lâm có kế hoạch cưỡng chế các hộ dân này.

Quang Phong