Hà Nội:

Người dân phải chịu mọi chi phí nếu chó thả rông bị bắt giữ

(Dân trí) - Chủ vật nuôi phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó cào, cắn người, cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật...

Đó là một trong những nội dung của Dự thảo về việc ban hành Quy định quản lý nuôi chó trên địa bàn TP Hà Nội của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội trình UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Theo nội dung bản Dự thảo, Quy định về xích, nhốt chó và xử lý chó thả rông: Chó nuôi phải được nhốt (hoặc xích) trong khuôn viên của gia đình, nghiêm cấm thả rông chó, để chó cắn người; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung. Khi dắt chó ra ngoài đường, nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm và có người dắt.

Chủ chó phải chịu mọi chi phí nếu chó thả rông bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Chủ chó phải chịu mọi chi phí nếu chó thả rông bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Chủ vật nuôi phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó cào, cắn người, cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

UBND các cấp quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý.

Đăng ký và cấp sổ theo dõi: Chủ nuôi chó phải Đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng khu phố để lập danh sách, trình UBND, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) cấp sổ quản lý chó.

UBND xã lập và cấp sổ quản lý chó nuôi cho các chủ nuôi chó trên địa bàn. Số quản lý bao gồm các thông tin sau: Họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi; Số lượng, năm sinh, loài, giống, tính biệt, màu lông…chó nuôi; Ngày, tháng, năm bắt đầu nuôi chó; Thời gian tiêm phòng các loại vắc xin.

Tiêm phòng cho chó: Chủ vật nuôi phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc đối với bệnh Dại cho chó nuôi trong diện tiêm phòng theo quy định của cơ quan thú y và chủ động tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm khác cho vật nuôi. Giữ giấy chứng nhận tiêm phòng và xuất trình khi cần thiết.

UBND các quận, huyện, thị xã (gọi chung là UBND cấp huyện) cấp huyện phát động tháng cao điểm tiêm phòng vắc-xin Dại cho chó vào tháng 3, tháng 4 hàng năm; UBND cấp xã tổ chức đợt tiêm phòng tập trung theo địa bàn từng thôn hoặc cụm dân cư và tổ chức tiêm phòng bổ sung cho chó nuôi thuộc diện phải tiêm theo quy định.

Cơ quan thú y Cấp giấy chứng nhận sau tiêm phòng bệnh dại cho chó. Giấy chứng nhận tiêm phòng phải ghi rõ loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin, số lô, hạn sử dụng, thời gian miễn dịch kể từ sau khi tiêm phòng....,Không cấp giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại cho trường hợp chủ nuôi tự tiêm phòng bệnh dại cho chó mà không có giám sát của cơ quan thú y.

Những hành vi bị nghiêm cấm: Tiêm phòng bệnh dại cho chó khi chó mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại; Chữa bệnh cho chó nuôi mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại.

Giết mổ chó mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại, trừ trường hợp giết mổ để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Thả rông chó ở những nơi vui chơi giải trí, nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, khu du lịch...; Vứt xác động vật mắc bệnh truyền nhiễm không đúng nơi quy định.

Chính quyền cấp xã có trách nhiệm tổ chức bắt chó thả rông

Bản Dự thảo còn nêu nội dung về trách nhiệm của UBND cấp xã như sau: Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn theo quy định; Thực hiện tổ chức tiêm phòng cho đàn chó trên địa bàn theo quy định. Hàng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn quản lý; Tổ chức cho hộ nuôi chó thực hiện ký cam kết theo nội dung quy định.

UBND cấp xã ra Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.

Phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông và bắt động vật mắc bệnh Dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách.

Cùng với cơ quan y tế tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách theo quy định của ngành y tế.

Chỉ đạo Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố trực tiếp kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật (chó) mắc dại, nghi mắc dại; phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và tích cực tham gia chiến dịch tiêm phòng, quản lý đàn chó nuôi.

Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15/9, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Trong trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự.

Luật mới cũng quy định, chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu huỷ.

Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 – 1.000.000 đồng. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại.

Nguyễn Dương