Gia Lai:

Người đàn ông "nhặt" hàng chục bệnh nhân tâm thần về chăm sóc

(Dân trí)- “Vừa sáng ra, mình chưa kịp đi làm chúng đã chạy ra kêu “bố ơi cơm, con đói” khiến mình không cầm được lòng, lại cố gắng đi làm thật nhiều để nuôi chúng”, “bố” Hà Tư Phước, 48 tuổi, thôn Ia Roc, xã Chư Hdrong, TP.Pleiku, Gia Lai tâm sự.

Ông Phước kể, gia đình ông có một mẹ già đang ốm, một người vợ đảm đang là chị Huỳnh Thị Hạc (40 tuổi), một cô con gái 15 tuổi và một cậu con trai 12 tuổi. Trong nhà ông không có ai là bệnh nhân tâm thần, thậm chí anh em họ hàng nhà ông cũng chưa xuất hiện người có triệu chứng tâm thần. Vậy hà cớ gì ông lại làm một việc rất “điên” - đưa những bệnh nhân tâm thần nặng, bị bệnh viện trả về, bị người thân xích, nhốt về nhà nuôi?

Ông trả lời, đơn giản chỉ là vì tình thương: “Con người dù giàu hay nghèo, khi chết cũng đều trở về với cát bụi. Ai cũng cần có tình thương, mình là người lành lặn, được tự do mà thấy họ cũng là người nhưng lại bị xích nhốt, ăn uống, vệ sinh một chỗ tôi không cầm được lòng”.

Ông nhớ lại cơ duyên đầu tiên “xin” người bị tâm thần về nuôi: cách đây chừng 10 năm, ông thấy một thanh niên bị gia đình xích nhốt vì quá dữ dằn. Người này cắn lại mẹ, đánh cả cha, thậm chí tự cắn đứt các ngón tay, bấu rách vành tai mình,...

Cũng một kiếp người mà sao người ta lại khổ vậy? Ông Phước tự hỏi, rồi tình thương của ông với thanh niên kia bỗng dưng trỗi dậy mãnh liệt. Như ai xui khiến, ông quyết định xin thanh niên này về nuôi, và ngay lập tức được gia đình này chấp nhận.

Đó là chàng thanh niên gia đình ông gọi tên là Sáu. Về với “bố” Phước, “mẹ” Hạc, Sáu được tắm rửa, cắt tóc, được tự do ăn uống, và được mọi người trong gia đình chăm sóc cẩn thận. May mắn hơn khi Sáu được theo bố mỗi khi bố lái xe đi chở hàng thuê cho các chủ kinh doanh: “Tôi đi chở đồ cho người ta cũng cho Sáu đi, nhưng phải xích nó ở trên xe mỗi khi mình xuống làm việc”- nhờ có cách “chữa trị” đặc biệt này mà chỉ vài năm sau bệnh tình của Sáu đã thuyên giảm đến 70% và được trở về cùng gia đình làm việc như những người khác.

Tiếng lành đồn xa, một số gia đình có con bị bệnh tâm thần, bị bệnh viện trả về, phải xích, nhốt lần lượt mang đến nhờ “bố” Phước chăm sóc. Như anh Minh- gia đình ở gần Công viên Đồng xanh, Gia Lai. Anh Minh không chỉ bị tâm thần lên cơn điên loạn có thể đuổi đánh bất kì ai, mà điều làm cho người ta ghê rợn nhất là anh thường tìm đến những xác động vật chết thối, sinh dòi bọ để bắt, ăn ngấu nghiến…

Người đàn ông nhặt hàng chục bệnh nhân tâm thần về chăm sóc
Anh Đông (áo đỏ) đứng cạnh ông Phước (giữa), đã hồi phục nhiều sau khi được "bố" Phước nhận về chăm sóc

Vậy mà khi về với “bố” Phước anh đã được ăn ở sạch sẽ, cắt tóc gọn gàng, ngồi xếp bằng hai chân, biết Niệm Phật, biết vỗ tay ca hát.… Cứ như vậy, tất cả những người bị tâm thần nặng bệnh viện trả về, gia đình xích nhốt đều được “bố” Phước cưu mang và “chữa trị”bằng tình thương, mà không có bất kì loại thuốc thang nào. Việc làm này của ông Phước, được những người ông cưu mang xem như đã sinh ra họ lần thứ 2, nên ai cũng gọi ông là bố.

Quả thật, việc làm của ông Phước đối với những người bị bệnh tâm thần này như một điều kì diệu mà khó ai có thể làm được. Kì diệu hơn, khi thấy chúng tôi được dẫn vào khu nhà ông Phước xây cho những người “con” của mình, thì các các anh đều vỗ tay vui vẻ hát chào. Khiến cảm giác sợ hãi ban đầu trước khi đến trong chúng tôi được xua tan.

Khi bố Phước cho kẹo, bánh ai cũng đều giơ hai tay ra xin bằng câu Nam Mô A Di Đà Phật
Khi "bố" Phước cho kẹo, bánh ai cũng đều giơ hai tay ra xin bằng câu "Nam Mô A Di Đà Phật"

Không chỉ chăm sóc những người bị tâm thần bằng tình thương, mà ông Phước còn vất vả làm việc kiếm tiền để nuôi mẹ già, con thơ và lo các bữa ăn cho những người “con” này, trong khi cuộc sống của gia đình ông không khá giả gì. Ông Phước kể, để cáng đáng được những việc trên, nhiều hôm ông phải dậy từ 3 giờ sáng để bốc vác thuê, chở thuê nguyên vật liệu cho các cửa hàng. Khi về đến nhà, ông lại cùng vợ chăm sóc cho 500 gốc cà phê trong vườn. Thời gian còn lại, ông chăm sóc, chỉ dạy cho những người “con” đáng thương của mình.

Ông tâm sự: “Hầu hết gia đình nhà bệnh nhân họ đều nghèo khổ, chỉ mang con đến nhờ mình chăm sóc. Thương quá và không chối từ được nên tôi nhận nuôi, nhiều lúc thấy kinh tế mình khó khăn quá… nhưng vừa sáng dậy, chúng đã kêu “bố ơi con đói”. Khiến mình không cầm được lòng vì thương chúng, nên mình phải cố gắng làm nhiều hơn thôi. Khổ thể xác nhưng tinh thần thì hạnh phúc”, “bố” Phước nói.

Ăn kẹo xong, mọi người lại được bố Phước (ngồi thứ 2 từ phải sang) dạy vỗ tay và hát
Ăn kẹo xong, mọi người lại được "bố" Phước (ngồi thứ 2 từ phải sang) dạy vỗ tay và hát

Chính vì công việc cao quý của ông mà đã có nhiều bệnh nhân trước khi đến đây đều bị xích nhốt, cách ly với cộng đồng nhưng chỉ vài năm sống với “bố” Phước họ đã được trở về hòa nhập với cộng đồng. Và hiện tại, ông đang chăm sóc cho gần 40 người “con” bị bệnh tâm thần mà không lấy tiền công. Thậm chí, ông còn vay hơn 50 triệu để xây cho các “con” một ngôi nhà khang trang, mát mẻ ngay trên mảnh đất nhà mình: “Có lúc khó khăn quá chúng tôi ăn mì tôm cân, một ngày ăn 3 bữa cũng được, 1 bữa cũng xong. Mỗi lần ra đường, tôi thấy người ta bỏ những đôi dép, cái mũ… còn dùng được là tôi nhặt về giặt rũ sạch sẽ để dùng. Vất vả, nhưng mình được sống thanh thản”, ông Phước tâm sự.

Chính vì lòng thương người đáng khâm phục trên mà tất cả những người bị bệnh tâm thần khi về sống với gia đình ông Phước không những bỗng dưng hết cơn giận dữ mà họ còn rất nghe lời ông, giống như một phép màu. Và khi được hỏi về việc mẹ, vợ và con có phản đối việc làm của ông không, ông cho biết: “Điều may mắn của tôi đó chính là việc được cả mẹ, vợ và con tôi đồng ý. Không chỉ vậy họ còn giúp tôi chăm sóc những người “con” của mình như nấu ăn, giặt giũ và cùng tôi làm kinh tế”.


Thiên Thư