1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người dân Đà Nẵng hoảng loạn vì tin sóng thần

9h30 sáng nay, một phi công của Việt Nam Airlines bất ngờ phát hiện một cột sóng dị thường, cao ngất cách bờ biển Đà Nẵng 50 hải lý (khoảng 90 km) về phía Đông. Ngay khi thông tin khẩn trên được báo về Cụm cảng hàng không miền Trung, hàng chục nghìn người dân bỏ chạy tán loạn lên đèo Hải Vân.

Theo tin báo, cột sóng cao ước chừng 45 -50 mét. Sau khi nhận được tin trên, Cụm cảng hàng không miền Trung đã thông báo cho Trung tâm duyên hải miền Trung và Trung tâm cứu hộ Đà Nẵng, bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng...

 

Tại quận Liên Chiểu, nơi được phỏng đoán là "tâm" của cơn sóng dữ, thông tin trên cũng đã được chính quyền sở tại loan báo bằng loa truyền thanh. Ngay lập tức, hàng nghìn hộ dân tay xách nách mang, cấp tốc bồng bế nhau tìm đường trú nạn bằng cách đưa nhau lên đỉnh Hải Vân trong cơ hoảng loạn.

 

14h chiều nay, ông Huỳnh Vạn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng, cho biết, chưa có thông tin chính thức về sóng thần. Theo ông Đỗ Thái Lân, Trưởng phòng dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn địa phương, tình hình thời tiết không có gì bất thường. Tuy nhiên, sóng thần có nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó, có nguyên nhân do núi lửa. Trung tâm chưa có thiết bị quan trắc về hiện tượng sóng thần nên không dám kết luận có sóng thần hay không.

 

UBND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị bộ đội hải quân dùng rada quét nhưng chưa ghi nhận được hiện tượng bất thường nào từ biển Đông.

 

Đến 16h30 tình hình tại chân đèo Hải Vân vẫn còn hỗn loạn, người dân do không có được nguồn thông tin chính xác nên vẫn bồng bế nhau ra đứng trước quốc lộ nghe ngóng thông tin, đồng thời sẵn sàng "dọt" lẹ lên đỉnh đèo khi "hung tin" đến.

 

PGS Nguyễn Ngọc Thuỷ, Viện trưởng viện Vật lý địa cầu, cơ quan nghiên cứu động đất ở Việt Nam cho biết, sóng thần chỉ hình thành trong điều kiện có động đất mạnh xảy ra ở bờ biển - thềm lục địa Việt Nam, hoặc ở phía Phillippines. Tuy nhiên, chiều nay, ông đã đi kiểm tra và không thấy có động đất xảy ra. Tất cả các trạm địa chất trên toàn quốc đều không ghi nhận được hiện tượng bất thường nào.

Ông Thuỷ khẳng định động đất xảy ra ở bờ biển và thềm lục địa của Việt Nam (nếu có) sẽ không đủ mạnh để gây ra sóng thần. Sóng thần là những khối nước cao khổng lồ, trải dài hàng chục, hàng trăm cây số, nhưng ngay cả trong trường hợp có sóng thần tại vùng biển nước ta, với tốc độ di chuyển từ 700 đến 800 km/h, nó sẽ tràn vào bờ chỉ sau 1-2 phút, và không thể cảnh báo kịp.

Còn nếu sóng thần xuất hiện từ Phillippines (khả năng này cao hơn), thì nước bạn sẽ thông báo cho chúng ta, và sóng sẽ tràn đến bờ biển Việt Nam sau khoảng 1,5 đến 2 tiếng, đủ để cảnh báo cho người dân.

Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần tức thời. Trong 400 năm qua, Việt Nam chưa gặp con sóng lớn nào như đã xảy ra tại Indonesia vừa qua.

 

Theo VnExpress, Tuổi trẻ