Quảng Ngãi:

Người dân bị lở núi, mất nhà dựng lều tạm giữa đồng đón Tết

(Dân trí) - Sau 3 tháng phải chịu cảnh ở nhờ vì nhà cửa bị núi sạt lở vùi lấp, nhiều hộ dân xã Ba Dinh (huyện Ba Tơ) ra đồng dựng lều tạm để có nơi đón Tết. Sống trong tình cảnh không nhà, hàng chục hộ dân nghèo khác ở xã Ba Dinh coi như mất Tết.

Cuộc sống ở những túp lều người dân dựng tạm giữa đồng để đón Tết

Đợt mưa lớn đầu tháng 11/2017 khiến ngọn núi Kà La (thôn Kà La, xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ) bị sạt lở, vùi lấp hoàn toàn 3 căn nhà, 9 căn nhà khác buộc phải di dời khẩn cấp khỏi vùng sạt lở.

Vụ sạt lở khiến 44 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo của thôn Kà La lâm vào tình cảnh mất tài sản, nhà cửa. Mất nhà nên 44 con người khốn khó phải đến ở tạm tại nhà văn hóa thôn, số khác sống nhờ nhà người quen trong thôn.

Người dân xã Ba Dinh dựng lều tạm giữa đồng ruộng để có nơi đón Tết
Người dân xã Ba Dinh dựng lều tạm giữa đồng ruộng để có nơi đón Tết

Sống trong tình cảnh không nhà, đời sống của 13 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo khốn khổ, càng hoàn cảnh hơn khi Tết đã cận kề mà không có nhà để đón Tết.

Sau 3 tháng ở tạm tại nhà văn hóa thôn, anh Phạm Văn Hút quyết định làm nhà để đón Tết. Nói là nhà nhưng thực ra đó chỉ là căn lều tạm được dựng giữa cánh đồng lầy bùn đất.

5 người trong gia đình anh Phạm Văn Hút sẽ đón Tết trong căn lều tạm bợ như thế này
5 người trong gia đình anh Phạm Văn Hút sẽ đón Tết trong căn lều tạm bợ như thế này

Căn lều của anh Hút rộng chưa đầy 30 m2 vừa được dựng xong với kinh phí... 2,5 triệu đồng. Đây là nơi trú ngụ của 5 người trong gia đình anh trong dịp Tết sắp tới.

"Ở nhờ nhà văn hóa thôn mãi cũng không được nên tôi gom góp, vay mượn được 2,5 triệu đồng dựng lều trên đất lúa ở tạm. Tiền ít nên phải quay về nhà cũ nhặt tôn, gỗ còn tận dụng được để dựng lều", anh Hút nói.

Căn lều của anh Hút có 2 chiếc giường được ghép bằng ván là nơi sinh hoạt của 5 người trong gia đình. Phần còn lại chỉ đủ để đặt chiếc tivi cũ - tài sản quý giá nhất còn lại của cả nhà.

"Không có tiền nên chỉ dựng tạm được bấy nhiêu thôi. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên 2 bộ ván ghép. Khó nhất là nhà cửa tạm bợ không có nơi cho 2 đứa nhỏ học hành. Muốn dựng nhà đẹp hơn nhưng không có tiền, không có đất", anh Hút chia sẻ.

Anh Hút là 1 trong 4 hộ gia đình bị mất nhà do sạt lở núi đã dựng được lều tạm để đón Tết. Tuy còn khá tạm bợ nhưng họ vẫn may mắn hơn so với 9 hộ dân khác vẫn đang chịu cảnh sống nhờ.

May mắn thoát chết trong trận sạt lở núi hơn 3 tháng trước nhưng đến bây giờ chị Phạm Thị Út vẫn còn sợ hãi.

Đất đá đổ ập xuống vùi lấp căn nhà, chôn vùi cả 2 mẹ con chị Út. Rất may, dân làng Kà La đã bất chấp nguy hiểm đào bới để cứu sống 2 mẹ con.

Chị Phạm Thị Út buồn rầu vì không có nhà để đón Tết
Chị Phạm Thị Út buồn rầu vì không có nhà để đón Tết

Thoát chết nhưng toàn bộ nhà cửa, tài sản bị đất đá chôn vùi khiến 4 người trong gia đình chị Út phải ở nhờ nhà cha mẹ suốt 3 tháng qua.

Căn nhà rộng chưa đầy 40 m2 của cha mẹ chị Út hiện là nơi ở của cả 6 người. Mất hết tài sản, lại bị thương do sạt lở núi, đời sống của 4 người trong gia đình chị Út vô cùng khó khăn.

"Tài sản mất hết mà mấy tháng qua không làm gì được nên không có tiền dựng lại nhà. Tết này vẫn phải đi ở nhờ, buồn lắm. Không biết phải ở nhờ bao lâu nữa mới có đất, có tiền dựng lại nhà", chị Út thở dài.

Những căn lều tạm chật chội, tối om
Những căn lều tạm chật chội, tối om

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Văn Ôn - Chủ tịch UBND xã Ba Dinh cho biết, vụ sạt lở núi đầu tháng 11/2017 khiến 44 nhân khẩu thuộc diện nghèo và cận nghèo của địa phương phải di dời khẩn cấp.


Bữa cơm chỉ có 1 con cá nhỏ với đĩa muối của gia đình anh Phạm Văn Nghí trong túp lều tạm vừa được hoàn thành với kinh phí 3 triệu đồng

Bữa cơm chỉ có 1 con cá nhỏ với đĩa muối của gia đình anh Phạm Văn Nghí trong túp lều tạm vừa được hoàn thành với kinh phí 3 triệu đồng

Ông Ôn xác nhận, sau một thời gian ở tạm nhà văn hóa hoặc sống nhờ nhà người quen, một số hộ dân đã ra đồng dựng lều tạm để có nơi đón Tết.

"Phong tục của người dân địa phương là phải có nơi ở riêng để đón Tết. Dù vậy, đến nay, trong số 9 hộ dân mất nhà, chỉ 4 gia đình có điều kiện để dựng lều ở tạm giữa đồng. Những hộ dân còn lại hiện vẫn phải đi ở nhờ", ông Ôn cho biết.

Theo ông Ôn, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng để làm nhà nhưng vẫn chưa thể giải ngân được vì người dân chưa có đất dựng nhà.

"Đất của người dân đều là đất lúa nên muốn làm nhà phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Xã đã chọn được khu đất phù hợp và trình UBND huyện xin phép chuyển đổi mục đích sang đất ở để người dân dựng nhà nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép nên người dân phải đợi", ông Ôn lý giải.

Sau khi được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chính quyền địa phương sẽ vận động nhân dân địa phương hỗ trợ đắp nền, làm đường đi, tạo mặt bằng khô ráo cho người dân mất nhà dựng lại nhà ở nhằm ổn định đời sống, Chủ tịch UBND xã Ba Dinh cho biết thêm.

Quốc Triều