Người đàn bà và những đứa con đào hầm sống trên núi

15 năm, người đàn bà ấy sống hoang dã trong rừng, sinh ra những đứa con hoang.

Mỗi khi người thân tìm đến hỏi han, dỗ dành, cơn điên loạn lại lên đến cao độ, chị hét những tiếng kinh hoàng và ôm con chạy thục mạng vào rừng sâu. Câu chuyện đau lòng ấy diễn ra với chị Lê Thị Tâm (thôn Vĩnh Tân, Lục Sơn, Lục Nam, Bắc Giang).

Chuyện buồn không muốn kể

Từ thị trấn Đồi Ngô của huyện Lục Nam, phải vượt qua gần 50km đường rừng chúng tôi mới vào tới được thôn Vĩnh Tân, xã Lục Sơn. Hỏi "người rừng" Lê Thị Tâm không ai không biết. Bà hàng xóm gần nhà chị bảo, thực lòng dân làng chẳng ai muốn gọi Tâm như vậy, nhưng đời sống của người đàn bà điên ấy bây giờ, quả chẳng có từ nào đúng hơn như thế để gọi.
 
Cụ Đinh Thị Ngắm năm nay đã gần 80 tuổi, khuôn mặt chằng chịt vết nhăn. Cụ bảo, chẳng còn nổi nước mắt để khóc thương cho con gái nữa. 15 năm, quãng thời gian đằng đẵng ấy đã lấy hết nước mắt của cụ rồi. Chiều muộn, nghe tiếng ơi hời của mấy mẹ con chị Tâm bên kia núi vọng lại, hay những đêm giao thừa, cụ lại nhìn lên cao xanh mà khóc. Cụ khóc trong câm lặng và đôi khi, sự đau lòng quá mức đã khiến cụ muốn tìm đến cái chết để quên đi kiếp sống đầy khổ ải đọa đày này. 15 năm cụ sống một mình và khóc một mình.

Người đàn bà và những đứa con đào hầm sống trên núi
Cụ Đinh Thị Ngắm.

Cụ Ngắm vốn người gốc Hưng Yên. Thời chiến tranh, quen và yêu một người đàn ông gốc Huế tập kết ra Bắc. Cưới xin đàng hoàng. Ăn ở với nhau được 6 mặt con và Tâm là người con gái út. Suốt cuộc đời làm vợ, cụ Ngắm chẳng có một ngày vui. Thậm chí, cụ chỉ biết quê chồng ở Huế chứ cũng chưa một lần người đàn ông mà cụ gọi là chồng ấy cho vợ về thăm quê cha đất tổ.

"Ước ao lớn nhất đời tôi bây giờ là cái Tâm được vào một trung tâm người Tâm thần nào đó để được chăm sóc và thuốc men. Còn hai đứa nhỏ thì được một trung tâm nuôi trẻ mồ côi nào đó tiếp nhận nuôi dưỡng. Có như vậy các cháu mới được sống cuộc sống làm người. Tôi gần 80 tuổi rồi, chẳng biết sống chết lúc nào. Những tâm niệm ấy cứ luôn đè nặng trong mình, không cho tôi một phút giây nào thanh thản" - cụ Đinh Thị Ngắm, mẹ của chị Tâm tha thiết.


Đất nước thống nhất, hai vợ chồng dắt díu 6 đứa con lên vùng đất xa thẳm Lục Sơn lập nghiệp. Cất xong mái nhà, gieo xong vụ ngô đầu tiên, người đàn ông ấy lặng lẽ bỏ đi biệt xứ. Đã gần 40 năm, cụ chưa hề có tin tức gì về người chồng bội bạc ấy. Một mình cụ cáng đáng nuôi 6 đứa con (4 trai, 2 gái).

Như lời cụ Ngắm, Lê Thị Tâm là con gái út, sinh năm 1973, tuổi Sửu. "Từ nhỏ tới lớn nó thông minh lanh lợi lắm, việc nhà cửa chợ búa rồi đồng áng nó đều quán xuyến chu toàn. Không xinh nhưng cũng ưa nhìn nên 20 tuổi nó đã xây dựng gia đình. Chỉ trách ông trời không cho nó cuộc sống làm người" – bà Ngắm kể.

20 tuổi, Lê Thị Tâm xây dựng gia đình với một người đàn ông tên Lập, người dân tộc Cao Lan ở thôn cạnh. Con gái đầu lòng được hơn 1 tuổi thì Tâm phát bệnh. Có người bảo Tâm bị "ma làm". Đông Tây y kết hợp không ăn thua, gia đình liền mời thầy về "trừ ma". Nhưng bệnh không thuyên giảm. Người chồng ôm con bỏ đi biệt tích.

Chồng bỏ đi, Tâm càng điên nặng hơn. Chị hò hét, đập phá và trần truồng đi khắp huyện. Một người đi rừng bảo, thấy Tâm nằm bên bờ suối, cái bụng đã chửa vượt mặt. Thân già lặn lội, cụ Ngắm cùng mấy anh con trai vào rừng tìm em, nhưng hễ thấy bóng người là Tâm lại gào thét rồi bỏ chạy.

Người đàn bà và những đứa con đào hầm sống trên núi
Chị Lê Thị Tâm và 2 đứa con không rõ bố. 

Chuyển dạ ban đêm, Tâm vượt cạn một mình bên suối. Chị tự tay cắt rốn, tự tay chăm sóc cho con. Thậm chí, ngay chiều hôm sau, người làng đã thấy hai mẹ con tắm rửa nô đùa dưới suối. Tìm đủ mọi cách, từ dụ dỗ cho đến khống chế, gia đình mới đưa được hai mẹ con về nhà. Cụ Ngắm nuốt nước mắt đưa đứa trẻ cho một gia đình hiếm muộn ở Quảng Ninh. Biết mất con, Tâm lại hét lên điên loạn và chạy mất hút vào rừng.

Mấy năm không ai biết Tâm ở đâu, cho đến một ngày, đám thợ săn bảo Tâm mới xuất hiện trở lại trong rừng Du Dẻ. Mọi người kéo nhau vào tìm, thì mới biết Tâm đã sinh đứa con thứ hai. Không ai biết cha của đứa trẻ là ai. Lần này, cụ Ngắm cũng đã quyết định gửi đứa trẻ cho một gia đình không có con. Ai cũng biết rằng, với sự điên loạn nặng nề của Tâm, núi rừng lam sơn chướng khí, khả năng sống sót của đứa bé là rất thấp.

Người đàn bà và những đứa con đào hầm sống trên núi
Chiếc hầm nơi mẹ con chị Tâm sinh sống. 

Đận ấy, Tâm ở nhà được 2 tháng. Sau đó, khi có người nhà đến, chị lại hét lên đòi con, dọa giết cả nhà, rồi chạy một mạch vào rừng. Lần này thì Tâm đi một mạch đến 6 năm. Người thân đổ xô đi tìm nhưng không thấy tung tích. Thậm chí, cụ Ngắm còn nhờ đám thợ săn truy tìm khắp các cánh rừng xa thẳm nhưng vô vọng.

Bất ngờ một ngày, mọi người phát hiện ra Tâm sống trong rừng cùng 2 đứa con mới sinh, một trai, một gái. Cậu con trai khoảng 4 tuổi, cô con gái hơn 1 tuổi đang ăn ngấu nghiến miếng thịt sống. "Hễ mọi người đến gần là nó lại ôm con chạy thục mạng vào rừng, miệng không ngớt hò hét: "Chúng mày đến để giết con tao".

Gia đình tôi đã tính nhốt nó vào cũi, nhưng suốt ngày nó tru tréo, gào khóc cũng không đành lòng chú ạ. Đành mặc cho số trời thôi chứ không biết làm sao. Đáng trách là không biết gã đàn ông đồi bại nào có thế táng tận làm cho nó có mang.

Mà nó thì khác gì một con thú hoang đâu, quần áo, người ngợm mấy năm trời không thay không tắm. Vậy mà họ nhẫn tâm gieo rắc thêm cho nó và những đứa trẻ vô tội những nỗi đau" - Vừa nói những sự thật trần trụi ấy, cụ Ngắm vừa lặng lẽ khóc. Trên khuôn mặt nhăn nheo của cụ, nước mắt chảy ra từ hai hốc mắt như quả chanh đã bị vắt cạn nước.

Hãy cứu lấy những đứa trẻ

Khi chúng tôi đang ngồi nói chuyện với cụ Ngắm thì một người đàn ông xuất hiện. Anh là Lê Văn Thuật, con trai thứ hai và là anh trai của của Lê Thị Tâm. Không giấu được nỗi buồn, anh Thuật bảo anh em trong nhà, người thì góp chút gạo, người thì con gà con vịt, thậm chí bản thân anh đã bán hết cả một vụ lạc lấy tiền chạy chữa cho em nhưng không được.

"Đến gần nó đã khó nói gì đến việc thuyết phục hả anh. Đã nhiều lần tôi dỗ dành để nó cho mang hai đứa nhỏ về nuôi nấng nhưng bó tay. Nói chuyện với người mắc bệnh ấy thì anh biết rồi đấy, chẳng có tác dụng gì đâu" – anh Thuật tâm sự.

Tôi và anh Thuật cuốc bộ chồn chân mới đến quả núi chị Tâm trú ngụ. Anh Thuật bảo tôi đứng chờ, để anh trèo lên đỉnh núi thử thuyết phục chị Tâm đừng bỏ chạy. Hai lần lên rồi xuống, anh Thuật ra hiệu cho tôi trèo lên.

Trên đỉnh núi không có gì ngoài một hang đá cao khoảng 0,6m. Gọi là hang thì hơi quá mà gọi nó là cái lỗ thì có cái gì như quá đáng với mẹ con chị. Theo anh Thuật, cái lỗ này vốn chỉ có đường kính chừng 30cm, nhưng được chị Tâm đào thêm xuống lòng đất chừng 30cm nữa để chui vừa. Trong hang ấy chỏng chơ mấy ống sữa bò gỉ nát.

Anh Thuật bảo đó là "nồi" mà những lúc tỉnh táo nhất chị Tâm dùng để nấu cơm. Còn bình thường thì mấy mẹ con ăn sống. Anh Thuật bảo, nhiều lần những người thân trong gia đình thấy chị bới đống rác nhặt nhạnh đồ ăn thối đưa cho con ăn, nhưng không dám can ngăn, vì nếu ngăn cản thì Tâm sẽ bỏ chạy và sau mỗi lần như vậy, cơ hội để đến gần Tâm càng ít hơn.

Trước mắt tôi là một người đàn bà đứng ôm cây cười ngô nghê. Dưới chân là hai đứa trẻ đen nhẻm chạy thoăn thoắt như những con don, con dúi. "Mùa đông, rét cắt da cắt thịt, mấy mẹ con nó vẫn chỉ phong phanh như vậy, vẫn xuống suối tắm ùm ùm. Rồi muỗi vắt và những loài trùng độc khác nhiều vô kể nhưng cũng lạ, chẳng thấy mấy mẹ con ốm đau bệnh tật gì.

Thương mẹ con nó, chúng tôi cũng mang quần áo, thức ăn, gạo muối lên, nhưng nó vứt đi ngay" – anh Thuật tâm sự. Hành động được xem là "con người" nhất của Tâm là một đêm, Tâm mò xuống nhà chị gái và bảo: "Cái gái nhà em nó bị ho hay sao ấy. Chị cho em ít thuốc".

Rời ngọn núi, nơi có hang đá mấy mẹ con chị Tâm ở, tôi thấy lòng nặng trĩu. Hình ảnh người mẹ ôm cây cười ngờ nghệch và đôi mắt hai đứa trẻ dõi theo bước chân khi tôi xuống núi cứ ám ảnh suốt chặng đường.

"Chính quyền cũng biết việc gia đình chị Tâm và đã nhiều lần muốn đón chị về chăm sóc nhưng đúng là không hiệu quả. Cứ ở được một hai ngày là chị lại bỏ lên rừng. Có người bảo đó là "ma làm" nhưng tôi cho rằng chị bị tâm thần nặng. Rất mong một tổ chức từ thiện nào đó quan tâm và tìm cách giúp đỡ chị. Về phía chính quyền, các quyền lợi và chế độ dành cho người tâm thần chúng tôi cũng đã thực hiện đầy đủ. Hội phụ nữ, y tế xã cũng đã nhiều lần tìm cách tiêm phòng cho hai đứa nhỏ nhưng không thành công. Nếu có địa chỉ nào để mấy mẹ con chị Tâm bấu víu thì đó là niềm vui của không chỉ gia đình mà còn là niềm vui của cả thôn, cả xã Lục Sơn này" - ông Đinh Văn Hét, trưởng thôn Vĩnh Tân xã Lục Sơn cho biết.

Theo Gia đình và Cuộc sống/VTC