Người đàn bà tật nguyền hơn 30 năm cuốc bộ đưa thư

(Dân trí) - Cuộc đời bà là một chuỗi những ngày đau đớn, mất mát, tuyệt vọng: bị bom đạn lấy đi một cánh tay, góa phụ khi còn rất trẻ, người con trai duy nhất ra đi sau một tai nạn nghề nghiệp. Nhưng bà được người dân khắp xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) gọi bằng cái tên trìu mến: “người đàn bà cụt nối kết thông tin”.

Tôi gặp bà Trần Thị Long rất tình cờ, trong một hoàn cảnh không lấy gì làm vui vẻ: tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Bà nằm ốm liệt giường sau một tai nạn điện giật tại nhà riêng. Người bà gầy khô, mái tóc bạc trắng và chỉ còn một cánh tay.

 

Thuở thanh xuân, bà là một nữ dân quân hỏa tuyến xinh đẹp và sôi nổi. Năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá trở lại miền Bắc. Quê bà nằm sát nhiều mục tiêu của Mỹ nên bị máy bay địch bắn phá ác liệt. Một buổi trưa, bà cùng gần chục anh chị em trong hợp tác xã ra đồng tranh thủ cấy lúa thì bị địch rải bom. Một quả bom rơi gần chỗ bà, gây nên một cảnh chết chóc kinh hoàng. 

 

“Tui không biết gì nữa. Tỉnh lại thấy mình đã nằm trong bệnh xá, may mắn thoát chết nhưng đã mất một cánh tay. Cái tên “Long cụt” có từ đấy”, bà kể.

 

30 năm cuốc bộ đưa thư

 

Mất một cánh tay, bà tưởng như tương lai sụp đổ: “Tui buồn, đau đớn suốt nhiều tháng trời. Mỗi lần nhìn thấy cánh tay bị cụt, tui tuyệt vọng vô cùng. Nhưng rồi tôi nghĩ, mình vẫn còn một cánh tay và đôi chân lành lặn, mình phải sống”.

 

Bà chọn công việc là người bưu tá đưa thư để phù hợp với sức khỏe. Công việc xem vậy nhưng không nhàn, vì chỉ còn một cánh tay, bà không thể sử dụng phương tiện đi lại nào, ngoài đi bộ. Mỗi ngày bà cuốc bộ gần 40 cây số. Những hôm có công văn hỏa tốc, bà phải lên đường từ nửa đêm.

 

Bà nhớ lại những ngày đầu tiên bước vào nghề: “Nhận nhiệm vụ, tui lên đường từ tờ mờ sang. Lấy được bưu phẩm đưa về xã đã tới gần xế chiều. Về đến nơi không kịp nghỉ lại cuốc bộ khắp các thôn xóm. Tối mịt trở về nhà mới biết mệt, chân tay rụng rời…”.

 

Qua một đêm ngắn ngủi, cái mệt chưa dứt, bà lại bắt đầu công việc của ngày hôm sau. Mỗi lần mệt mỏi hay nản chí, bà lại tự dặn lòng mình, phải cố gắng hơn nữa vì mình đang nắm giữ nhiều thông tin quan trọng, mình là chiếc cầu kết nối yêu thương, nhung nhớ cho hàng nghìn con người. Vì ý nghĩ ấy, bà đã dùng hết cuộc đời của mình để cuốc bộ đưa thư. 30 năm qua, ngày nào đôi chân cũng rảo bước vài chục cây số.

 

“Hạnh phúc nhất của cuộc đời hơn 30 năm cuốc bộ đưa thư là gì?”. Bà trả lời không do dự: “Là chưa một lần làm mất, thất lạc thư từ, bưu phẩm của người dân. Là được mọi người tin tưởng, yêu thương và thông cảm”.

 

Niềm hạnh phúc giản dị, nhỏ bé đó là động lực giúp bà vượt qua những mất mát, đau thương của cuộc đời. Cách đây vài năm, dù niềm đam mê công việc vẫn còn nhưng vì lý do sức khoẻ, bà đã xin nghỉ việc, hưởng chút đồng lương hưu ít ỏi, dưỡng già.

 

Chia tay bà, lòng tôi trĩu nặng hình ảnh một thân thể gầy nhỏ, một mái tóc bạc phơ, một cánh tay áo phơ phất trong ngôi nhà nhỏ trống hoác, với vài chiếc chum sành, tài sản “đáng giá” nhất bà gom góp được sau hơn 30 năm làm nghề đưa thư.

 

Văn Dũng - Minh San