Quảng Ngãi

Ngư dân nản lòng chờ vay vốn ưu đãi đóng tàu vươn khơi

(Dân trí) - Từ khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP ra đời, những ngư dân cả đời bám biển phấn khởi như được tiếp sức để vươn ra biển lớn Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng hơn 1 năm triển khai, đến nay chỉ có 9/73 tàu cá được giải ngân vốn vay và 26/73 chủ tàu không tham gia vay vốn.

Tính đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã xét duyệt 73 hồ sơ đóng mới tàu. Số tàu được ngân hàng thương mại giải ngân chỉ vỏn vẹn có 9 tàu cá (3 tàu vỏ thép và 6 tàu vỏ gỗ) với tổng số tiền đăng ký vay là 69,5 tỷ đồng.

Trong số 73 hồ sơ trên, có 26 trường hợp không tham gia và xin rút khỏi chương trình vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67, trong đó có 5 tàu vỏ thép, 2 tàu composite và 19 tàu vỏ gỗ.

Về nguyên nhân việc triển khai đóng mới tàu cá chậm trễ, ông Lê Văn Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) cho biết: “Hầu hết các ngư dân gặp khó khăn tiếp cận nguồn vốn, do thay đổi mẫu thiết kế cho phù hợp thực tiễn từng ngành nghề khai thác, ngư dân không đồng ý mua máy mới (giá thành cao gấp 2 – 3 lần máy cũ). Điều quan trọng, đó là ngân hàng không tích cực cho ngư dân vay vốn bằng hình thức kéo dài thời gian thẩm tra hồ sơ, hành ngư dân trong việc làm thủ tục, mỗi ngân hàng thực hiện các điều kiện vay khác nhau. Cá biệt có ngân hàng “động viên” ngư dân thế chấp thêm tài sản, dẫn đến ngư dân mòn mỏi đợi chờ rót vốn”.

Là ngư dân đầu tiên hạ thủy tàu gỗ theo Nghị định 67, ngư dân Nguyễn Sáu (SN 1950, ngụ huyện Đức Phổ) chia sẻ: “Khi mới đưa hồ sơ ra, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản yêu cầu điều chỉnh lại, trong thời gian chỉnh mất vài tháng, lúc đó tôi vay mượn để bỏ vốn ra làm con tàu trong năm, chứ ngư dân sợ đóng con tàu qua 2 năm. Nếu chờ ngân hàng rót tiền thì không thể làm con tàu kịp thời gian…”

Người trong cuộc chia sẻ khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

“Trước hết coi thử ngân hàng có cho vay hay không, như tỉnh xét duyệt hồ sơ được rồi, đưa qua ngân hàng lại không được thì chịu thôi. Vay kiểu này tôi thấy ngán lắm rồi. Đáng lý, bên ngân hàng khi đồng ý cho vay nên ứng trước khoảng 30% để mua hàng hóa, vật liệu và máy móc cho nẫu (họ), chứ ai mà để mình lấy hàng mà không đưa đồng nào”, ngư dân Nguyễn Sáu đề nghị.

Ngư dân nản lòng chờ vốn vay ưu đãi từ chính sách

Trong 2 nguyên nhân trên, về việc thời gian thiết kế lại mất thời gian và tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn. PV Dân trí tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến khó khăn giải ngân vốn vay ưu đãi theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ.

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) – Chi nhánh Quảng Ngãi, có 20 hồ sơ đề nghị vay vốn, hiện đã chấp thuận cho vay và đang giải ngân 6 tàu; đồng thời cũng có 6 trường hợp rút hồ sơ và không tham gia vay vốn. Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện tối đa, giúp ngư dân có thể vay vốn đóng mới tàu cá. Hiện nay, BIDV Quảng Ngãi là đơn vị giải ngân vốn cho ngư dân vay nhiều nhất tỉnh. Qua rà soát, các ngư dân rút hồ sơ không vay nữa, vì họ thấy đầu tư lớn nhưng khó đạt hiệu quả, không chấp thuận đầu tư máy mới (quy định phải mua máy mới). Một số trường hợp khác chưa hoàn thiện hồ sơ hoặc chưa giải ngân do chủ tàu muốn thay đổi thiết kế để giảm chi phí đầu tư”.

Bà Phạm Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Quảng Ngãi lại nêu nguyên nhân ngư dân không chịu mua máy mới và thiết kế mẫu chưa phù hợp. “Cho đến nay, ngân hàng chưa giải ngân trường hợp nào vay theo Nghị định 67. Tuy nhiên, ngân hàng đã cho vay thương mại để đóng mới 3 tàu cá, với lãi suất 7%. Hầu hết các trường hợp vay vốn, chúng tôi đều yêu cầu mua bảo hiểm để tránh những rủi ro khi chủ tàu hành nghề trên biển”.

quang-ngai-co-nhu-cau-dong-moi-tau-vuon-khoi-xa-rat-nhieu-tuy-nhien-kho-khan-ve-thoi-gian-thiet-ke-tham-dinh-va-tu-ngan-hang-la-rao-can-lon-hien-nay-1441676062568

Quảng Ngãi có nhu cầu đóng mới tàu vươn khơi xa rất nhiều nhưng khó khăn về thời gian thiết kế, thẩm định và từ ngân hàng là rào cản lớn hiện nay

Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, trong số 26 trường hợp không tham gia vay vốn ưu đãi, có 2 chủ tàu chấp nhận thế chấp tài sản và vay vốn thương mại. Cụ thể như ngư dân Trương Tày (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vay 1,2 tỷ đồng đóng mới 2 tàu gỗ; ngư dân Dương Văn Thạch (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vay 2,5 tỷ đồng đóng mới 1 tàu gỗ. Cả 2 chủ tàu này đều chấp nhận mức lãi suất 7%/năm, thời gian vay 5 năm tại Vietinbank Quảng Ngãi.

Ông Phan Huy Hoàng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Các ngân hàng thương mại không tích cực tiếp nhận hồ sơ vay vốn đóng mới tàu, mặc dù Sở và Tổ chuyên viên giúp việc về Nghị định 67 đã nhắc nhở nhiều lần. Tôi đề nghị các ngân hàng thương mại xem chương trình này là nhiệm vụ chính trị, cần đơn giản hóa thủ tục, tích cực trong quá trình thẩm định hồ sơ cho ngư dân nhanh chóng hơn”.

Hồng Long