Thanh Hóa:

Ngư dân kêu trời vì... hết đường vào bờ

(Dân trí) - Hàng trăm tàu thuyền của ngư dân vùng biển Ngư Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa) khốn khổ, không có đường vào bờ vì vướng những “trận địa” cọc của các bãi nuôi ngao.Mùa mưa bão đã đến, mối lo “hết đường” càng tăng cao.

Theo phản ánh của nhiều ngư dân tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, thời gian qua, rất nhiều người dân đã ra cắm cọc nuôi ngao ở khu vực ven biển. Những khi đi biển về, tàu thuyền của ngư dân không có đường vào luồng lạch neo đậu.
 
Tại thôn Bắc Thọ có 47 phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản. Bà con ngư dân rất vất vả để “trườn” qua những bãi “chông” do các đối tượng lấn chiếm trái phép nuôi ngao dựng lên.
Ngư dân kêu trời vì... hết đường vào bờ - 1
Những chòi canh thi nhau mọc lên lấn chiếm bãi triều ven biển xã Ngư Lộc

Bức xúc trước tình trạng trên, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Ngư dân chỉ còn biết chọn đường vòng để cho tàu thuyền vào bờ.

Trong khi đó, tình trạng tranh giành bãi ngao thường xuyên xảy ra khiến tình hình an ninh trật tự tại địa phương bị ảnh hưởng. Đã có những vụ xô xát xảy ra như đốt chòi canh, hành hung giữa các chủ bãi ngao.

Không chỉ ngư dân thôn Bắc Thọ mà hàng trăm phương tiện tàu thuyền của các ngư dân trong xã Ngư Lộc cũng gặp không ít rắc rối trước tình trạng trên. Nguy hiểm hơn khi nước triều lên không nhìn thấy “bãi chông” chìm dưới nước.

Không chỉ thế, mỗi ngày có hàng chục xà lan chở đất cát đến đổ xuống biển tạo bãi nuôi ngao khiến bãi biển bị bồi lắng nghiêm trọng. Tình trạng này diễn ra kể từ sau tết đến nay những các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Cơn bão số 3 vừa qua, nhiều tàu thuyền trên đường vào tránh, trú bão bị vướng bãi ngao phải tạm né ở mũi đảo Nẹ. Tình trạng tàu thuyền gãy chân vịt do vướng vào cọc bãi ngao cũng thường xuyên xảy ra.
 
Ngư dân kêu trời vì... hết đường vào bờ - 2
Ngư dân bức xúc trước tình trạng các đối tượng lấn chiếm bãi ngao khiến tàu thuyền ra vào khó khăn

Ông Nguyễn Văn Giai, thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc bức xúc: “Chúng tôi là những người làm ăn sinh sống từ bao đời nay bằng nghề đi biển. Chúng tôi cũng nhất trí với chủ trương của Nhà nước khuyến khích nuôi trồng thủy sản nhưng làm gì cũng phải đúng luật chứ. Sống ở bãi ngao, làm sao không xảy ra va chạm, tàu của tôi đã nhiều lần va vào cọc bị gãy chân vịt phải bỏ tiền ra thay mà xót quá. Mỗi lần đi vào cọc bãi ngao, họ lại bảo mình phá hoại tài sản nữa mới khổ chứ”.

Không còn đường nào khác, ngư dân đành phải cho tàu thuyền đi đường vòng thêm 5 hải lý để vào nơi neo đậu, mỗi lần như thế tốn thêm khoảng 100 lít dầu. Khổ nhất là vào thời gian từ tháng giêng đến tháng ba có sương mù không nhìn thấy đường đi.

Anh Nguyễn Đức Thọ, một ngư dân trong vùng chia sẻ: “Đã vất vả chống chọi với biển khơi rồi, đến khi vào bờ còn khổ hơn. Ai cũng lao động cả nhưng họ làm thế này thì không thể chấp nhận được. Ngày trước tàu thuyền chỉ cần chạy theo định vị là vào bờ an toàn, nhưng bây giờ chạy theo định vị thì vướng bãi ngao”.

Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư chi bộ thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc nói: “Tàu thuyền của ngư dân trong thôn và cả xã thường vào Lạch Sung và Lạch Trường neo đậu, tuy nhiên thời gian qua rất vất vả bởi tình trạng cắm cọc nuôi ngao lấn chiếm luồng lạch đi vào của bà con. Bà con nhiều lần phản ánh tình trạng và chúng tôi cũng đã đề nghị lên trên nhưng chưa được giải quyết. Cả thôn và xã đều không có chức năng, bởi từ mép nước trở ra do biên phòng quản lý”.
 
Ngư dân kêu trời vì... hết đường vào bờ - 3
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc trao đổi với PV

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc giải thích: “Xã không có thẩm quyền xử lý ở khu vực bãi nuôi ngao, chúng tôi chỉ quản lý về mặt hành chính. Bãi triều huyện đã có quy hoạch vùng nuôi ngao và luồng lạch ra vào cho tàu thuyền. Nhưng một số đối tượng đã ra lấn chiếm, cắm cọc nuôi ngao. Theo quy hoạch của huyện thì xã Ngư Lộc và Hưng Lộc không nằm trong vùng nuôi ngao để làm luồng lạch cho tàu thuyền ra vào. Việc xà lan chở đất cát đến đổ ở bãi biển của xã là có, xã chỉ có trách nhiệm thông tin chứ không có chức năng xử lý”.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND huyện Hậu lộc, cho biết: “Huyện đang tập trung dẹp bỏ và sẽ làm đến nơi. Huyện cũng đã chỉ đạo công an làm chuyên án xem xét một số đối tượng vi phạm. Đồng thời tập trung đo đạc, bổ sung vào vùng quy hoạch để giao đất cho các hộ dân có đấu thầu. Đối với tình trạng xà lan đổ đất trên biển, sẽ chỉ đạo biên phòng giải quyết dứt điểm”.

Không biết đến bao giờ ngư dân vùng biển mới thoát được cái cảnh biển cả mênh mông mà lại không có đường vào bờ!

Duy Tuyên