Hà Tĩnh:

Ngọn Sư Tử bị "băm nát": Dân khốn khổ vì mỏ đá

(Dân trí) - Không chỉ "băm nát" ngọn Sư Tử, việc khai thác đá tại ngọn núi này từ nhiều năm nay đã khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh khốn khổ, bất an do tiếng mìn nổ rung chuyển nhà cửa, bụi đá bao phủ khắp nơi gây ô nhiễm môi trường nặng nề...

Cực hình từ mỏ đá

Giữa cái nắng hè gay gắt như thiêu đốt, cuộc sống của hàng trăm hộ dân nằm gần ngọn Sư Tử ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh càng trở nên ngột ngạt, khốn khổ hơn bao giờ hết.

Từ xa hàng trăm mét đã nghe rõ tiếng máy nghiền đá rầm rập, tiếng xe tải "ăn" hàng rú ga, những con đường bụi bay mù mịt. Hơn 11h trưa, khi những giàn xay ngưng hoạt động, người dân lại phải chịu sự tra tấn của đồng loạt tiếng mìn nổ vang trời, làm rung chuyển cả nhà cửa phát ra từ ngọn Sư Tử.

Bụi bay mịt mù sau loạt mìn được kích hoạt tại ngọn Sư Tử.
Bụi bay mịt mù sau loạt mìn được kích hoạt tại ngọn Sư Tử.

Chỉ cách mỏ đá chừng vài trăm mét, nên hơn 160 hộ dân ở xóm 3 là những hộ dân chịu nhiều ảnh hưởng nhiều nhất do các tác động của mỏ đá này gây ra. Khi chúng tôi đặt chân đến đây, hầu như người dân nào trong xóm cũng muốn giãi bày nỗi bức xúc mà họ đã kìm nén quá lâu.

Cổng làng Văn hóa xóm 3 xã Xuân Hồng từ lâu đã được doanh nghiệp khai thác đá tại ngọn Sư Tử ngăn không cho người đi qua mỗi khi doanh nghiệp kích hoạt cho mìn nổ.
Cổng làng Văn hóa xóm 3 xã Xuân Hồng từ lâu đã được doanh nghiệp khai thác đá tại ngọn Sư Tử ngăn không cho người đi qua mỗi khi doanh nghiệp kích hoạt cho mìn nổ.

Ông Trần Đức Quyết– một người vẫn thường xuyên đấu tranh tại các cuộc họp xóm, xã, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri về những ảnh hưởng nặng nề do mỏ đá trên gây ra không dấu được sự bức xúc, cho biết, từ khi xí nghiệp khai thác đá trên về, người dân ở đây đã bị chịu đựng quá nhiều khốn đốn.

“Mỗi khi họ nổ mìn thì bụi bay mù trời, khỏa lấp cả 1 vùng thôn xóm, mùa này gió đổi hướng chứ mùa gió Bắc thì cả xóm đều chìm trong bụi. Tiếng mìn nổ rung chuyển khiến cửa nhà đang đóng cũng tự nhiên mở toang ra, một số nhà dân bị nứt nẻ do rung khi mìn nổ” – ông Quyết bức xúc.


Ông Trần Đức Quyết, một trong hơn 160 hộ dân ở xóm 3 chịu nhiều khốn đốn do tình trạng khai thác đá tại ngọn Sử Tử gây ra.

Ông Trần Đức Quyết, một trong hơn 160 hộ dân ở xóm 3 chịu nhiều khốn đốn do tình trạng khai thác đá tại ngọn Sử Tử gây ra.

“Bình thường họ nổ mìn vào khoảng 10-11h trưa, khi có các đoàn kiểm tra về thì họ nổ ít. Còn không thì họ nổ đồng loạt, đặc biệt là nổ mìn âm, nổ nhiều lắm, người dân không thể chịu nổi chú à!” – bà Trần Thị Hóa, một người dân khác ở xóm 3 tiếp lời ông Quyết.

Nói rồi bà Hóa chỉ cho chúng tôi vô số những đường nứt do tác động của “sóng” mìn, những đường nứt, sứt sẹo nham nhở trên tường nhà, bờ rào do đá từ ngọn Sư Tử bay vào.


Trong vườn nhà bà Hóa không thiếu những hòn đá như thế này bay từ ngọn Sư Tử tới sau mỗi lần nổ mìn.

Trong vườn nhà bà Hóa không thiếu những hòn đá như thế này bay từ ngọn Sư Tử tới sau mỗi lần nổ mìn.

Nhiều hộ dân khác tại xóm 3 nhẩm tính, trong vòng 12 năm nay, khi mỏ đá trên địa bàn bị khai thác rầm rộ thì tại xóm 3 này đã có 16 người bị mắc ung thư. Từ đó người dân ở đây đã có sự nghi ngờ về những tác động môi trường do mỏ đá hoạt động gây ra.

“Một danh lam thắng cảnh, một bức tranh họa đồ như vậy, một cái mỏm đầu rồng đi vào thi ca như thế mà khai thác như thế là không tốt, không nên khai thác chỗ đó bất kỳ lí do nào. Tôi ở lại thì giá nào cũng không cho khai thác rồi.

Trước đây một số đơn vị khai thác tại núi này hết giấy phép, đã đóng cửa rồi, tôi cũng nghĩ là họ đóng cửa luôn, nhưng không ngờ đơn vị chức năng vẫn cho doanh nghiệp mở rộng khai thác. Quan điểm của tôi là chỉ cho khai thác mặt sau của ngọn núi để bảo vệ thắng cảnh này” – Hà Văn Châu, nguyên Bí thư huyện ủy Nghi Xuân, hiện là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh nói

Ông Trần Đức Long, xóm trưởng xóm 3 nêu, “ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của con người, mỏ đá hoạt động đã phát sinh ra khói bụi, đất cát phủ lấp hoa màu của nhân dân. Việc chăn nuôi gia súc như trâu bò gặp khó khăn vì không có chỗ đứng. Bà con ở đây khốn khổ lắm rồi”.

Ngoài người dân ở xóm 3, hơn 100/230 hộ dân ở xóm 4 cũng bị mỏ đá tại ngọn Sư Tử tra tấn, cuộc sống khốn đốn nhiều năm qua.

“Lượng mìn mà đơn vị khai thác mỏ đá dùng là quá lớn, đặc biệt là đợt này họ khai thác âm, sâu xuống lòng đất, nên khi mìn nổ gây rung chuyển rất lớn. Ngay cả ngôi nhà của tôi cách mỏ đá hơn 1km mà khi họ nổ mìn còn bị rung chuyển, nói chi những hộ ở gần” – ông Nguyễn Văn Luyện, xóm trưởng xóm 4 phản ánh.

Để thế này người dân quá khổ rồi!

Trong những cuộc nói chuyện với người dân và đại diện các thôn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng khai thác đá quá mức ở ngọn Sư Tử, hầu như các ý kiến đều cho rằng phải thay đổi cách thức hoạt động, hoặc có thể phải đình chỉ mỏ đá này.

“Phải đình chỉ mỏ đá đó vì nó không những gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng trăm hộ dân mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Phải bảo vệ núi Hồng có lịch sử từ bao đời nay đang bị cày xới. Có như thế cuộc sống của người dân chúng tôi ở đây mới được yên ổn” – ông Trần Đức Long, xóm trưởng xóm 3 kiến nghị

Còn đối với ông Nguyễn Văn Luyện, xóm trưởng xóm 4 cho biết, trong các cuộc họp Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, phía địa phương đã đưa ra quan điểm đề nghị đơn vị thi công giảm lượng mìn sử dụng vào việc khai thác. Tuy nhiên, vấn đề nêu ra hơn 1 năm, nhưng vẫn không thấy động thái nào từ đơn vị khai thác.

Trang trại của một hộ dân nằm ngay cạnh mỏ đá. Mỗi khi mìn nổ, chủ trang trại này phải chạy đi lánh nạn.
Trang trại của một hộ dân nằm ngay cạnh mỏ đá. Mỗi khi mìn nổ, chủ trang trại này phải chạy đi lánh nạn.

Ông Nguyễn Phi Phượng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng bức xúc việc khai thác đá tại ngọn Sư Tử đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phá nát một danh lam thắng cảnh. Theo ông Phượng, đây là một danh lam không chỉ của địa phương. Việc khai thác khiến ngọn núi lở loét, dù có cứu thế nào cũng không thể lấy lại được hình đầu Sư Tử uy danh như trước.

Cũng theo ông Phượng, tình trạng khai thác đá ồ ạt tại ngọn Sử Tử đã khiến địa phương chịu quá nhiều hệ lụy, trong khi địa phương gần như không hưởng được gì nhiều từ mỏ đá.

“Từ khi có mỏ đá họ (Tổng Công ty hợp tác kinh tế QK4) chưa giúp cho chúng tôi làm được một đoạn đường nào, trong khi xe cộ, phương tiện máy móc họ đi lại gây hư hỏng, ô nhiễm môi trường nặng nề. Số tiền 100 triệu/năm phí môi trường chưa đủ để địa phương sửa đường sá, nói chi giúp địa phương” – ông Phượng nói.

“Chúng tôi đã đề xuất tỉnh đóng cửa mỏ từ lâu mà chưa được. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị đóng cửa, di dời mỏ tới một nơi khác, để thế này người dân quá khổ rồi” – ông Phượng nói thêm.

PV Dân trí sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin về vụ việc này.

Văn Dũng - Tiến Hiệp