Ngoài vùng ảnh hưởng của bão số 15, biển vẫn sóng lớn hất văng 3 người

(Dân trí) - Ngày 21/12, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), mặc dù nằm ngoài vùng ảnh hưởng của bão số 15 nhưng sóng to, gió lớn trên biển vẫn dẫn đến sự cố khiến 2 người mất tích và 1 người tử vong.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 15 (trái) và bão gần Biển Đông có tên quốc tế là Tembin. (Ảnh: NCHMF).
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 15 (trái) và bão gần Biển Đông có tên quốc tế là Tembin. (Ảnh: NCHMF).

Cụ thể, khoảng 4h ngày 20/12, tàu PY 969202 TS gặp sóng to, gió lớn khiến một người rơi xuống biển tử vong. Thời điểm tàu này gặp nạn là ở vị trí ngoài vùng ảnh hưởng của bão số 15.

Ngoài ra, còn có 2 trường hợp khác mất tích do rơi xuống biển được xác định sự cố cũng xảy ra ở ngoài vùng ảnh hưởng của bão số 15. Cụ thể, lúc 0h ngày 19/12, tàu BĐ 96055 TS gặp gió to, sóng lớn khiến một người rơi xuống biển mất tích; tương tự, lúc 12h ngày 17/12 một trường hợp khác cũng mất tích do rơi xuống biển từ con tàu BTh 96328 TS.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết thêm, trước diễn biến phức tạp của bão số 15, ngày 21/12 của cơ quan thường trực BCH PCTT TKCN Bộ Tư lệnh Biên phòng, bộ đội biên phòng từ Khánh Hòa đến Kiên Giang đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại các điểm theo quy định.

Theo báo cáo của Biên phòng các tỉnh, thành ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 67.315 phương tiện/346.146 người biết diễn biến, hướng di chuyển của Bão số 15 để chủ động di chuyển, vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, hiện vẫn còn tàu nằm trong vùng nguy hiểm.

Cụ thể, có 4 tàu Bình Định BĐ 95167 TS, BĐ 98159 TS, BĐ 97281 TS, BĐ 96714 TS đang thả trôi tại tọa độ khoảng 9051 E, 1000N nhưng vẫn liên lạc bình thường, an toàn.

Trước diễn biến của bão số 15 còn phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh thành phố và các Bộ, ngành liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão, tình hình gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh.

Các địa phương cần khẩn trương tổ chức cứu hộ, cứu nạn các tàu đang gặp sự cố trên biển; Đối với các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang: tiếp tục theo dõi, kiểm soát tàu thuyền, giữ liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục cung cấp các bản tin dự báo kịp thời, chính xác và vùng ảnh hưởng của bão để cơ quan chức năng và nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó; Các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát các bản tin dự báo, cảnh báo bão để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó;

Ngoài ra, các đơn vị liên quan phải tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Nguyễn Dương