XKLĐ, nỗi đau ở một làng quê - Kỳ 3:

Ngoại tệ kiếm được đi về đâu?

Số liệu thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang ghi nhận có hàng triệu đô la Mỹ được chuyển về huyện này mỗi năm thông qua Ngân hàng NN&PTNT huyện. Nhưng làm gì với số tiền ấy cho có ích thì không phải ai cũng biết cách.

Khu phố Hàn Quốc của những người đi XKLĐ tại huyện Yên Dũng.
Khu phố Hàn Quốc của những người đi XKLĐ tại huyện Yên Dũng.
 
Năm 2009, lượng kiều hối gửi về của toàn huyện là 9 triệu USD, tương đương 170 tỷ đồng. Năm 2011, con số này khoảng 200 tỷ đồng. Tính riêng 9 tháng đầu năm nay, đã có 174 tỷ đồng được chuyển về từ những người đang lao động tại nước ngoài.

“Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo một nguồn tin, số ngoại hối chuyển về không qua hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp còn lớn hơn nhiều lần”, ông Phạm Quang Dũng, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng, nói.

Từ nguồn vốn này, nhiều gia đình vốn nghèo khó bỗng giàu lên nhanh chóng. Cách tiêu tiền của những đại gia chân đất này vô cùng đa dạng. Theo ông Dũng, 80-90% người đi nước ngoài về sử dụng nguồn tiền ấy để xây nhà kiên cố.

Phần lớn số người đi lao động ở các thị trường trung cấp như Đài Loan, Malaysia, Trung Đông… đổ tiền vào việc làm nhà. Những ngôi nhà 3-4 tầng mọc lên san sát ở các địa phương có nhiều người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Mang tiền đi đánh lô đề

Sau hai đợt đi nước ngoài với thời gian 6 năm, chị Nguyễn Thị V. ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng trở về quê, có trong tay hàng tỷ đồng. Việc đầu tiên mà vợ chồng chị tính đến là mua đất và xây một ngôi nhà to đẹp ở trung tâm xã để chấm dứt cảnh bao nhiêu năm phải chui rúc trong căn nhà ẩm thấp, chật chội nơi xó làng.

Còn thừa một ít tiền nhưng chưa biết đầu tư vào đâu cho hiệu quả. Thời gian đầu chuyển ra chỗ ở mới, chưa biết làm gì nên hai vợ chồng thỉnh thoảng chơi số đề cho vui. Về sau thành nghiện, họ đóng cửa trong nhà, suốt ngày tính tính, toán toán.

Vợ chồng chị nổi tiếng là tay chơi to của xã, vài chục điểm (khoảng vài triệu đồng) một con lô là chuyện bình thường. Tiền tiết kiệm được trong thời gian đi xuất ngoại về vì thế dần đội nón ra đi.

Năm nay sinh nhật Huy, con trai chị, tôi đến chúc mừng thấy có mỗi chiếc bánh sinh nhật với ít hoa quả, khác hẳn sự nhộn nhịp năm trước. Huy ghé tai tôi nói nhỏ: “Năm nay, bố mẹ con nghèo nên chỉ làm sinh nhật sơ sơ thôi”.

Thấy tôi ái ngại, chị V. phân bua: “Thời gian này chị đen quá, đánh mãi mà chả trúng, nợ nhiều nên hết cả tiền làm sinh nhật cho con. Hai vợ chồng đang bàn nhau có khi lại đi lao động nước ngoài đợt nữa”.

Hoàng Quốc M. ở xã Tân An, huyện Yên Dũng, kể: Sau khi đi Hàn Quốc về, có một số tiền tương đối lớn, đang chưa biết làm gì thì một người họ hàng bảo cho chị ta vay với lãi suất cao. Thời gian đầu, chị ta trả lãi rất sòng phẳng.

Thấy kinh doanh có hiệu quả, M. dồn toàn bộ số tiền hơn một tỷ đồng tiết kiệm được trong thời gian đi nước ngoài cho chị ta vay. Nhưng chưa được một năm thì đường dây cho vay nặng lãi của chị ta phá sản. M. bỗng chốc trở thành người tay trắng.

Bỗng dưng chán ruộng

Học hết lớp 9, chị Nguyễn Thị Th. (Cảnh Thụy, Yên Dũng) ở nhà làm ruộng, lấy chồng. Không chịu mãi cảnh nghèo khó, hai vợ chồng vay mượn đủ tiền đi XKLĐ ở đảo Síp. Sau khi đi 3 năm, chị Th. đi thêm 3 năm nữa rồi mới về nước.

Có nguồn vốn kha khá, vợ chồng Th. xây một ngôi nhà khang trang và định tiếp tục với nghề làm nông truyền thống. Thế nhưng, không hiểu sao Th. trở nên dị ứng với ruộng đồng, đi làm về, chị thấy ngứa ngáy, khó chịu.

Trong vòng hơn một tháng đầu, chị cảm thấy rất mệt mỏi với việc làm đồng, có hôm không chịu được, ngất xỉu giữa đồng. Thời gian ở nước ngoài, chị được giao chăm sóc một cụ bà 70 tuổi trong ngôi nhà của một đại gia ở Síp.

Chị không phải làm lụng vất vả, công việc nhà lại có máy móc hỗ trợ như: máy giặt, máy rửa bát, máy hút bụi… Khi trở về Việt Nam, chị cảm thấy vất vả, ngại làm các công việc ngày xưa mà cả gia đình đang làm.

Trường hợp như của chị Th. không phải là hiếm. Theo ông Phạm Trọng Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Thụy, những người đi lao động nước ngoài về hầu như bỏ gần hết công việc đồng áng.

Theo thống kê của ông, chỉ có khoảng 20% tiếp tục gắn bó nông nghiệp, nhưng cũng chỉ làm một vài sào. “Còn lại 70-80% là chuyển ra thị trấn Neo gần đó để làm dịch vụ, bán hàng. Tại đây có cả một dãy phố của người đi lao động Hàn Quốc, Nhật Bản…”, ông Hà cho biết.

Tuy nhiên, việc kinh doanh của họ gặp không ít gian nan, bởi đa số những người này có trình độ văn hóa thấp, chưa có kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh nên thu nhập khá bấp bênh, nguy cơ rủi ro lớn.

Nhiều lao động chọn con đường tái XKLĐ

Trao đổi về vấn đề việc làm cho các lao động sau khi XKLĐ về nước, ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang) cho biết: Bắc Giang là tỉnh có lượng người đi XKLĐ khá lớn.

Thống kê trong giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh có hơn 28.000 người đi lao động nước ngoài. Số lao động về nước hằng năm cũng rất lớn. Năm 2011, khoảng 4.500 lao động về nước, 9 tháng đầu năm nay khoảng 2.400 lao động.

Phần lớn các lao động này đã tự mở cửa hàng, kinh doanh dịch vụ, thương mại tại địa phương hoặc làm công nhân trong các nhà máy, công ty trong và ngoài tỉnh. Đến nay chưa có chương trình giới thiệu, tập huấn, định hướng nghề nghiệp riêng cho những đối tượng này mà phần lớn là lồng ghép vào các chương trình khác.

Do khá nhiều nguyên nhân (không chịu được vất vả, làm ăn thua lỗ, thiếu nghề nghiệp, việc làm ổn định...) nên nhiều người từng đi XKLĐ lại tái xuất. Tại thôn Huyện, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, có người đã lao động ở nước ngoài hàng chục năm nay.

Số người tái xuất lần thứ 2 trở lên khá nhiều. Họ chỉ về quê khi hết thời hạn theo visa và mục đích chính là để làm thủ tục tiếp tục đi XKLĐ.

Thông thường, những người đi lần thứ 2 trở lên đều được hưởng mức lương khá lớn, gấp 1,5 - 2 lần so với lần đầu. Theo ông Hà, khoảng 30% số lao động sau khi về nước lại đi XKLĐ lần thứ hai trở lên.

Theo Nguyễn Trường
Tiền Phong