Ngoài khu vực giàn khoan, Việt Nam cần cảnh giác nhiều vùng biển khác

(Dân trí) - Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta phải quan tâm đến tất cả các khu vực biển của ta chứ không chỉ riêng ở khu vực Nam Hoàng Sa. Có thông tin Trung Quốc cũng đang cố gắng gây sự ở Đá Gạc Ma”.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 15/5, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - cho biết, theo thông tin mới nhất, Trung Quốc cũng đang cố gắng gây sự ở Đá Gạc Ma, một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam

“Trong khi các lực lượng chấp pháp của ta, trong đó có Kiểm ngư và Cảnh sát biển đang phải tập trung cao độ cho khu vực giàn khoan Hải Dương-981, các địa phương cũng phải chú ý đến các vùng biển của mình và các vùng biển khác. Chúng ta không nên lơ là, mất cảnh giác ở các vùng biển khác”, ông Thắng khuyến cáo.

Theo ông Thắng, khi chưa có lực lượng Kiểm ngư, Hội Nghề cá đã phối hợp với các cơ quan chức năng đứng ra tổ chức các đoàn, đội tàu cá của ngư dân ngoài khơi để vừa cản phá các hành vi khiêu khích của Trung Quốc vừa tiến hành sản xuất trên biển. Hiện nay, chúng ta đã có lực lượng Kiểm ngư hùng mạnh nhưng phía Trung Quốc lại cử phần lớn tàu trọng tải lớn ra khơi cho nên phải tổ chức các đoàn, đội đánh cá chặt chẽ hơn nữa và phải có những sự hỗ trợ nhất định để có sức chiến đấu liên tục và bền bỉ.

“Ngư dân Việt Nam chung sức đồng lòng giữ gìn biển đảo Tổ quốc”

“Xuyên suốt từ trước đến nay, dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm từ phía Trung Quốc nhưng ngư dân của ta vẫn kiên quyết bám biển với khẩu hiệu: “Ngư dân Việt Nam chung sức đồng lòng giữ gìn biển đảo Tổ quốc”” - ông Thắng khẳng định.

Ngư dân Việt Nam quyết tâm bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo
Ngư dân Việt Nam quyết tâm bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo

Ông Thắng cũng xác nhận, trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, việc ngư dân tiếp tục bám ngư trường truyền thống đã gặp phải nhiều cản phá và những hành động phá hoại của Trung Quốc.

Từ trước tới giờ, nhiều lần Trung Quốc cho tàu của họ đâm vào tàu cá của ta, hoăc ngăn không cho đi qua. Có trường hợp họ còn nhảy lên tàu cá của ta, đập phá tài sản và cướp bóc các sản phẩm của ngư dân Việt Nam.

“Trong những ngày gần đây, ở khu vực ngư trường truyền thống của ta nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép có nhiều tàu của Trung Quốc nên họ thường ra xua đuổi và ép tàu cá của ta phải đổi hướng”.

Ngoài khu vực gần giàn khoan thì trên ngư trường ở Phú Quốc, tàu ngư dân của Trung Quốc cũng lợi dụng tình hình lấn vào vùng biển của ta để đánh cá. Vì thế, các ngư dân của ta ở những vùng biển đó cũng phải lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ để xua đuổi tàu Trung Quốc, không cho họ vào lấn chiếm.

Hội Nghề cá sẽ tiếp tục tổ chức mít tinh phản đổi Trung Quốc ở từng địa phương
Hội Nghề cá sẽ tiếp tục tổ chức mít tinh phản đổi Trung Quốc ở từng địa phương

Trước câu hỏi khi ngư dân của ta bị phía Trung Quốc cản phá, họ có phối hợp với Kiểm ngư và Cảnh sát biển để có những hành động đáp trả? Ông Thắng cho biết: “Có nhiều tình huống xảy ra. Khi các tàu cá của ta hoạt động có đoàn có đội thì sự cản phá của Trung Quốc cũng bị hạn chế. Nếu họ đi không có đoàn, đội mà chỉ có một vài chiếc thì bị gây ảnh hưởng nhiều hơn.

Việc ngư dân liên lạc với lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển để xin hỗ trợ thì có. Tuy nhiên lực lượng của chúng ta vẫn còn mỏng nên hiện nay chủ yếu phải tập trung ở điểm nóng tại ngư trường phía Nam Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép” - ông Thắng nói thêm.

Thảo Nguyên