Ngoại hối nhà nước gửi ở nước ngoài vẫn an toàn

(Dân trí) - Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, dự trữ ngoại hối của nhà nước không gửi ở các ngân hàng nước ngoài vừa khủng hoảng, sụp đổ. Cùng đó, các ngân hàng trong nước không liên quan, không mất mát gì trong việc sụp đổ của các ngân hàng Mỹ.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Nguyễn Văn Giàu đã thông tin như vậy trong buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 30/9.

Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng

Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, dự trữ ngoại hối nhà nước của ta chủ yếu gửi vào các ngân hàng quốc gia của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các tổ chức tài chính quốc tế (chiếm 82%).

Số còn lại (12%) được gửi đầu tư tại các ngân hàng thương mại có độ tín nhiệm cao theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế. Với các ngân hàng, tập đoàn tài chính vừa sụp đổ, khủng hoảng, ông Giàu cho biết, chúng ta không gửi tiền.

Theo báo cáo của tất cả các ngân hàng trong nước gửi về Ngân hàng nhà nước chiều 30/9, các ngân hàng không liên quan, không mất mát gì trong việc khủng khoảng, sụp đổ của các ngân hàng, tập đoàn tài chính của Mỹ.

Sáng 1/10, Thường trực Chính phủ sẽ nghe các chuyên gia báo cáo về những tác động của khủng hoảng tài chính thế giới đến Việt Nam.

Ông Giàu cũng cho biết, dự trữ ngoại hối của nhà nước tiếp tục tăng hơn so với 24/9 là 1,2 tỉ USD và tăng so với cuối 2007 là 1,6 tỉ. Tỉ giá hối đoái trên thị trường diễn ra bình thường. Thị trường niêm yết của ngân hàng nhà nước làm căn cứ để các tổ chức tín dụng ấn định kinh doanh có biên độ rộng, đảm bảo cho các tổ chức này hoạt động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
 
Người đứng đầu Ngân hàng nhà nước cũng thông tin, hai chi nhánh của Ngân hàng Chingfon của Đài Loan (kinh doanh thua lỗ tại nước này) đang hoạt động tại Việt Nam có qui mô nhỏ. Tổng số nợ khách hàng của hai chi nhánh này là 73 triệu USD, trong đó có 70% là khách hàng của Đài Loan, chỉ 30% là khách hàng Việt Nam.

Hai chi nhánh này có vay các ngân hàng trong nước và vay ngân hàng mẹ 93,6 triệu USD cộng 380 tỉ đồng Việt Nam. Những năm qua, các chi nhánh này đều kinh doanh có lãi và 7 tháng đầu năm nay lãi 32 tỉ đồng.

Cơ quan giám sát tài chính của Đài Loan sang giám sát đã cho thấy, các chi nhánh này hoạt động bình thường. Hôm qua ngân hàng này đã chi trả 15,8 triệu USD và 50 tỉ đồng cho một số ngân hàng thương mại Việt Nam.

Dư nợ bất động sản chiếm 9,15%

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, các ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng cổ phần, liên doanh, nước ngoài đều rất chủ động về thanh khoản. Cụ thể, ngày hôm nay (30/9) thanh khoản thừa ra 40.000 tỉ đồng, trong khi liên tục những ngày gần đây thừa ra 30 - 35.000 tỉ đồng.

Lãi suất liên ngân hàng thấp (12%/tuần), trong khi lãi suất cho vay tái cấp vốn là 15%, lãi suất trên thị trường mở là 15%... Ông Giàu đánh giá, các ngân hàng chủ động thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo cân đối vĩ mô.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bùi Xuân Khu cho biết, nếu tăng giá điện sẽ tác động đến lạm phát nên nhà nước sẽ tiếp tục “bấm bụng” giữ giá mặt hàng này. Sang năm 2009 sẽ thực hiện tăng giá điện và đến 2010 giá điện sẽ ngang với giá trong khu vực. Tương tự như vậy, việc tăng giá than cũng sẽ thực hiện chậm hơn dự kiến.

Liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng, không phải các ngân hàng không quan tâm tới khu vực này. Ông đưa ra dẫn chứng, tính đến 31/7, dư nợ của 60 ngân hàng thương mại nhà nước với khu vực này là 299 ngàn tỉ đồng, chiếm 27,3% tổng dư nợ ngân hàng. Trong đó, riêng Ngân hàng Công thương (Viettinbank) dư nợ 50.000 tỉ đồng và tiếp tục có chủ trương cho vay tiếp 10 ngàn tỉ đồng trong thời gian tới.

Về nợ xấu của khu vực này, ông Giàu cho biết nợ xấu nhóm 3 trở xuống chiếm 3,64% (gần 11.000 tỉ đồng), tăng so với năm 2007 là 1%, nhưng lại thấp hơn so với năm 2006.

Theo ông Giàu, trong một khảo sát mới đây, vốn tự có của các doanh nghiệp được khảo sát của khu vực này là 36%. Trong hai tháng qua, các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước đã thực hiện giảm lãi suất, tác động tích cực tới các doanh nghiệp này. Tới đây, các ngân hàng sẽ tiếp tục quan tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về dư nợ bất động sản, ông Giàu cho biết, con số hiện nay là hơn 115 ngàn tỉ đồng, chiếm 9,15% tổng dư nợ. Ông Giàu thừa nhận, việc tính toán những dự án nào hiệu quả là việc khó khăn với doanh nghiệp và ngân hàng. Với những dự án có hiệu quả, ngân hàng vẫn chủ trương cho vay, trong khi tiếp tục hạn chế với cho vay đầu cơ.

Cấn Cường