Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Du khách thành “miếng mồi” bị “chặt chém”

Nhanh nhạy với nguồn lợi kinh doanh “một vốn bốn lời”, nhiều địa phương đã “dốc sức” để kéo du khách về với địa phương, nhưng cũng không ít nơi, khách du lịch được coi như “miếng mồi” để mặc sức “chặt chém”.

Bán hàng lưu niệm như ép khách ở

Bán hàng lưu niệm như ép khách ở Sa Pa. Ảnh: D.P

 

 Đúng như nhận định của các địa phương có lợi thế du lịch, dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng kỳ nghỉ dài ngày sẽ đưa khách du lịch đến với những địa danh có thắng cảnh hấp dẫn. Nhanh nhạy với nguồn lợi kinh doanh “một vốn bốn lời”, nhiều địa phương đã “dốc sức” để kéo du khách về với địa phương, nhưng cũng không ít nơi, khách du lịch được coi như “miếng mồi” để mặc sức “chặt chém”.

 

Càng đông càng… mừng

 

Với tỉnh Khánh Hòa, xác định “tour biển đảo vẫn là ưu tiên số 1” của du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, địa phương đã chủ động “ứng phó”. Ngay từ chiều 26/4, khi lượng khách đổ về Nha Trang tăng, nhất là các tour, tuyến ra đảo đầy ắp khách, Ban quản lý bến tàu dịch vụ du lịch Nha Trang đã điều động nhân lực và tàu thuyền tăng gấp 3-4 lần ngày thường cùng Ban quản lý khu du lịch Vinpearl Land tăng thời gian phục vụ 14 tiếng/ngày để đáp ứng nhu cầu của du khách.

 

Kỳ nghỉ lễ năm nay trùng với lễ hội Tháp Bà, nên mỗi ngày có khoảng 10 vạn khách hành hương dâng lễ. Vậy nhưng trật tự an ninh trên địa bàn được đảm bảo. Do địa phương quản lý chặt chẽ nên tệ nạn ém phòng nâng giá, ép giá... sẽ bị xử lý ngay nếu có phản ánh của du khách. Theo báo cáo nhanh của ngành du lịch địa phương, trong 5 ngày nghỉ lễ, khoảng 50 vạn khách du lịch đến Nha Trang - Khánh Hòa, tăng 30% so với kỳ nghỉ lễ năm ngoái,

 

Cũng tương tự, du khách đổ về các di sản Mỹ Sơn, Hội An (Quảng Nam) tăng đột biến trong dịp nghỉ lễ. Lượng khách đến tham quan du lịch  di sản đền tháp Chămpa Mỹ Sơn tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế tăng 20%. Làng du lịch cộng đồng homestay Mỹ Sơn vừa khai trương đã “cháy phòng”. Còn tại di sản đô thị cổ Hội An (TP Hội An), trong kỳ nghỉ dài ngày này, trung bình mỗi ngày có đến 5.000 du khách, hầu hết  các khu resort, khách sạn đều kín phòng.

 

Tại vùng đất Quảng Bình, ông Lê Thanh Lợi - GĐ Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng - cho biết, các tuyến, điểm du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đã thu hút hơn 23.000 lượt khách đến tham quan, tăng hơn 15% cùng kỳ năm ngoái với lượng khách du lịch người nước ngoài tăng hơn hẳn mọi năm, trung tâm đã huy động hết số lượng người và 312 thuyền hoạt động hết công suất để phục vụ du khách.

 

Ông Hoàng Văn Tiền - Trưởng ban quản lý các bãi tắm biển TP Đồng Hới - cho biết: Đã có hơn 10.000 lượt du khách đến các bãi biển ở Nhật Lệ trong khu vực những ngày nghỉ lễ, trong đó khách du lịch tăng khoảng 22% so với năm trước. Hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ trong khu vực TP.Đồng Hới đã “cháy phòng” vì lượng khách du lịch tăng đột biến so với mọi năm, do dịp lễ trùng với thời gian diễn ra “Tuần văn hóa - Du lịch Đồng Hới 2013” với các hoạt động như lễ hội ẩm thực, các hoạt động văn hóa dân gian...

 

Theo phản ánh của du khách, không có tình trạng “chặt chém” tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn nhưng giá các phòng nghỉ và các mặt hàng như hải sản vẫn tăng cao 15 - 20% so với thời điểm trước dịp lễ.

 

Hàng vạn khách du lịch đến Vũng Tàu chỉ để... tắm biển. Ảnh: BẢO ANH
Hàng vạn khách du lịch đến Vũng Tàu chỉ để... tắm biển. Ảnh: BẢO ANH

 

Vô tư “chặt chém” 

 

Khác với những địa phương coi du lịch như là một nguồn lợi kinh tế và là dịp quảng bá địa phương, vẫn có nhiều nơi các cấp quản lý đã bỏ mặc cho du khách bị “chém đẹp” khi đến. Điển hình như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, địa danh vốn được coi là đất du lịch của các tỉnh phía nam. Nhưng dịp này giá phòng khách sạn tăng gấp đôi ngày thường, giá dịch vụ biển các loại cũng được điều chỉnh tăng.

 

Theo số liệu của Ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu, nơi đây đón khoảng 170.000 lượt du khách, nhưng đa số là khách lẻ, hoặc đi về trong ngày. Theo Cty CP du lịch Sài Gòn - Bình Châu (Xuyên Mộc), trong 5 ngày lễ có hơn 13.000 lượt khách đến vui chơi, sử dụng các dịch vụ, nhưng chỉ khoảng 2.800 khách lưu trú.

 

Khu du lịch và khách sạn Thùy Dương (huyện Đất Đỏ) cũng đón khoảng hơn 5.000 lượt khách tắm biển, nhưng chỉ khoảng 400 khách lưu trú. Nguyên nhân do giá thuê phòng dịp lễ tăng cao nên phần lớn du khách đi về trong ngày và mang theo đồ ăn thức uống nên doanh thu du lịch chỉ tăng nhẹ. Được biết, ngày 30/4 nhiều khách sạn ở TP Vũng Tàu vẫn treo bảng “còn phòng” và ra sức mời chào khách.

 

Còn tại TPHCM, lợi dụng nhiều người đổ về các khu vực giải trí trong các ngày lễ, nhiều điểm giữ xe tự phát đã “chặt chém” khi thu phí giữ xe 10.000đ-20.000đ/lượt xe máy. Đêm 30/4, tại các khu vực tập trung đông người dân tụ tập để xem bắn pháo hoa, nhất là tại khu vực dưới chân cầu Thủ Thiêm mọc lên bãi giữ xe tự phát với giá 20.000đ/lượt. Tại khu du lịch Suối Tiên có nhiều điểm giữ xe trước cổng khu du lịch còn ghi hẳn giá giữ xe công khai là 10.000đ/lượt xe máy...

 

Điển hình của chuyện “chặt chém” phải kể đến khu du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long). Trong khi giá các dịch vụ khác được quản lý khá tốt, thì những ngày qua, giá trông giữ xe tại khu du lịch Bãi Cháy “leo thang” vô tội vạ ở hầu hết các điểm trông giữ xe cố định và tự phát. Giá cao nhất: 50.000 đồng/xe máy/1 lượt gửi; còn mỗi lần gửi ôtô, khách phải trả 100.000 đồng. Đặc biệt, giá trông giữ xe ở các bãi xe tự phát tăng theo mật độ xe trong bãi.

 

Ngay một chủ tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long như anh Nguyễn Văn Minh cũng bị bắt “chẹt” khi phải móc 50.000 đồng trả cho một lần gửi xe máy: “Khi còn ít xe thì họ lấy giá thấp hơn, đến khi bãi chật, giá tăng vùn vụt, nhưng vẫn phải chấp nhận bởi không biết chỗ gửi ở đâu”.

 

Chị Trần Thị Tám (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) vừa đưa người nhà sang Bãi Cháy chơi về, bức xúc: “Đến mình là dân gốc Hạ Long mà còn bị “bắt chẹt”, phải trả 100.000 đồng/xe ôtô/1 lượt gửi thì nói gì tới người ở các nơi khác đến”. Theo phản ánh của người dân và du khách, tại nhiều điểm trông giữ xe thường xuyên diễn ra cảnh cãi nhau “như mổ bò” giữa khách và nhân viên trông giữ xe vì giá quá vô lý.

 

Liên hệ qua đường dây nóng của Sở VHTTDL Quảng Ninh, chúng tôi nhận được câu trả lời: Sở có biết và đã báo cho chính quyền địa phương đến giải quyết. Được biết, tại một hội nghị về chấn chỉnh hoạt động du lịch Hạ Long, lãnh đạo UBND tỉnh tuyên bố: Xã, phường nào để xảy ra tình trạng hỗn loạn giá sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

 

Kể về “cái giá phải trả cho chuyện chặt chém”, Phó Chủ tịch thị xã Cửa Lò - ông Nguyễn Đình Tiến - cho biết: Năm 2005, du lịch Cửa Lò đã thất bại cay đắng vì du khách không về. Đấy là hậu quả của nạn buông lỏng quản lý, để cho giới kinh doanh thỏa sức “chặt chém” du khách. Sửa sai cho việc này, phải mất rất nhiều năm sau đó, chính quyền và nhân dân Cửa Lò phải quản lý rất chặt chẽ giá cả kinh doanh dịch vụ du lịch, với sự đồng lòng của mọi người. Kinh nghiệm của du lịch Cửa Lò có là bài học cho các địa phương có lợi thế du lịch?    

  

Đi du lịch từ Đà Lạt về TPHCM 3 lần bị “bán”

 

Trong vai một hành khách đi du lịch từ Đà Lạt về TPHCM, PV Báo Lao Động đã chịu cảnh bị “hành” suốt trên chặng đường 300km và đã bị những xe “du lịch ma” sang xe 3 lần mới về được TPHCM.

 

Từ sáng ngày 30/4 chúng tôi lên đường về lại TPHCM. Nhưng các hãng xe Phương Trang, Mai Linh, Thành Bưởi đều thông báo “cháy” vé các ngày 30/4 và 1/5. Tại bến xe liên tỉnh Đà Lạt, từ 9 giờ sáng ngày 30/4, chúng tôi lên một xe du lịch Ford Transit loại 16 chỗ với giá 250.000 đồng/người và cam kết: “Anh yên tâm! Tụi xe sẽ đưa anh tới ngay bến xe Miền Đông!”.

 

Trên xe mỗi hàng ghế đều được xếp 4 người và thêm 3 ghế phụ với giá cao ngất ngưởng, nhiều hành khách dù bực bội nhưng cũng phải cố nín nhịn để được yên bình về đến TPHCM. Khi đến TP Bảo Lộc, toàn bộ hơn 20 “hành” khách đi thị trấn Mađagui (huyện Đa Huai, Lâm Đồng), TP.Biên Hòa (Đồng Nai) và khách đi Sài Gòn đều bị bán sang một xe du lịch Ford Transit BKS: 49X 5962. Trên nửa sau xe lúc đó đã chất đầy hàng hóa, nhưng, xe còn chạy lòng vòng vào chợ Bảo Lộc để đón thêm khách.

 

Xe chạy tới Mađagui có 5 khách xuống, tưởng được rộng chỗ ngồi thì nhà xe tiếp tục đón thêm 8 khách trong tình trạng say xỉn lên xe về Sài Gòn. Tới 5 giờ chiều cùng ngày tới TP.Biên Hòa, xe chúng tôi tiếp tục được bán sang cho xe 53M-8429 để tiếp tục về bến xe Miền Đông vì lý do phải bỏ hàng, nửa sau xe này cũng nhét đầy hàng hóa.

 

Tưởng rằng tới đây chúng tôi sẽ không bị “bán” nữa, nhưng khi tới ngã tư Bình Phước (TPHCM), toàn bộ hành khách bị bắt phải xuống xe và phải chuyển sang đi xe buýt về bến xe Miền Đông, hành khách yêu cầu phải đưa lại tiền vé để đi xe buýt thì bị đe dọa. Trên toàn tuyến đường từ Đà Lạt về TPHCM, chúng tôi chỉ được nhà xe cho dừng lại đúng 5 phút tại cây xăng dầu Đức Thanh (km90 – 92, QL20, Phú Túc, H.Định Quán, Đồng Nai) để nghỉ ngơi nhưng không hề được ăn uống.    

 

Hà Anh Chiến

 

Theo Nhóm PV

 Lao Động