Nghị định 1 giấy chưa thực sự “thông”

(Dân trí) - Bên cạnh những thuận lợi như rút ngắn thời gian, thủ tục… việc ban hành Nghị định 88 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất vẫn còn có những điểm chưa “thông”.

Nghị định 1 giấy chưa thực sự “thông” - 1
Từ 10/12/2009, chỉ cấp một giấy chứng nhận nhà đất.
 
Một trong những vấn đề đáng chú ý quy định trong Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đó là: Đối với địa phương đã có sàn giao dịch BĐS thì những trường hợp chuyển nhượng từ ngày 10/12 phải có giấy tờ chứng minh việc nhận chuyển nhượng được thực hiện tại sàn giao dịch BĐS.
 
Điều kiện bắt buộc này sẽ áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng để bán.
 
Có thể hiểu một cách nôm na là những căn hộ, nhà ở được bán trong các dự án đầu tư xây dựng đều phải giao dịch qua sàn thì mới được cấp giấy.
 
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, phần lớn các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đều thực hiện các hợp đồng góp vốn ngay từ ban đầu khởi công dự án và người tham gia góp vốn sẽ có được quyền mua nhà trong dự án mà mình đã bỏ tiền vào đó. Như vậy, đối với trường hợp này, liệu có phải qua sàn giao dịch không?
 
Về vấn đề này, ông Phùng Văn Nghệ, quyền Tổng Cục trưởng tổng cục đất đai - Bộ TNMT cho rằng: đối với các trường hợp góp vốn hợp pháp thì vẫn được cấp giấy. Việc này sẽ được quy định cụ thể trong thông tư về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở do Bộ TNMT ban hành.
 
Một vấn đề nữa, nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận theo Nghị định 88 đó là: Thửa đất có nhiều người sử dụng đất, nhiều chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng người sử dụng đất, từng chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất.
 
Như vậy, giả dụ trên cùng một mảnh đất, người có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và người có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà là khác nhau. Đây là trường hợp trên thực tế có, đặc biệt là trong mối quan hệ họ hàng. Vậy khi cả hai không đồng thuận cùng bán, xảy ra tranh chấp thì việc này giải quyết thế nào.
 
Về vấn đề này, theo quan điểm của lãnh đạo Tổng cục quản lý đất đai là rất hiếm xảy ra và sẽ cần phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cách lý giải như vậy chưa thực sự thuyết phục. Có lẽ đây sẽ là một trong những vấn đề cần phải xem xét tiếp trong quá trình áp dụng Nghị định “1 giấy” còn quá mới mẻ này.
 
Lan Hương