Nghi án truy phong nhầm một Bí thư huyện bộ: Đề nghị trả lại danh hiệu

(Dân trí) - Liên quan đến nghi án truy phong nhầm một Bí thư huyện bộ, tặng thưởng sai các danh hiệu "Lão thành cách mạng”, “Huân chương Độc lập hạng Nhì” đối với một người chỉ được chính sử ghi nhận là huyện ủy viên, từng đầu hàng địch, bị loại khỏi Đảng, đã có ý kiến đề nghị gia đình người được truy phong trả lại các danh hiệu trên.

Như Dân trí đã thông tin, thời gian qua do không đồng tình việc truy phong các danh hiệu "Lão thành cách mạng”, “Huân chương Độc lập hạng Nhì” đối với cụ Nguyễn Thao (Nguyễn Văn Thao, 1909 - 1982, quê làng Bùi Xá, xã Phù Việt), nên người dân, nhiều đảng viên, các nhà nghiên cứu quê xã Phù Việt, huyện Thạch, Hà Tĩnh đã ra sức ngăn cản, yêu cầu Hội đồng biên soạn sách Lịch sử Đảng bộ xã Phù Việt phải đưa cụ Nguyễn Thao ra khỏi cuốn sách lịch sử này.

“Họ nhận huân chương chúng tôi mới vỡ lẽ!”

Sau các lão thành cách mạng, ông Nguyễn Bá Sơn, một cựu chiến binh, nguyên Chủ tịch UBND xã Phù Việt (thôi chức năm 2004) là người kịch liệt phản đối việc ông Nguyễn Thao được truy phong Bí thư huyện bộ Thạch Hà, được Tỉnh ủy Hà Tĩnh tặng thưởng danh hiệu “Lão thành cách mạng”, Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng Nhì”.

“Tôi không đồng tình việc ông Thao được vinh danh các danh hiệu thiêng liêng đó. Vì sao à, sách Lịch sử đảng bộ huyện Thạch Hà đã có ghi chép rõ ràng đó rồi chứ còn đâu. Sách ghi ông ấy là Huyện ủy viên, thì làm sao giờ lại phong cho ông ấy là Bí thư huyện bộ được. Cái này là họ làm sai rõ rồi”- ông Sơn nói ngay khi được PV Dân trí đề cập đến vụ việc hiện đang gây bức xúc đối với nhiều cán bộ, đảng viên xã Phù Việt.

Sau các lão thành cách mạng, ông Nguyễn Bá Sơn, một cựu chiến binh, nguyên Chủ tịch UBND xã Phù Việt (thôi chức năm 2004) là người kịch liệt phản đối việc ông Nguyễn Thao được truy phong Bí thư huyện bộ Thạch Hà, được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng Nhì”.
Sau các lão thành cách mạng, ông Nguyễn Bá Sơn, một cựu chiến binh, nguyên Chủ tịch UBND xã Phù Việt (thôi chức năm 2004) là người kịch liệt phản đối việc ông Nguyễn Thao được truy phong Bí thư huyện bộ Thạch Hà, được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng Nhì”.

Ông Sơn chỉ rõ quy trình làm hồ sơ đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng trước năm 1945, đề xuất xét duyệt, truy tặng danh hiệu “Lão thành cách mạng”, “Huân chương Độc lập hạng Nhì” cho ông Thao có vấn đề ngay từ cơ sở. Đó là hồ sơ làm gói gọn trong thường vụ đảng ủy xã, không công khai, không lấy ý kiến của các đảng viên lão thành.

“Nói thực tôi mà còn ở lại thì việc kê khai, trình hồ sơ như thế là không thể qua mặt tôi được. Sau này chúng tôi nghỉ họ (một số cán bộ Đảng ủy xã Phù Việt- PV) mới trình, xác nhận hồ sơ cho ông Thao” – ông Sơn nói.

Khẳng định việc truy phong các danh hiệu trên là sai với lịch sử, nên khi Hội đồng biên soạn sách Lịch sử Đảng bộ Phù Việt thông qua ông Sơn nhất quyết phản đối, đề nghị xem xét lại việc đưa ông Nguyễn Thao vào cuốn sách trên.

“Mấy lần thông qua nội dung sách Lịch sử đảng bộ xã có nội dung truy phong các danh hiệu đối với ông Nguyễn Thao tôi đều không đồng tình, nhất quyết phản đối xuất bản cuốn sách”- ông Sơn chốt lại.

Đã có ý kiến đề nghị trả lại danh hiệu

Chiều 14/7, làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Bá Du, nguyên Bí thư-Chủ tịch UBND xã Phù Việt, hiện là Trưởng phòng Pháp chế HĐND huyện Thạch Hà, một trong những người có trách nhiệm thẩm định, xác nhận hồ sơ vinh danh cho ông Nguyễn Thao ở cấp cơ sở thừa nhận có việc “chưa tìm hiểu đầy đủ” hồ sơ khi thẩm định, xác nhận, trình cấp trên truy phong, tặng thượng danh hiệu “Lão thành cách mạng”, “Huân chương Độc lập hạng Nhì” cho người được chính sử ghi nhận là huyện ủy viên này.

Ông Nguyễn Bá Du làm việc với PV Dân trí vào chiều ngày 14/7.
Ông Nguyễn Bá Du làm việc với PV Dân trí vào chiều ngày 14/7.

Theo ông Du, quá trình làm hồ sơ đề xuất ông Nguyễn Thao, ở cơ sở chưa ai tiếp cận được tư liệu hồi kí “Những ngày đầu theo Đảng” của Bùi Thị Châu, vợ cố Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh Nguyễn Thiếp nói về việc ông Th. (ông Thao, có văn bản xác nhận) đầu thú địch, khai báo người hoạt động cách mạng.

“Thời điểm đó (trước năm 2014) không ai ở Đảng ủy xã biết cuốn hồi kí này. Chỉ sau khi xã tiến hành làm cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã để chào mừng đại hội Đảng bộ năm 2015 thì hội đồng biên soạn mới tiếp cận được cuốn sách này. Khi biết thì việc truy phong, tặng thưởng các danh hiệu như đã biết đã xẩy ra rồi”- ông Du nói.

Ông Du xác nhận, không chỉ đến bây giờ mà đã gần hai năm nay, cán bộ, đảng viên xã Phù Việt có đơn thư yêu cầu các cấp xem xét lại việc vinh danh đối với trường hợp ông Nguyễn Thao. Thậm chí theo ông Du, đã có cả cán bộ con em quê hương là nhà nghiên cứu lịch sử thẳng thắn đề nghị gia đình, con cháu ông Nguyễn Thao trả lại các danh hiệu trên.

“Đã có ý kiến đề nghị gia đình ông Nguyễn Thao trả lại. Họ cho rằng, đến một người hoạt động cách mạng trung kiên, bị địch đày đọa như bà Bùi Thị Châu, vợ Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thiếp, cũng chị được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, thì một người như ông Thao nếu có truy phong cũng không thể hạng Nhì” – ông Du cho hay.

Bút tích của ông Nguyễn Đôn (con trai của Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh Nguyễn Thiếp với bà Bùi Thị Châu) có xác nhận của Đảng ủy phường Kim Liên (Đảng bộ Đống Đa, Hà Nội) khẳng định ông Th. trong hồi kí của mẹ chính là ông Nguyễn Thao.
Bút tích của ông Nguyễn Đôn (con trai của Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh Nguyễn Thiếp với bà Bùi Thị Châu) có xác nhận của Đảng ủy phường Kim Liên (Đảng bộ Đống Đa, Hà Nội) khẳng định ông Th. trong hồi kí của mẹ chính là ông Nguyễn Thao.

Theo ông Du, mấu chốt của vụ việc hiện nằm ở những thông tin rất quan trọng trong cuốn hồi kí “Những ngày đầu theo Đảng” của bà Bùi Thị Châu (Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Hà Tĩnh trước đây thẩm định, xuất bản năm 1967) trong đó cần làm rõ những tranh cãi liệu ông Th. Có phải là ông Nguyễn Thao như được vinh danh hay không?

“Nhiều người, thậm chí có văn bản được cho là xác nhận của ông Nguyễn Đôn, người chép hồi ký cho mẹ (bà Bùi Thị Châu) khẳng định, ông Th. Trong cuốn sách đúng là ông Thao. Nhưng cũng có người đặt nghi vấn, có khi ông Th. trong cuốn hồi kí làm một ông khác. Thế nên, theo tôi hiện cụ Nguyễn Đôn đã ngoài 90, đang sống là một tư liệu sống hết sức quan trọng. Thiết nghĩ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Trung ương cần thiết phải gặp, làm rõ ngay vấn đề này, chứ để muộn, cụ qua đời thì vụ việc sẽ còn nhiều tranh cãi”- ông Du cho hay.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nhóm PV