Nghệ An: Nợ gần 900 tỷ đồng trong xây dựng nông thôn mới

(Dân trí) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An được đánh giá là đạt được kết quả quan trọng với 152/431 xã đạt 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới khiến nhiều địa phương lâm vào cảnh nợ nần với tổng số nợ tính đến thời điểm này lên tới gần 900 tỷ đồng.

Nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới

Trong năm 2016, Nghệ An có thêm 43 xã được UBND tỉnh Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Như vậy, sau 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghệ An đã có 152/431 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM; 43 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí...

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn Nghệ An.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn Nghệ An.

Tỉnh Nghệ An cũng đã có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là thị xã Thái Hòa và thành phố Vinh. Kế hoạch xây dựng 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu gồm xã Kim Liên (huyện Nam Đàn), xã Sơn Thành (huyện Yên Thành) và xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) cũng đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng.

Tính đến hết năm 2016 người dân trong tỉnh đã hiến hơn 5,7 triệu m2 đất; đóng góp hơn 4,6 triệu ngày công và hơn 5,1 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM.

Chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh Nghệ An là một trong những điều kiện giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh Nghệ An là một trong những điều kiện giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Đến hết năm 2016, thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn Nghệ An đạt trên 22,5 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm xuống còn 9,5%... Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn Nghệ An, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội nhằm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước.

Tỉnh nợ, xã nợ

Ngoài việc sử dụng các nguồn vốn từ trung ương và ngân sách cũng như vận động nguồn xã hội hóa trong nhân dân, tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các địa phương trong tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó có chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn.

Kết thúc năm 2016, Nghệ An đã cấp hơn 530.000 tấn xi măng cho các địa phương. Trong năm 2016, tỉnh Nghệ An thanh toán cho các nhà máy xi măng hơn 143 tỷ đồng, còn nợ 243 tỷ đồng tiền xi măng. Nếu tính cả số xi măng chưa cấp cho các địa phương thì tỉnh này đang nợ các nhà máy xi măng khoảng 270 tỷ đồng.

Chi 18 tỷ đồng để xây dựng trụ sở hoành tráng khiến xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ, Nghệ An) lâm vào cảnh nợ nần sau khi được công nhận là xã nông thôn mới.
Chi 18 tỷ đồng để xây dựng trụ sở hoành tráng khiến xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ, Nghệ An) lâm vào cảnh nợ nần sau khi được công nhận là xã nông thôn mới.

Theo báo cáo của Ban điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An thì hết năm 2016, tổng nợ xây dựng cơ bản của các địa phương là 751 tỷ đồng. Nhờ ưu tiên các nguồn lực nên đến thời điểm cuối tháng 3/2017, các địa phương đã thanh toán được khoảng 100 tỷ đồng tiền nợ, hiện còn nợ hơn 600 tỷ đồng. Phần lớn khoản nợ xây dựng cơ bản này đều quá khả năng trả nợ của các địa phương.

Chính sách hỗ trợ xi măng là chính sách riêng của tỉnh Nghệ An do vậy không thể sử dụng nguồn trung ương cấp cho các địa phương xây dựng nông thôn mới để trả nợ. Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã đề xuất Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh này ưu tiên các nguồn, trong đó nguồn ngân sách tỉnh để thanh toán nợ tuy nhiên nguồn này cũng không nhiều.

Số nợ xây dựng cơ bản trên 600 tỷ đồng nếu chia lên đầu xã (431 xã) thì số nợ không lớn nhưng trên thực tế, số nợ này tập trung ở một số xã xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới và vượt quá khả năng thanh toán của các xã. Một số xã có nợ lớn đề xuất huyện cho phép bán đất công để trả nợ tuy nhiên phương án này đang được nghiên cứu. Sở NN&PTNT Nghệ An cũng đã đề nghị các cấp, ngành, các địa phương lồng ghép, ưu tiên các nguồn lực để trả khoản nợ này.

Theo ông Lê Minh Thông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thì số nợ này "không đáng lo ngại lắm” và tỉnh này có đủ điều kiện để thanh toán các khoản nợ nợ tồn đọng trong xây dựng nông thôn mới.

Hoàng Lam