1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày đầu cấm, hàng rong vẫn mưu sinh

(Dân trí) - Ngày đầu tiên quy định cấm hàng rong của TP Hà Nội có hiệu lực (19/1), hàng rong vẫn “rong” bình thường trên phố. Tại khu vực hồ Gươm, rất nhiều gánh hàng vẫn “kẽo kẹt” mưu sinh như chưa từng có quyết định nào được đưa ra.

“Thành phố cấm thật à?”

Tại Cầu Giấy, những người bán hoa vẫn nhằm trung tâm thành phố... thẳng tiến. Một người bán tên Lan (ở Từ Liêm) cho biết chị đã nghe những người cùng bán hàng cùng mình nói về việc thành phố cấm bán hàng rong nhưng không biết ngày nào có hiệu lực. Hôm nay, chị vẫn dong xe đi bán hoa mà không để ý gì tới... công an.

Cổng trường Đại học Giao thông vận tải, hai gánh bún đậu rong vẫn đông khách như thường. Chị Tràng Thị Hạnh (Thái Bình), một người bán bún tại đây cho biết, một ngày chị bán 3 ca: ca sáng sớm tại cổng trường Giao thông, ca trưa tại chợ và ca sau cùng tại công viên Thủ Lệ. “Vì không xem thời sự” nên chị không biết hôm nay hàng rong không được hoạt động trên phố, dù trước đó chị đã đọc được thông tin ban đầu từ báo chí.

Ngày đầu cấm, hàng rong vẫn mưu sinh - 1
Quán bún gần trường ĐH Giao thông vận tải vẫn đông khách như thường.
 
Chị Hạnh gọi quyết định của thành phố là... “tự dưng cấm” và cho biết, sẽ bán thử vài hôm nữa xem tình hình ra sao. Chị cho biết, hai vợ chồng chị để con cho bà nội nuôi, cùng lên thành phố kiếm sống. “Chẳng nhẽ” chị lại bỏ về một mình, trong khi chồng chị vẫn còn có thể kiềm tiền bằng nghề xe ôm... Chị cũng khẳng định, gánh bún của mình bảo đảm vệ sinh, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Tại các đường Kim Mã, Phan Đình Phùng, những gánh hàng khoai, sắn, những xe bán rau xanh, hoa quả tươi vẫn lặng lẽ tiếp cận khách hàng. Chị Nguyễn Thị Hoa (Phú Thọ) bán khoai sắn trên đường Phan Đình Phùng giật mình khi biết gánh hàng của mình đang bị cấm trên đường phố với câu hỏi: “Thành phố cấm thật à?”. Chị thấy rất “khó xử” trong những ngày tới đây.

Chị Hoa cho biết, chị đã thuê nhà cả tháng nên chẳng nhẽ lại bỏ về ngay. Chị phàn nàn về việc, tại sao thành phố không có tuyên truyền để những người lao động như chị có bước chuẩn bị, trước khi “rút về”. Chị “kiến nghị”: “Ít nhất là thành phố cho bán đến hết Tết, ra Giêng hãy cấm”.

“Ra chỗ công an mà hỏi”

Dạo qua các phố cổ, tình trạng cũng tương tự. Cả nhu cầu bán và mua đều có thật nên thỉnh thoảng trên phố vẫn vang lên những tiếng gọi thường ngày: “Hoa ơi!”, “Quýt ơi!” và cả... “Cá ơi!”. Hoạt động mua bán diễn ra trên đường hoặc trên vỉa hè một cách nhanh chóng để tránh công an.

Chị Mai Thị Điệu (Gia Lâm) đang bán hoa tại phố Hàng Gà cho biết, chị thường bán hàng đến 7h tối mới bắt đầu về nên không xem được thời sự và không biết hôm nay chính thức cấm hàng rong. “Tết đến nơi mà thế này thì chết”, chị Điệu than thở. Một mình chị đang gánh 3 đứa con trên vai và chưa biết tính sao cho tương lai.

Ngày đầu cấm, hàng rong vẫn mưu sinh - 2
Gánh hàng rong vẫn kẽo kẹt bên dưới đồng hồ đếm ngược Ngàn năm Thăng Long.
 
Đáng nói nhất là tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, nơi tưởng như sẽ áp dụng triệt để nhất qui định mới của thành phố thì hàng rong vẫn “song hành” với nhịp thở của phố phường. Chị Khuất Thị Hà (Hà Tây) bán hoa quả tại đầu đường Lê Thái Tổ tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về việc cấm bán. Sau một hồi trao đổi với chúng tôi, chị chỉ về phía mấy cảnh sát khu vực đứng đằng xa: “Anh ra chỗ công an đó mà hỏi”. Đành “thông cảm” cho chị Hà vì lúc đó có khách hàng tới hỏi mua.
 
Phía cuối đường Đinh Tiên Hoàng, gần Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, các gánh hàng rong vẫn dạo bước. Những gánh hàng rong này cũng thản nhiên đi dưới đồng hồ đếm ngược Ngàn năm Thăng Long (đồng hồ hiện chữ: còn 995 ngày).

Kim Tân