Nhiều tuyến đường Hà Nội:

“Ngập mặt” trong bụi xây dựng

(Dân trí) - Hơn nửa tiếng đồng hồ đứng trên đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến, Hà Nội, chúng tôi đã đếm được hàng trăm lượt xe tải, xe ben chở đầy bùn đất qua lại. Xe phóng rất nhanh, thùng không phủ bạt, bụi bay mù trời, người dân đi sau xe hưởng trọn.

Sống chung với bụi

Tòa nhà Hà Nội Landmark Tower - tòa nhà cao nhất Việt Nam với chiều cao 336m - do công ty Keangnam (Hàn Quốc) xây dựng đang trong quá trình thi công phần móng. Hàng trăm nghìn m3 đất được vận chuyển từ công trình đã khiến cho mức độ ô nhiễm không khí ở khu vực này trở nên trầm trọng hơn.

Theo quan sát của chúng tôi, mặt đường Phạm Hùng kéo dài gần một km phủ đầy đất bùn do các xe tải từ công trình gây ra khi lốp xe dính đầy bùn và nhiều xe không được phủ bạt che bụi. Chị Nguyễn Thị Mỹ Ý, ở xã Mỹ Đình cho biết: “Khổ nhất là các chiều tan tầm, đón con từ trường về ngang qua công trường phải hít thở lượng bụi nhiều hơn lượng… oxy. Dù đã đeo mạng che mặt, đeo kính đen che mắt, nhưng vẫn không thể chịu nổi khi bụi bay mù trời”.

Cách đó không xa, đường Khuất Duy Tiến đang được thi công, hàng tấn đất được đào lên và đổ tạm vào hai bên đường, ngay trước mặt nhà dân. Trời nắng, mỗi lần xe ben tới xúc đất vận chuyển đi thì cát bụi theo gió thi nhau bay vào nhà dân. Nhưng trời mưa còn khổ hơn, mặt đường nhão nhoẹt một lớp đất bùn trơn trượt, đóng quánh lại. Ban đêm con đường này chưa có hệ thống chiếu sáng nên rất nhiều vụ tai nạn ngã xe xảy ra, đặc biệt lại nguy hiểm khi có nhiều hố thi công ở đây chưa được che chắn kỹ càng.

Chị Như Quỳnh ở chung cư CT5, đường Phạm Hùng chỉ cho chúng tôi xem lớp bụi bám đầy quanh nhà, rồi than thở: “Ngày nào cũng phải đóng kín cửa, thế mà lúc nào trong nhà cũng đầy bụi. Thời tiết mùa này, ban đêm đứng từ ban công nhìn xuống, luôn thấy một màn sương nằng nặng vì bụi. Xung quanh toàn là công trình xây dựng, nhiều công trình hoàn thành phải mất 5 năm, cứ nghĩ quanh năm sống trong bụi mà chỉ biết than trời”.

 

“Ngập mặt” trong bụi xây dựng - 1

Bụi bay mù trời vẫn thấy rõ trong đêm tối. (Ảnh: Sông Lam)

 

Đất cát thường xuyên đổ ra đường cũng là nỗi cực nhọc của các công nhân vệ sinh môi trường. Mặc dù từ sáng sớm, Công ty cổ phần vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội đã cho các xe bồn phun nước làm sạch mặt đường, nhưng chỉ đến trưa thì đâu lại vào đấy. Chị Trần Thị Mai, một công nhân của Công ty cổ phần Vệ sinh môi trường đô thị cho biết: “Ngày nào mình cũng phải quét dọn đoạn đường cho đỡ bụi, nhưng vừa mới làm sạch xong chưa được nửa tiếng, các xe tải lại ùn ùn đổ xuống. Không quét không được, mà quét thì đâu vẫn đấy, cứ như công việc dã tràng xe cát vậy”.

Nhưng khổ nhất là các sinh viên, học sinh đứng chờ xe buýt trên đoạn đường này. Giữa cái nắng hanh khô, xe cộ qua lại nườm nượp lại phải hít thở bầu không khí đùng đục thực sự là một cực hình. Bạn Hoàng Lan, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói: “Nhiều lúc cảm thấy ngộp thở giữa bầu không khí đặc quánh vì bụi, mong leo lên xe buýt cho thật nhanh. Nhưng có phải một ngày đâu, ngày nào cũng phải đứng đợi giữa bụi mù thật là khổ”.

Không xử phạt được chủ xe , chủ công trình gây ô nhiễm

Chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ đứng trên tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến, chúng tôi đã đếm được hàng trăm lượt xe tải, xe ben chở đầy bùn đất qua lại, và hầu hết không được che bạt kỹ càng. Các xe này sau khi vào ra công trường mang luôn cả bùn đất dính trên lốp in lên mặt đường thành những vệt dài. Thùng xe không được phủ bạt, xe lại phóng rất nhanh nên bụi bay mù trời, và người dân đi sau xe hưởng trọn.

Môi trường bị ô nhiễm do xe ben chở đất rơi vương vãi, song lại không thấy bóng dáng của các cơ quan chức năng. Theo ông Thạch Như Sỹ, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, việc xử lý các xe tải, xe ben chở đất vương vãi gặp nhiều khó khăn. Lý do chủ đầu tư công trình và chủ xe luôn đổ lỗi cho nhau. Ngay cả đơn vị cũng không đủ quyền chặn xe xử phạt, thậm chí chặn xe mà chủ xe không nhận phạt thì cũng chịu, vì muốn xử phải có sự phối hợp liên ngành giữa thanh tra môi trường, công an, chính quyền địa phương…

 

“Ngập mặt” trong bụi xây dựng - 2

Bùn đất bám thành vệt dài do xe ben chở đất rơi vãi nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý (Ảnh: Sông Lam)

Một cán bộ môi trường Hà Nội cho biết, có 2 nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí tại các công trình xây dựng nhưng lại không được các cơ quan chức năng xử lý thấu đáo. Đó là xe tải, xe ben chở bùn đất không được bọc kỹ càng và làm sạch trước khi ra vào công trình. Thứ 2 là các công trình xây dựng trong quá trình thi công không được che chắn, mà có che chắn cũng chỉ bằng những lớp bạt thô sơ, chỉ cần cơn gió là bụi tung mịt mù.

Nhưng vấn đề nữa là cho dù có chế tài xử phạt, thì mức xử phạt không đủ răn đe các chủ công trình cũng như chủ lái xe gây ra ô nhiễm. Anh Hoàng Đức Dũng, một cán bộ ngành y tế nhận định: “Trong khi các Bộ, ngành tập trung xử lý những công ty, đơn vị “bí mật” gây ô nhiễm như Vedan, Miwon… thì lại xem nhẹ các công trình công khai gây ô nhiễm môi trường. Ở mức độ nào thì tác hại của việc gây ô nhiễm đều rất lớn, vì đang có hàng trăm nghìn người dân đang từng ngày gánh chịu”.

Hà Nội sẽ ô nhiễm nặng

Báo cáo của Bộ Tài Nguyên - Môi trường công bố, Hà Nội có số lượng phương tiện cơ giới đường bộ lớn thứ 2 cả nước, với tốc độ gia tăng bình quân 10-15%/năm. Do đó lượng bụi, khí thải độc hại gây áp lực lớn đến môi trường không khí. Dự tính, đến năm 2010 lượng khí CO từ hoạt động giao thông thải ra tăng lên khoảng 70 triệu tấn, đến năm 2020 tăng lên 170 triệu tấn. Ngoài ra, dân số Hà Nội tăng nhanh do quá trình đô thị hóa, mở rộng diện tích, phát triển các khu công nghiệp, nên trong tương lai lượng khí phát thải sẽ gia tăng ở nội thành.

Ước tính lượng khí CO2 sẽ tăng từ 600 nghìn tấn năm 2005, lên 1.400 nghìn tấn năm 2020. Trong khi lượng khí SO2 tăng từ 1.500 tấn năm 2005, lên 2.200 tấn vào năm 2010 và 4.000 tấn vào năm 2020. Với sản xuất công nghiệp, căn cứ trên tốc độ tăng trưởng hằng năm 15-17%, các chuyên gia môi trường cũng đưa ra dự báo hàm lượng khí thải SO, NO, CO, bụi trong quá trình đốt cháy nhiên liệu cũng sẽ gia tăng đáng kể. Điều đó có nghĩa bên cạnh việc phát triển KT-XH, Hà Nội cần sớm có biện pháp cải thiện và tăng cường quản lý môi trường không khí nếu không muốn nhận áp lực ô nhiễm từ việc phát triển KT-XH.

Sông Lam