“Ngành điện phải tính toán lại đề xuất khen thưởng”

(Dân trí) - “Tôi nghĩ rằng, trong thời điểm như hiện nay, ngành điện đề nghị tăng giá điện, đồng thời lại đề nghị tăng trích quĩ phúc lợi thì dễ gây nên phản cảm trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Ngành điện phải tính toán lại việc này”.

Bên hành lang kì họp Quốc hội, Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH, Hà Văn Hiền bày tỏ quan điểm với báo chí xung quanh việc EVN đề nghị được trích lại 1008 tỉ đồng làm tiền thưởng.

Thưa ông, năm tới đây, UB Kinh tế có thực hiện giám sát đối với lĩnh vực điện lực hay không?

Năm ngoái UB Kinh tế đã có chuyên đề nhưng do chương trình của UB nhiều quá nên chưa làm được. Năm nay UB sẽ làm việc này và chúng tôi sẽ có chính kiến của mình về vấn đền này.

Nếu thực hiện giám sát thì mục đích giám sát sẽ là gì?

Có một vấn đề là trong những năm vừa qua điện liên tục thiếu, lúc nước nhiều cũng thiếu, lúc nước ít cũng thế. Vậy chúng tôi sẽ xem xem những dự án đầu tư của ngành điện như thế nào từ khâu qui hoạch đến khâu tổ chức thực hiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. UB rất “suy nghĩ” nên mục đích thẩm tra giám sát của UB muốn tập trung vào vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Vũ Văn Ninh cho biết, ông sẽ xem xét đối chiếu với chính sách của nhà nước xem chế độ qui định cụ thể như thế nào, đề xuất trích lại 1008 tỉ đồng của EVN đúng hay sai. Nếu đề xuất của EVN không thuộc chế độ qui định sẽ phải cắt.

Về việc EVN đề xuất thưởng 1.002 tỉ cho cán bộ, nhân viên trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, ông đánh giá thế nào?

Tôi có nghe thông tin này. Tôi nghĩ rằng, trong thời điểm như hiện nay, ngành điện đề nghị tăng giá điện đồng thời lại đề nghị tăng trích quĩ phúc lợi thì dễ gây nên phản cảm trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Ngành điện phải tính toán lại việc này.

Trong trường hợp họ cố tình dùng số tiền đó để thưởng thì sao?

Vấn đề này nhà nước phải có ý kiến. Hiện Chính phủ chưa có câu trả lời, phải khi nào Chính phủ có ý kiến đã.

Nếu là Tổng giám đốc ngành điện, ông xử lí số tiền đó như thế nào?

Tôi không phải lãnh đạo ngành điện. Tôi nghĩ rằng, ngành điện phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho nguồn điện vì nhu cầu của kinh tế về điện rất lớn, trong khi chưa đáp ứng được. Mọi nguồn vốn phải tập trung cho đầu tư là hợp lí nhất.

Đương nhiên, phần chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên cũng là cần, nhưng cái đó phải trên mặt bằng chung của các ngành kinh tế… Tôi nghĩ nếu có nguồn vốn thì tập trung đầu tư để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình được nhà nước giao cho là phù hợp hơn cả.

Từ việc này, người ta có thể đặt câu hỏi về việc EVN có thiếu vốn và phải trả lại các dự án?

Tôi không đặt vấn đề này, nhưng tôi có suy nghĩ về việc tại sao ngành điện trả lại các dự án đó. Trước đây, nhiều người muốn đầu tư vào ngành điện, người ta cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại. Trong đó, trở ngại lớn mà tôi biết được là giá mua điện của ngành điện đối với các đầu tư của bên ngoài ngành điện.

Những dự án nhà nước đã dành cho ngành điện để đầu tư thì đó là sự tin cậy của nhà nước giao cho ngành điện, bản thân ngành điện phải tự thấy rằng, mình phải tập trung mọi nguồn lực để đầu tư đáp ứng những nhu cầu về điện cho ngành kinh tế là phù hợp hơn. Việc trả lại như vậy tôi thấy ngành điện phải nên tính toán lại.

Một báo cáo của kiểm toán nhà nước báo cáo trước Ủy ban Thường vụ vừa rồi đã nói rằng, một số ngành được đưa ra cơ chế đặc thù nhưng hiệu quả công việc không cao?

UB Kinh tế có đặt vấn đề, đầu tư ở các khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả còn thấp thì chúng tôi nghĩ rằng bản thân các doanh nghiệp phải xem xét lại đầu tư của mình để làm sao có hiệu quả hơn.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông có chất vấn vấn đề của EVN tại Nghị trường không?

Trong báo cáo của UB Kinh tế cũng đã thể hiện rồi, chúng tôi có kiến nghị, nhà nước sớm đánh giá lại hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong đó có việc sử dụng các nguồn vốn trong đầu tư và trong quản lí tài chính.
 
Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường
(ghi)