1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga chuẩn bị cho chiến tranh giữa các vì sao?

"Báo Độc lập" (Nga) ngày 15/8 cho biết Nga vừa bắt tay chế tạo trạm quan sát vô tuyến mới với độ chính xác và khả năng cảnh báo tấn công bằng tên lửa rất cao mang tên "Voronezh-M" tại tỉnh Oreburg của nước này. Điều này cho thấy Nga tiếp tục chuẩn bị tư thế đánh trả các đòn tấn công bằng tên lửa và "Voronezh-M" sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ không gian của Nga.

 

Nga chuẩn bị cho chiến tranh giữa các vì sao?


Theo kế hoạch, "Voronezh-M" sẽ xuất xưởng sau 1-1,5 năm nữa, trong khi các thế hệ trước đó thường phải mất 5-10 năm.

 

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên toàn nước Nga hiện có 4 trạm quan sát vô tuyến thế hệ mới đang trực chiến, được bố trí chủ yếu ở khu Krasnodar (miền nam nước Nga) và tỉnh Leningrad (phía bắc đất nước).

 

Trong khi đó, hai trạm định vị vô tuyến khác là "Voronhezh-DM" đang được chạy thử nghiệm tại tỉnh Kaliningrad (giáp biên giới Ba Lan) và tỉnh Irkusk.

 

Theo chương trình chế tạo vũ khí mới, trong năm 2013 Nga còn chế tạo các trạm định vị vô tuyến thế hệ mới ở các tổ hợp công nghiệp quốc phòng đóng ở Krasnoyarsk và vùng Altai. Đồng thời, hệ thống cảnh báo tấn công bằng tên lửa mới cũng sẽ được tiếp tục lắp đặt ở các khu vực khác.

 

Bộ Quốc phòng Nga vừa đưa ra sơ đồ bố trí các trạm quan sát vô tuyến, theo đó cứ 1.000 km chiều dài đất nước có một trạm. Thứ trưởng bộ này, ông Yuri Borisov, tiết lộ đến năm 2018 Nga sẽ lắp đặt xong "vòng cung" giám sát không gian với độ chính xác rất cao.

 

Điều này cho phép Nga chắn được tất cả các hướng tấn công quan trọng bằng tất cả các loại tên lửa hành trình từ bên ngoài.

 

Với khả năng phòng thủ như vậy, người ta có thể có cái nhìn lạc quan về an ninh quốc gia của nước Nga. Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn được đặt ra là liệu hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa mới này tin cậy đến đâu? Hiển nhiên, các trạm quan sát vô tuyến mới này dễ dàng phát hiện các vụ phóng tên lửa ở bất cứ nơi nào trên thế giới, song các tên lửa đánh chặn của Nga có khả năng bắn rơi trước khi chúng kịp bay vào lãnh thổ Nga hay không?

 

Thời còn Liên Xô, Moscow và Washington ký Hiệp ước về việc hạn chế các hệ thống phòng thủ vũ trụ. Liên Xô khi đó chỉ có 2 trạm quan sát vô tuyến đặt ở ngoại ô Moscow và ở Baku (thủ đô của Azerbaijan), có khả năng cảnh báo và đánh trả các cuộc tấn công bằng tên lửa từ bên ngoài. Song, Mỹ đã ra khỏi Hiệp ước này và hiện cũng không ai ngăn cấm Nga lập lá chắn phòng thủ trên bầu trời Nga và các nước đồng minh.

 

Tuy nhiên, thứ nhất, điều này gây nên cuộc đua vũ trang. Các chuyên gia cảnh báo xu thế gia tăng chi tiêu quốc phòng trong cơ cấu ngân sách đất nước, giảm các khoản chi công cho các dự án xã hội, y tế và văn hóa. Thứ hai, kể cả khi Nga lao vào cuộc chạy đua thì cũng không ai dám khẳng định Nga có thể đảm bảo 100% an ninh quốc gia. Tiến bộ khoa học-kỹ thuật nói chung và trong lĩnh vực quân sự-quốc phòng nói riêng trên thế giới không đứng im một chỗ. Các cường quốc trên thế giới cũng chế tạo các loại vũ khí mới và các phương thức chiến tranh hiện đại. Nước Nga cần đáp trả bằng cách chi một lượng ngân sách phù hợp. Tuy nhiên, rất khó xác định chi thế nào là phù hợp và đâu là điểm dừng.

 

 

Còn nhớ ngày 5/7 tại phiên họp của Hội đồng an ninh Liên bang liên quan vấn đề hoàn thiện tổ chức trong lĩnh vực phòng thủ đất nước đến năm 2020, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra công thức xác định chi tiêu quốc phòng. Theo đó, việc tổ chức phòng thủ đất nước cần có được tất cả các nguồn lực để ngăn chặn các đòn tấn công tiềm tàng nhắm vào nước Nga, chống trả quyết liệt đối với bất cứ âm mưu gây áp lực nào bằng quân sự, đảm bảo vững chắc chủ quyền nước Nga và an toàn tính mạng người dân Nga.

 

Bên cạnh đó, các chương trình quốc phòng phải hợp lý và không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực xã hội nói riêng.

 

Trong năm 2013, Nga sẽ chi 3,8% tổng GDP cho quốc phòng và 3,7% tổng GDP cho y tế. Tuy nhiên, đến năm 2016 chỉ số này sẽ thay đổi, 3,8% GDP cho quốc phòng và 3,3% GDP cho y tế. Trong những năm tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ giảm từ mức 4,7% hiện nay xuống còn 4,2% vào năm 2016, kéo theo chi tiêu cho các chương trình phúc lợi xã hội giảm từ mức 12,8% hiện nay xuống còn 11,1% vào năm 2016. Tất cả chỉ số này được thể hiện trong chương trình ngân sách của chính phủ.

 

Hiện chưa chuyên gia nào có thể kết luận các chỉ số trên "hợp lý" đến đâu, song cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexay Kudrin, chuyên gia tài chính tầm cỡ thế giới, đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ thâm hụt ngân sách vì tăng chi quốc phòng.

 

Và một hoài nghi nữa là liệu trong những năm tới Nga có khả năng chế tạo siêu vũ khí cho phép bảo vệ lãnh thổ và người dân khỏi bất cứ nguy cơ quân sự nào từ bên ngoài?

 

Theo TTK

Báo Tin tức