Nếu suy đoán vô tội, đã không có vụ Xin Chào

Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 4-2016, lịch sử tố tụng Việt Nam đã ghi nhận ba vụ án oan nhanh chóng được minh oan.


Ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào - chính thức được minh oan. (Ảnh: Đình Thảo)

Ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào - chính thức được minh oan. (Ảnh: Đình Thảo)

Đó là vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào, vụ ông Nguyễn Văn Bỉ, chủ “chòi vịt” (cùng ở Bình Chánh, TP.HCM) và vụ bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Các vụ án này đều đã từng được cơ quan điều tra khởi tố, VKS cùng cấp truy tố hoặc phê chuẩn khởi tố, bắt tạm giam.

Thực lòng mà nói nếu báo chí không phản ánh và nhiều lãnh đạo cấp cao không lên tiếng thì mọi việc chưa chắc đã được giải quyết rốp rẻng như vậy.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến oan sai cho người dân, cho chủ doanh nghiệp vô tội? Bỏ qua chuyện động cơ cá nhân (nếu có) thì về mặt chuyên môn, tôi cho rằng các cơ quan tố tụng đã hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế và đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tố tụng rất cơ bản, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Nguyên tắc này đã được công nhận trong tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên Hiệp Quốc. Đó là Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào chữa của người đó.

Nguyên tắc suy đoán vô tội được Việt Nam cam kết thực hiện thông qua sự kiện Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 24-9-1982. Trong Hiến pháp 2013 và trong BLTTHS của nước ta cũng đều thể hiện rõ nguyên tắc suy đoán vô tội dưới dạng ba nội dung chính như sau:

Một là người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án kết tội đối với người đó;

Hai là người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền chứng minh mình vô tội nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình; họ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa cho mình;

Ba là khi có những nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ xuất hiện thì những nghi ngờ này phải được hiểu và giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi và bị can, bị cáo. Nếu còn chưa chắc chắn giữa có tội hay không thì cần suy đoán họ không có tội.

Trong vụ án Xin Chào và vụ “chòi vịt”, chính ông Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, khi trả lời báo Tuổi Trẻ đã thừa nhận lúc đầu có băn khoăn về chứng cứ buộc tội nhưng do máy móc, nhận thức và áp dụng các văn bản pháp luật không chuẩn nên đã để xảy ra oan sai tai hại. Như vậy, nếu ngay từ đầu ông Quý và các điều tra viên, kiểm sát viên mà quán triệt được nguyên tắc suy đoán vô tội (và dĩ nhiên không có động cơ cá nhân nào đấy) thì sẽ không bao giờ ra quyết định khởi tố, truy tố oan.

Nguyên tắc suy đoán vô tội phải được triệt để áp dụng trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào, từ khởi tố, truy tố, xét xử và thi hành án. Nhưng ngay từ giai đoạn điều tra, nếu áp dụng nguyên tắc này thì sẽ tránh được oan sai nhiều nhất.

Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng có nghĩa cần nhìn cuộc đời với cái tâm trong sáng, với niềm tin là mọi người xung quanh đang vô tội, mọi doanh nghiệp đang làm ăn đàng hoàng, chỉ khi nào có căn cứ vi phạm rõ ràng mới xử lý hình sự vụ việc.

Rất mong các cơ quan tiến hành tố tụng, qua vụ án oan quán cà phê Xin Chào và các vụ án oan gần đây, một lần nữa rút ra bài học sâu sắc về nguyên tắc suy đoán vô tội. Chúng tôi cũng rất tâm đắc với kết luận quan trọng của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị đối thoại của Thủ tướng với các doanh nghiệp ngày 29-4 vừa qua tại TP.HCM: Kiên quyết không hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế, dân sự.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM
Ủy viên BCH Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Theo Pháp luật TPHCM