“Nếu làm trục Hồ Tây - Ba Vì cũng chỉ nên làm nhỏ”

(Dân trí) – “Trục nối Hà Nội với Hòa Lạc, Sơn Tây có thể ở vị trí của trục Hồ Tây – Ba Vì, cũng có thể ở chỗ khác. Trong trường hợp có làm tại đó, tôi cho rằng, chỉ nên là quy mô nhỏ, chứ không phải trục gì ghê gớm…”.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng bày tỏ với phóng viên Dân trí.

Thưa ông, trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Hà Nội cho rằng, Ba Vì không hội đủ các điều kiện cho việc đặt Trung tâm hành chính quốc gia. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng vừa cho biết, trong đồ án quy hoạch chung Hà Nội, Trung tâm hành chính quốc gia sẽ không đặt tại Ba Vì như đã trình trước đây. Ông có thể nói gì về những điểm mới này?

Ý tưởng đưa Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì xuất phát từ trong nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Bộ Xây dựng là cơ quan soạn thảo. Tôi chắc rằng, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến của UBND TP Hà Nội khi soạn thảo, chứ không thể không.

Nhưng bây giờ cả hai bên đều nhất trí không đặt Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, tôi rất hoan nghênh. Như vậy, các cơ quan đã tiếp nhận ý kiến của nhân dân thể hiện qua các phương tiện truyền thông, cũng như các hội thảo.

Chúng ta có điều kiện để thực hiện các phương án khác cho Trung tâm hành chính quốc gia, thưa ông?

Trong nhiệm vụ quy hoạch trong đề bài quy hoạch, tôi chưa thấy một câu nào nói vì sao phải chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì. Ngay trong đề xuất của Hà Nội cũng chỉ nói không nên đưa lên Ba Vì bởi ở chỗ đó thế này, thế kia… Thế thì Hà Nội thiếu đất à?
 
“Nếu làm trục Hồ Tây - Ba Vì cũng chỉ nên làm nhỏ” - 1
Ông Phạm Sỹ Liêm (Ảnh: Vneconomy)

Hiện nay ở phía Tây Hà Nội đất đai vẫn còn mênh mông, tại sao không chọn mà phải tìm một nơi rất xa xôi như vậy? Đất ở khu vực Hồ Tây đã giao cho nước ngoài, nhưng qua anh em ở sở Quy hoạch - Kiến trúc tôi được biết, khi cấp diện tích này, bên đầu tư đã hứa sẽ chuyển lại cho Hà Nội sau khi họ giải phóng mặt bằng khoảng 60ha. Tôi nghĩ Hà Nội nhận, giao cho các Bộ lên đó và làm một đại lộ rồi bố trí trụ sở các bộ cũng sẽ đủ. Ít nhất cũng làm được mười mấy bộ tại khu vực này.

Chuyển sang trục Hồ Tây - Ba Vì, Bộ Xây dựng tiếp tục bảo lưu quan điểm cần thiết phải có trục này, trong khi Hà Nội cho rằng không cần thiết phải tạo lập một tuyến giao thông có quy mô lớn và đi thẳng như vậy?

Về trục này, chúng tôi và cả các nhà phong thủy ở Việt Nam đã nói, chẳng có trục thần đạo ở đây, chỉ là tưởng tượng. Tri thức về phong thủy của các vị hiện nay chắc là thua xa các vị phong thủy thời trước như Trần, Lê, nhưng các sử liệu về Hà Nội chẳng có sử liệu nói về trục thần đạo ấy cả…

Nhưng Bộ Xây dựng cho rằng, trục này để phục vụ các đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc trong tương lai, khi các đô thị này lần lượt có 18 vạn dân và 60 vạn dân?

Một khi đã đưa các đô thị ấy và thu hút cả phía Vĩnh Yên, Việt Trì vào vùng phát triển thì sẽ phải tăng cường hệ thống giao thông lên vùng đó. Sau đây những người làm giao thông sẽ nghiên cứu và không phải chỉ có một trục, có thể có nhiều trục và là một hệ thống, một mạng.
 
“Nếu làm trục Hồ Tây - Ba Vì cũng chỉ nên làm nhỏ” - 2
Trục Hồ  Tây - Ba Vì, một trong những vấn đề tiếp tục gây tranh luận (Ảnh: Việt Hưng)

Bây giờ chưa làm quy hoạch mà cứ nói trục nọ, trục kia tôi không hiểu. Tuyến đường nối Hà Nội với khu vực Hòa Lạc, Sơn Tây có thể ở vị trí của trục nói trên, có thể ở chỗ khác. Trong trường hợp có làm tại đó, tôi cho rằng, chỉ nên là quy mô nhỏ, chứ không phải trục gì ghê gớm như các vị ấy đưa ra.

Nhưng đó là làm quy hoạch giao thông mà hiện nay quy hoạch giao thông chưa ai nghiên cứu, chưa ai duyệt gì cả.

Nhiều người băn khoăn về việc đô thị Hoà Lạc có thể hút được 60 vạn dân và ngay trong văn bản của Hà Nội mới đây cũng cho rằng, dân số của đô thị này cần được chứng minh phương pháp dự báo, phương pháp tính toán trên cơ sở dự báo về các động lực, khả năng phát triển?

Thành phố vệ tinh ở trên đó tôi thấy hiện nay bắt đầu hình thành rồi, còn quy mô bao nhiêu, to nhỏ thế nào phải nghiên cứu công phu hơn. Chưa ai biết cái số liệu, cái lý lẽ nào mà họ làm to như thế.

Ở đây có một điểm mà chúng tôi từng nhận xét, một đô thị lớn như Hà Nội bao giờ cũng có một ảnh hưởng lan tỏa rất rộng ra ngoài. Có thể là ở phía Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Hưng Yên, Hà Nam… Nghiên cứu chùm đô thị không phải chỉ trên địa giới của Hà Nội, bởi vì ảnh hưởng lan tỏa của đô thị là sức mạnh của thị trường chứ không phải là sức mạnh hành chính.

Những đô thị hình thành theo quy luật của thị trường và thị trường tạo ra động lực ấy. Ví dụ như Vĩnh Yên có ai quy hoạch, dự kiến gì đâu mà vẫn trở thành một vùng đô thị và công nghiệp cũng lớn.

Nếu tuân theo quy hoạch thị trường kết hợp với sức mạnh của quyền lực, chúng ta mới có thể làm được. Nếu chỉ có mỗi sức mạnh quyền lực thôi sẽ không thành và thực tế chúng ta đã từng có những thất bại vì không đếm xỉa đến sức mạnh của thị trường.

Đồ án quy hoạch đặt ra mục tiêu giãn dân nội đô, nhưng Hà Nội cho rằng, đồ án chưa phân tích được khả năng giảm dân cư trong 4 quận nội thành để đảm bảo tính khả thi?

Việc giãn dân nội đô là ý muốn của người quản lý đô thị, còn việc giãn được hay không, đâu chỉ phụ thuộc vào ý chí của người quản lý mà còn phụ thuộc vào quy luật thị trường. Người dân trong tình hình kinh tế hiện nay họ sẽ đến nơi nào tạo cho thu nhập tốt hơn chỗ cũ. Chỉ những người đã có thu nhập ở đâu đó họ muốn chuyển ra xa để có điều kiện ăn ở, cư trú tốt hơn.

Lâu nay người ta cứ bám lấy khu phố cổ là bởi đất đai khu phố cổ hiện nay cao vời vợi do sinh lợi lớn. Nếu không nghiên cứu cái sinh lợi ấy chúng ta chỉ thấy chỗ ở chật trội quá, môi trường xấu quá thôi thì chưa toàn diện.

Vậy cách xử lý như thế nào? Hiện nay phố cổ, kể cả quận Hoàn Kiếm nói chung, kể cả bờ Hồ xuống Hàng Bài là khu trung tâm thương mại của Hà Nội, phải tạo ra các trung tâm thương mại phụ bổ sung cho trung tâm chính mà lúc bấy giờ gọi là xu hướng đa trung tâm.

Ví dụ tạo ra các trung tâm ở Tây Hồ Tây, Mỹ Đình, Hà Đông, Long Biên. Tại những trung tâm ấy chúng ta sẽ ưu đãi cho những người ở quận Hoàn Kiếm nếu họ chuyển ra. Khi họ thấy khả năng sinh lợi có thể chưa bằng quận Hoàn Kiếm, nhưng có triển vọng họ sẽ đi.

Hay chúng ta tạo ra một chợ như chợ Đồng Xuân ở một nơi thuận tiện nào đó và xung quanh đó làm những dãy phố để người ở trong này ra mua kinh doanh với nhiều thuận lợi. Chợ Đồng Xuân đâu phải chợ bán lẻ mà là chợ phân luồng cho một khu vực. Ở phía Nam người ta cũng đến nơi nào phân luồng tốt như chợ Đồng Xuân, nhưng gần người ta, tốt cho người ta hơn, thuận lợi cho xe cộ.

Tôi nói ví dụ thế, còn dĩ nhiên phải nhiều lý lẽ nữa. Phố cổ còn là du lịch, dịch vụ ăn uống… chứ không phải chợ phân luồng hàng như chợ Đồng Xuân, nhưng đầu tiên phải có cái lõi gì đó.

Chúng ta dùng quy luật thị trường để tạo ra động lực phát triển và lúc bấy giờ mới có thể chuyển đi được.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (thực hiện)