Nắng nóng kỷ lục, bác sỹ Nhi khám “không kịp thở”

(Dân trí) - Đợt nóng oi ả, gay gắt nhất trong mùa hè năm nay, với nhiệt độ có lúc lên tới gần 40 độ C khiến nhiều trẻ đổ bệnh. Trong bệnh viện chen chúc nóng hầm hập, các ông bố, bà mẹ vẫn ôm con mồ hôi nhễ nhại chờ đến lượt khám...

Khám đêm, ngày đều đông nghẹt

Chiều 8/6, khu khám bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn đông nghịt. Các dãy ghế chờ khám đều kín chỗ. Đợi khám sốt ruột, nhiều người còn trải ni lông tranh thủ cho bé ngả lưng... Dù bệnh nhân chờ đợi khám đông là vậy, nhưng theo BS Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh nhân như vậy là ít. Chứ đến vào buổi sáng, bác sĩ khám bệnh... không kịp thở.
 
Nắng nóng kỷ lục, bác sỹ Nhi khám “không kịp thở” - 1

Các bé, các mẹ đều nhễ nhại mồ hôi chờ đến lượt khám (Ảnh: H.Hải)

Ngay trước ô phát số khám bệnh, chị Liên, mẹ của bé Bống (Hoài Đức, Hà Tây) đang dỗ bé tranh thủ ngủ chờ đến lượt khám. Trời nóng, quạt trần bật vù vù nhưng chị phải luôn tay quạt cho con mà mồ hôi vẫn đổ ròng ròng.

Theo BS Vũ Quý Hợp, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Nhi T.Ư), nắng nóng kỷ lục của miền Bắc khiến nhiều trẻ em nhập viện. Số trẻ đến khám dao động từ 1.800 - 2.100 lượt trẻ mỗi ngày. Đông nhất phải kể đến các khoa như Sơ sinh (152 bệnh nhân/40 giường bệnh); Tiêu hóa (hơn 100 bệnh nhân/50 giường). Hô hấp (trên 100 bệnh nhân/50 giường bệnh)...

“Trời nắng nóng, nên số trẻ đến khám buổi sáng là đông nhất. Buổi chiều đã giảm đi rất nhiều nhưng tất cả các phòng khám tại khoa Khám bệnh vẫn phải làm việc liên tục. Hai ngày trở lại đây, lượng trẻ đến khám ngoài giờ, về đêm tăng vọt vì cha mẹ ngại cho con ra ngoài khi trời nắng nóng. Bệnh viện đã phải tăng cường 7 bác sĩ khám bệnh từ 16h30 - 22h đêm, sau thời điểm này là có 3 bác sĩ luôn túc trực. Trung bình từ 16h30 đến sáng hôm sau, có khoảng 250 trẻ tới khám”, BS Hợp nói.

Anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) đưa con tới khám bệnh vì nóng quá, bé mọc nhọt ở phần sinh dục, gây sốt cao, đau buốt than thở: “Đi đường nóng hầm hập, như tát lửa vào mặt. Vào tới viện, có quạt, đỡ hơn chút nhưng cũng thật oi bức, không khí đặc quánh, toàn người là người làm thằng cu lại càng khó chịu. Bác sĩ bảo lấy nước tiểu để xét nghiệm, cho cu hết ti mẹ, lại uống nước mà vẫn...chưa tè vì ra mồ hôi hết”.
 
Nắng nóng kỷ lục, bác sỹ Nhi khám “không kịp thở” - 2

Nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp vì đợt nắng nóng kỷ lục đầu hè (Ảnh: H.Hải)

“Đúng là vào viện luôn có cảm giác nóng vì toàn người là người. Vì thế, ngay từ đầu mùa hè, Khoa khám bệnh đã phải tăng cường chống nóng bằng hệ thống phun mù, lưới giảm nắng, dùng quạt công suất lớn để thông gió và tăng cường mái che cho bệnh nhân ngồi chờ. Mỗi ngày, khu khám bệnh lại “phình” thêm một tí vì tăng cường mái che rộng ra ngoài cho bệnh nhân ngồi, giảm mật độ ngồi chật chội để thoáng khí, giảm tình trạng lây nhiễm chéo bệnh tật ở trẻ em đi khám. Mỗi ngày, lượng nước tiêu thụ tại bệnh viện phục vụ cho bệnh nhân cũng rất “kỷ lục” khoảng 800m3”, BS Hợp chia sẻ.

Bệnh nhân sốt nhiều nhất

BS Hợp cho biết, ngoài những bệnh tim mạch, tiêu hóa, hô hấp... luôn đông bệnh nhân, thì 3 ngày nắng nóng trở lại đây, bệnh nhân hay gặp nhất là sốt cao. Nhiều bé bị sốt đến 39 - 40 độ C nhưng khi uống thuốc không hạ sốt được, do điều chỉnh thân nhiệt trẻ gặp trở ngại vì thời tiết quá nắng nóng nên cha mẹ phải đưa con tới bệnh viện.

“Trời thì đã nóng nực, mồ hôi ra nhiều mà lắm người lại ủ con kỹ quá khi đi đường, hoặc cho bé mặc áo chống nắng bằng áo khoác mùa đông khiến bé nóng, mồi hôi ra nhiều, nhiễm lạnh. Nhiều trẻ khi được đưa tới viện, mặt đỏ phừng phừng, mồ hôi thì ướt bết tóc, bác sĩ vén áo nghe tim, phổi thì lưng bé ướt nhẹp, lạnh toát... vì hậu quả quấn bé quá kỹ để chống nắng. Chính vì thế mà bé lại càng dễ nhiễm lạnh dẫn tới ho, viêm đường hô hấp”, BS Nhuận cảnh báo.
 
Nắng nóng kỷ lục, bác sỹ Nhi khám “không kịp thở” - 3
Người mẹ ngồi bệt ngay trên sàn gạch, dỗ dành bé ngủ đợi đến lượt khám (Ảnh:H.Hải)

Đáng nói là nhiều phụ huynh khi con bị sốt, ho, sổ mũi... vẫn tự mua thuốc điều trị. Điều này đã gây ra tình trạng kháng thuốc, bác sĩ kê nhiều loại thuốc, dùng lâu mà vẫn không dứt bệnh. Điều đặc biệt nguy hiểm hơn trong mùa hè, khi mà trẻ rất hay bị sốt vì nhiều nguyên nhân, đó là do lạm dụng paracetamol thái quá.

Mới đây, bệnh viện Nhi Trung ương đã cấp cứu một bé gái bị nôn dữ dội, kích động và mê sảng vì quá liều paracetamol. Mẹ em bé kể, bé bị viêm họng cấp, sốt cao tới 39 - 40 độ C. Chị đã dùng cho con viên đạn paracetamol 150mg đặt hậu môn để hạ sốt cho bé. Nhưng chỉ sau khoảng 3 tiếng bé lại sốt lại. Khi ra hiệu thuốc kể về triệu chứng của con, chị được người bán thuốc tư vấn dùng thêm lại thuốc Beramol Drops để hạ sốt cho bé. Không hiểu chị nghe thế nào, cứ đặt viên đạn cho con được 3 giờ đồng hồ, chị lại cho con uống tiếp 1ml loại thuốc này. Con chị hạ sốt thật, người mát nhưng đến tối, bé liên tục bị nôn dữ dội, sau đó bị kích động, mê sảng... phải đưa đi viện cấp cứu.

BS Nhuận cho biết, tình trạng dùng thuốc hạ sốt quá liều rất phổ biến, nhiều trường hợp bị ngộ độc paracetamol rất nặng, thậm chí tử vong. Các bà mẹ không biết được trong các loại thuốc, dù tên biệt dược có thể khác nhau, nhưng có thể cùng một số thành phần, nếu dùng kết hợp sẽ gây quá liều.

Như nhiều người, đã cho con uống paracetamol hạ sốt, lại tiếp tục cho con uống Decollgen, Tiffy... để chữa cúm là rất nguy hiểm vì trong thành phần các loại thuốc này cũng đã có hàm lượng paracetamol nhất định.

Theo BS Nhuận, bệnh hô hấp, không chỉ do trời nắng nóng mà còn do môi trường, như ô nhiễm khói than, khói thuốc lá. Có những cháu cứ ngày đi lớp không sao, tối về nhà ho khù khụ. Bé vào viện nhiều lần, đi khám nhiều nơi, uống vài đợt thuốc mà vẫn không khỏi ho. Khi hỏi kỹ, bác sĩ mới phát hiện bé bị ho kích ứng vì khói than nhà hàng xóm. Vì thế, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, mở cửa thông thoáng khí, không nấu than, hút thuốc trong nhà... cũng sẽ phòng bệnh hô hấp hiệu quả.

Hồng Hải