Nạn chặt phá rừng ngày càng nghiêm trọng

(Dân trí) - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, năm 2012, tuy số lượng các vụ vi phạm có giảm nhưng mức độ xâm hại rừng ngày càng nghiêm trọng về tính chất như vụ phá rừng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), Vườn quốc gia Ba Bể, vụ gỗ sưa nghìn tỷ ở Quảng Bình…

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện 2.029 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 68 vụ (tương đương 3 %) so với cùng kỳ năm trước và 1.145 vụ khai thác rừng trái phép (so với  cùng kỳ năm 2011 giảm 21%); diện tích rừng bị phá  là 622,86 ha, giảm 386,38 ha so với cùng kỳ năm 2011.

Tính từ đầu năm đến ngày 25/6/2012, toàn quốc đã phát hiện 12.430 vụ vi phạm các quy định nhà nước về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, đã xử lý 11.512 vụ, xử phạt 123 tỷ đồng.

Một cây nghiến đại thụ bị lâm tặc chặt hạ trong KBT Thần Sa Phượng Hoàng.
Một cây nghiến đại thụ bị lâm tặc chặt hạ trong KBT Thần Sa Phượng Hoàng.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã xảy ra nhiều điểm nóng về phá rừng như Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể và khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ ở Bắc Kạn; VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, VQG YokDon ở Đắc Lắk. Sự việc 3 cây sưa cổ thụ trị giá hàng trăm tỷ đồng bị chặt hạ ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã gây ra sự náo loạn ở khu vực này. Hàng trăm người dân, hàng chục băng nhóm đã vào rừng săn tìm, trấn cướp gỗ sưa gây mất an ninh trật tự.

Thời điểm này, khi vụ khai thác trái phép gỗ sưa vừa lắng xuống, nạn phá rừng gỗ nghiến ở Bắc Kạn lại bùng lên nhức nhối. Đặc biệt, tình hình tái bùng phát ở khu vực giáp danh 3 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn là địa bàn có nhiều khu rừng tập trung có trữ lượng gỗ cao, chủ yếu là các loại gỗ quý hiếm như nghiến, trai lý, sến…

Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn, chỉ từ cuối năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 134 cây gỗ nghiến với khối lượng 536m3 bị chặt hạ. Tính riêng trong nửa đầu năm 2012, có tổng cộng 86 cây gỗ nghiến (khoảng 307,75m3 gỗ nghiến) bị đốn hạ tại ba khu rừng đặc dụng trên. Trong đó, 2 khu vực có diện tích rừng nghiến bị tàn phá nhiều nhất là VQG Ba Bể với 48 cây, 160m3 gỗ và khu rừng xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông với 52 cây, 226m3 gỗ. Tuy nhiên, đó là số liệu mà lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản. Còn số lượng gỗ nghiến bị lâm tặc đốn hạ và vận chuyển về xuôi trót lọt thì chưa thể biết.

Cưa xăng - sát thủ hút máu rừng già.
Cưa xăng - sát thủ "hút máu" rừng già.

Lãnh đạo Tổng cục Lâm Nghiệp cho biết, tình trạng “xẻ thịt” rừng trái pháp luật thường tập trung ở khu vực rừng đặc dụng, rừng tự nhiên còn nhiều gỗ có giá trị thương mại cao, những khu vực thuận lợi về giao thông, vùng giáp danh và địa bàn nhiều cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ trong rừng và gần rừng.

Đặc biệt, hình thức phá rừng của lâm tặc ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức như phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới; sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị gảm thanh), khi bị phát hiện sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ.

Cùng với phá rừng, hiện tượng chống người thi hành công vụ tiếp tục xảy ra gay gắt. 6 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 13 vụ chống người thi hành công vụ ở mức độ nghiêm trọng, gây thương tích 14 người, tập trung chủ yếu các tỉnh Quảng Nam, Bắc Giang, Đăk Nông, Cà Mau, Bắc Kạn...

Lãnh đạo Tổng cụ cũng nhận định, trách nhiệm của kiểm lâm trong vấn đề này là rất quan trọng. Các VQG thường quản lý các khu  rừng đặc dụng có các loại  gỗ và hệ động vật có giá trị rất cao nên ở đâu có nguồn gỗ giá trị thì ở đó sẽ dễ xảy ra tình trạng  ăn cắp.

Những khu rừng già đang kêu cứu trước nạn lâm tặc hoành hành.
Những khu rừng già đang "kêu cứu" trước nạn lâm tặc hoành hành.

Về phương án và chỉ đạo giải quyết giảm thiểu tình trạng “xe thịt” rừng già, Lãnh đạo Tổng cục Lâm Nghiệp nhận định, Chính phủ ban hành nhiều văn bản rất quan trọng như Nghị định 99 về chi trả dịch vụ môi trường rừng năm nay chúng ta có thể thu được 1.000 tỷ là số vô cùng lớn. Thứ hai Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế chính sách đồng quản lý và thí điểm chính sách chia sẻ lợi ích một số rừng đặc dụng. Để biến thành chính sách cần phải làm tốt mấy mô hình, tổng kết, đánh giá trong vòng hai năm tới thì mới có thể đề xuất được chính sách đầy đủ.

Thứ hai chúng ta có thể có can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào việc cấm chế biến dăm nhưng chúng ta sẽ giẩm tỷ trọng một cách hợp lý bằng cách có chính sách hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ nhỏ từ rừng trồng. hợp lý vì cách gì chúng ta cũng phải có gỗ nhỏ, gỗ tận dụng cho dăm chung tôi không ra mệnh lệnh hành chính, nếu điều tiết sẽ điều tiết bằng chính sách thuế.

 

Sau khi báo điện tử Dân trí liên tiếp đăng tải loạt phóng sự phản ánh tình trạng nghiến tặc lộng hành, “tàn sát” rừng già tại  khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng (Thái Nguyên), ngày 17/7, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm Đoàn Hoài Nam đã ký công văn 377/KL-TTPC về việc báo cáo cáo tình hình khai thác gỗ trái pháp luật tại khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng.

Công văn đề nghị Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên làm rõ: Diễn biến chi tiết của vụ việc phá rừng tại KBT Thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng bị chặt phá, trong đó cần nêu rõ khối lượng lâm sản bị thiệt hại, các biện pháp ngăn chặn; Việc rà soát bố trí cán bộ và xử lý đối với những tập thể, cá nhân có dấu hiệu sai phạm…để lâm tặc ngang nhiên khai thác, vận chuyển tiêu thụ gỗ bất hợp pháp xảy ra tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng; Tổ chức làm rõ các nội dung mà báo Dân trí nêu qua các loạt bài phóng sự, báo cáo về Cục kiểm lâm trước ngày 25/7/2012. 

 

Anh Thế - Quốc Đô