Năm tháng ngược xuôi của một “lão phóng viên”

(Dân trí) - 60 tuổi mới được chính thức gọi là phóng viên. Nhưng từ lâu, báo giới Sài Gòn đã ưu ái gọi ông là “Phóng viên trên từng cây số” bởi ở đâu có những sự kiện nóng hổi thì ở đó có ông. Ông là Trần Chánh Nghĩa.

Năm tháng ngược xuôi của một “lão phóng viên” - 1
Trần Chánh Nghĩa trong buổi ra mắt tuyển tập Năm tháng ngược xuôi.
 
Nhắc đến tên ông, bạn đọc hình dung ra một ông già tóc xoăn kiểu nghệ sĩ, cao gầy, đen sạm và có mặt đầu tiên ở các điểm nóng. Còn với đồng nghiệp, ông là biểu tượng của sự dấn thân, liêm khiết trong nghề báo.

Ở ông không có sự phân biệt đề tài lớn hay nhỏ. Những đề tài dân sinh: kẹt xe, tai nạn, chìm sà lan, cháy nhà… của ông luôn “nóng hổi” trên mặt báo. Nói chung, ở đâu có “cháy nổ”, có “tai nạn” thì ở đó có ông. Ông luôn là phóng viên đầu tiên có mặt tại điểm nóng nhất của những sự kiện đó.

Tên ông cũng không “nổi như cồn” nhất thời như những “ngôi sao” trong làng giải trí, nhưng nhắc đến là cả một câu chuyện dài đầy “hỉ-nộ-ái-ố” với nghề báo.

Chưa qua một trường lớp nào đào tạo nghề báo, trong gia đình, các anh chị lại đều là bác sĩ, kỹ sư, chỉ duy nhất có ông là nối nghiệp cha. Vậy mà ông đã từng là phóng viên cho một tờ báo phương Tây, sau đó là một loạt các tờ báo hàng đầu Việt Nam như: Thanh niên, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, hay Nông thôn ngày nay, Vietnamnet

Một ngày, ông rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn để khai thác thông tin. Nếu có cuộc bình chọn: “Người sành đường Sài Gòn nhất Việt Nam” thì có lẽ ông là “ứng cử viên” nặng ký nhất. Người ta gọi ông là “thổ địa”. Các phóng viên chạy tin nóng “sõi” đường là thế nhưng nhiều lúc cũng phải gọi ông để nhờ chỉ đường. Ông còn biết các ngõ ngách để đi tắt, tránh kẹt xe. Điều đó giải đáp phần nào lý do ông luôn là người có mặt ở hiện trường sớm nhất.

Là người từng sát cánh với ông trên các nẻo đường của Sài Gòn để đưa những thông tin nóng nhất đến độc giả, chúng tôi cũng không ít lần bị ông làm cho… “bẽ mặt”. Số là, khi nhận được nguồn tin báo có một vụ cháy nhà, hay sà lan đâm nhau trên sông… khi chúng tôi chạy đến để lấy tin thì người dân lại bảo: “Các anh đến chậm rồi. Có một ông già, tóc xoăn, cao kều… vừa lấy tin ở đây về”.

Không máy ảnh cồng kềnh theo kiểu “súng ống đủ loại”, hành trang bên ông chỉ một túi xách cũ kỹ đựng vừa đủ các đồ nghề cần thiết để tác nghiệp bất cứ lúc nào.

Không ngại khó, ngại khổ, dù đường xa, trời mưa tầm tã hay nắng gắt, dù đêm khuya tối mịt hay ngày lễ, Tết, khi có bất cứ nguồn tin từ cơ quan hay độc giả cấp báo, ông đều tức tốc lên đường. Nhanh nhẹn, dẻo dai và xông pha hình thành nên chân dung của một nhà báo yêu nghề như Trần Chánh Nghĩa.

Đồng hành bên ông luôn có bóng dáng của bà xã. Bà Lê Thị Luận, vợ ông luôn là người trông xe ở gần hiện trường để chồng an tâm tác nghiệp. Có những đêm khuya lạnh, bà phải thức dậy để đi cùng chồng đến hiện trường. “Đi với ổng cho vui. Để ổng đi một mình tui cũng không an tâm ngủ tiếp được”, bà tâm sự. Vậy mà, khi đến hiện trường, ông lao vào tác nghiệp, để vợ co ro một mình trong đêm khuya lạnh vắng trông xe cho mình. Mải miết khai thác thông tin, đến khi ra tìm xe để về thì ông mới sực nhớ… vợ mình đang đợi.

Nói về sự liêm khiết trong nghề báo, ông là số 1. Chưa ai phàn nàn ông ở điểm này. Tôi nhớ, có một lần tác nghiệp vụ công trình xây dựng làm sập nhà dân. Khi chủ đầu tư định đưa phong bì để “mong anh lấp liếm cho qua”, Trần Chánh Nghĩa thẳng thừng từ chối. Ngày hôm sau, tin đăng trên mặt báo, công trình bị đình chỉ, những ngôi nhà bị ảnh hưởng được bồi thường. Người dân cả khu phố đều biết ơn ông. “Vậy là vui rồi”, ông kết lại sự việc.

Với sức “chạy” kinh hoàng như thế tin, bài của ông xuất hiện đều đặn trên mặt báo. Tên tuổi ông “ngự trị” trong lòng biết bao độc giả. Vậy mà, có ai biết được, đến 60 tuổi ông mới được chính thức gọi là phóng viên, còn mấy mươi năm làm nghề, lúc nào ông cũng chỉ là cộng tác viên.

Cách đây mấy hôm, nhân sinh nhật lần thứ 60 của mình, ông đã cho ra mắt tuyển tập: “Năm tháng ngược xuôi”. Cuốn sách là sự chắt lọc tất cả những tin, bài mà ông tâm huyết nhất. Tuy những sự việc đã đi vào quá khứ, không còn “nóng hổi” như lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo nhưng cầm cuốn sách trên tay, chúng tôi nghe như có một sức nóng khác lan tỏa, đó là “lửa nghề” vẫn còn cháy rần rần trong con người Trần Chánh Nghĩa.

Công Quang