Mượn xe chính chủ, sẽ không bị phạt

“Nếu khi bán xe cho người khác mà không sang tên đổi chủ, sau này xảy ra trường hợp xấu như tai nạn, trộm cướp, hay mượn xe để vận chuyển hàng cấm, gây án... cơ quan có thẩm quyền sẽ liên hệ với chủ cũ để điều tra, gây ra nhiều phiền toái”, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 cho biết.

Tránh rủi ro cho chủ cũ

Những ngày qua, thông tin đi xe mô tô, xe gắn máy không sang tên đổi chủ sẽ chính thức bị phạt từ 1.1.2017, mức phạt lên tới 400.000 đồng theo Nghị định 46 khiến không ít người dân lo lắng. Nhiều người còn hiểu sai quy định xử phạt xe “không sang tên đổi chủ” khi cho rằng, tất cả những người tham gia giao thông trên đường nếu không đi xe chính chủ đều bị phạt.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ xử lý vi phạm giao thông của Đội CSGT số 1 (Công an Hà Nội) cho biết: Có thể nói rằng, trong việc này, nếu như hiểu sai vấn đề thì sẽ gây tâm lý lo sợ. Cần phải hiểu và hiểu đúng như thế nào là chính chủ, trường hợp nào thì mới bị xử phạt.

Thượng tá Quỹ đưa ra tình huống cụ thể cho người tham gia giao thông: “Ví dụ, hai vợ chồng có 1 chiếc xe máy nhưng giấy tờ đứng tên vợ. Anh chồng lấy xe máy của vợ để sử dụng là việc bình thường, không luật nào cấm và chồng sẽ không bị phạt. Tương tự trường hợp anh mượn xe của bạn, đồng nghiệp hay xe đi thuê đều không bị xử phạt về lỗi sang tên đổi chủ".

“Cảnh sát giao thông xử phạt xe không chính chủ khi đã có giao dịch mua bán nhưng không đến cơ quan chức năng để xác nhận”, Thượng tá Quỹ nhấn mạnh.

Phân tích thực tế khi áp dụng quy định này, Thượng tá Quỹ đưa ra lời khuyên cho chủ sở hữu: Bản thân người bán xe cho người khác nên chủ động đề nghị người mua xe làm thủ tục sang tên đổi chủ. Nếu không, sau này xảy ra trường hợp xấu như tai nạn, trộm cướp, hay mượn xe để vận chuyển hàng cấm, gây án... cơ quan có thẩm quyền sẽ liên hệ với chủ cũ để điều tra, gây ra nhiều phiền toái. Thậm chí có thể xảy ra rủi ro không đáng có. Việc đăng ký thủ tục sang tên đổi chủ cũng đã được Bộ Tài chính điều chỉnh xuống mức 20% hóa đơn mua bán để phù hợp với mức sống của người dân.

Còn trao đổi với PV về việc xử phạt xe chưa làm thủ tục sang tên di chuyển xe, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Nghị định 46 quy định chỉ xử phạt chủ xe khi làm thủ tục đăng ký sang tên hoặc xe bị TNGT gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên (không xử phạt trường hợp tham gia giao thông). Bắt đầu từ ngày 1.1.2017, theo Điều 30, Nghị định 46, CSGT sẽ phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ. Việc này áp dụng cả với diện “được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản”.

Cũng theo Thiếu tướng Tuấn, Cục CSGT đã có văn bản chỉ đạo công an các đơn vị địa phương phối hợp tổ chức tuyên truyền và thông báo cho cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục sang tên di chuyển mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ, thực hiện đến ngày 31.12.2016. Các trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ xe trước ngày 1.1.2017, cơ quan đăng ký xe vẫn giải quyết đăng ký sang tên cho người đang sử dụng xe.

Sang tên đổi chủ là cần thiết

Cô Nguyễn Thị Kim Liên (trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) bày tỏ, cơ quan chức năng yêu cầu người lái xe phải chứng minh xe máy đang lưu thông trên đường là xe người đó mượn hay xe họ mua nhưng chưa sang tên đổi chủ là vô lý. “Trách nhiệm của CSGT là tham gia điều tiết, hướng dẫn người tham gia giao thông tuân thủ các quy định của pháp luật. Quan trọng hơn, việc CSGT phạt người tham gia lưu thông khi xe chưa sang tên đổi chủ này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến trật tự giao thông cả” - cô Liên nói.

Trong khi đó, cô Vân, người cho thuê xe máy du lịch tại quận Sơn Trà bày tỏ, lâu nay cô thường cho du khách thuê xe máy và bên cạnh đó, cô thường đưa các bản giấy tờ photo cho họ để du khách có thể lưu thông trên đường. “Nếu du khách thuê xe máy của nhà tôi và vi phạm Luật Giao thông và bị CSGT thổi phạt thì người đó sẽ nộp là điều đương nhiên. Tuy nhiên, nếu du khách nước ngoài thuê xe máy bị kiểm tra thì việc xử phạt này được tiến hành như thế nào. Tại sao chúng tôi không được cơ quan chức năng hướng dẫn, giải thích cụ thể trong các trường hợp như vậy” - cô Vân thắc mắc.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM), việc mượn xe, thuê xe hay vợ chồng điều khiểu xe của nhau, con lấy xe bố, mẹ để di chuyển… là quan hệ dân sự, điều này không phát sinh thủ tục hành chính là “thủ tục đăng ký sang tên xe” cho nên không có chuyện phạt vi phạm lỗi này như nhiều bạn đọc hiểu nhầm.

Theo luật sư Chánh, trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp, việc quản lý phương tiện trong trường hợp có tai nạn giao thông hay truy tìm tội phạm thì siết chặt “sang tên đổi chủ” là cần thiết. Quy định này đã có từ trước tại điểm a, khoản 1, Điều 33 Nghị định 34/2010/NĐ-CP và điểm b, khoản 1, Điều 30 Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

Cơ quan chức năng cũng đã đơn giản hóa thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiến hành thủ tục “sang tên đổi chủ” theo quy định. Việc sang tên xe sẽ giúp cá nhân, cơ quan tổ chức xác lập quyền sở hữu hợp pháp đối với phương tiện, tránh được các tranh chấp tài sản không đáng có. Dưới góc độ người bán, tặng cho, phân bổ, điều chuyển phương tiện, việc đăng ký sang tên cho người mua/ người nhận sẽ giúp mình tránh được các rắc rối về mặt pháp lý xảy ra sau khi đã bán, tặng cho, phân bổ, điều chuyển phương tiện.

Từ ngày 1.1.2017, theo Điều 30 Nghị định 46, cảnh sát giao thông sẽ phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên mình). Việc này áp dụng cả với diện “được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản”.

Theo Cao Nguyên - Hữu Long
Lao động