Vụ BVĐKTƯ Cần Thơ sử dụng thuốc chưa được lưu hành:

Mua thuốc cản quang dự phòng bão lụt?!

(Dân trí) - Ngày 14/9 ông Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯ Cần Thơ) cho biết khi có cơn bão số 10 (2008), bệnh viện đã mua 2000 gói Bary Sunfat để dự phòng chống bão.

Khi được hỏi về quy trình kiểm nhập thuốc tại bệnh viện, ông Đặng Quang Tâm khẳng định: “Quy trình kiểm nhập thuốc tại bệnh viện được thực hiện rất chặt chẽ. Nguyên tắc trước khi nhập kho thì phải kiểm tra đầy đủ thông tin như: nhà sản xuất, phân phối có đúng chức năng hay không, số đăng ký… mới cho nhập và sử dụng”.

Tuy nhiên không hiểu sao, khi nhập đến hàng ngàn gói thuốc có số đăng ký sai quy định, khoa Dược của bệnh viện này lại không hề hay biết? Phải đến gần 3 năm sau, khi đã có hàng ngàn bệnh nhân sử dụng thuốc này bệnh viện mới phát hiện ra số đăng ký 777.91.53 QH in trên gói thuốc Bary Sunfat trên không nằm trong danh mục thuốc đăng ký của Bộ Y tế.

Hiện bệnh viện đang chờ nhà sản xuất là Viện Công nghệ Hóa học (Số 1, Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM) và nơi phân phối là Cửa hàng dụng cụ y khoa số 9 (Cửa hàng dụng cụ y khoa số 9, địa chỉ: 940 đường 3/2, P.15, Q.11, TP.HCM) cung cấp thông tin liên quan đến loại thuốc này.

Về lý do nhập lô thuốc trên về ông Tâm nói: “Thuốc này không trúng thầu, nhưng do năm 2008 khi xảy ra cơn bão số 10, bệnh viện đã mua 2.000 gói về dự phòng chống bão.(?) Khi mua, thấy trên nhãn mác cũng khá đầy đủ thông tin nhãn hàng, nhà sản xuất nên cũng tin tưởng”.

Cách trả lời của ông Tâm thật mâu thuẫn, ở câu mở đầu thì nói quy trình nhập thuốc vô bệnh viện rất chặt chẽ. Nhưng câu tiếp theo lại nói thuốc này không trúng thầu chỉ mua về dự phòng chống bão lũ thấy có nhà sản xuất, nhãn hàng trên bao bì nên tin tưởng?!

Bary Sunfat là thuốc cản quang chỉ dùng trong chụp X Quang, chẩn đoán các bệnh về viêm loét dạ dày.

Từ năm 2008 đến ngày 13/9 vừa qua, BVĐKTƯ Cần Thơ chỉ sử dụng duy nhất loại thuốc trên làm thuốc cản quang khi chụp X Quang cho bệnh nhân. Hiện tại loại thuốc này bị niêm phong, ngưng sử dụng nên khâu chụp X Quang dạ dày, đường ruột ở bệnh viện cũng bị “tê liệt”.

                                                                                                                         PV