Nghệ An:

Mưa lũ gây sạt lở, nhiều nhà dân phải di dời

(Dân trí) - Liên tiếp trong nhiều ngày từ 8-12/8, trên địa bàn huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp… (tỉnh Nghệ An), mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây ngập lũ lụt, sạt lở đất gây ách tắc giao thông và thiệt hại lớn đến nhà cửa, tài sản nhà nước và của người dân.

Tại Mai Sơn, huyện Tương Dương, lũ lớn làm ngập cầu Khe Bén, cả xã bị cô lập trong suốt thời gian từ 7 đến 10 tháng 8. Còn các xã bị thiệt hại khác gồm Xiêng My, Lưu Kiền, Tam Thái và thị trấn Hòa Bình cùng chung cảnh tương tự.
 
Rác từ đầu nguồn đổ về phủ kín hồ thủy điện, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông.
Rác từ đầu nguồn đổ về phủ kín hồ thủy điện, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông.

Theo thống kê ban đầu, toàn huyện có có 4 nhà phải di dời khẩn cấp; 2 nhà có nguy cơ bi sập do sạt lở đất phải di dời; 13 nhà bị ngập, 1 ký túc xá học sinh bị hư hỏng. Có 1 trạm biến áp bị hư hỏng, có 10 cột điện 4 bị đổ gẫy, đứt và cuốn trôi 500m dây điện.

Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở phải ngừng hoạt động, có 15 km kênh mương bị vùi lấp; 1 con bò và nhiều ao cá bị lũ cuốn trôi.

Cho đến sáng hôm nay (12/8), trên địa bàn huyện Tương Dương mưa vẫn chưa ngớt, mực nước trên các dòng sông Lam, sông Nậm Nơn, sông Nậm Mộ đã lên cao...và nguy cơ sạt lở quốc lộ 7A đang đặt trong tình trạng báo động. Trước tình hình đó cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đã chủ động tháo dỡ, di dời một số ngồi nhà có nguy cơ đổ sập, lũ cuốn trôi.

Để đảm bảo giao thông thông suốt, huyện Tương Dương đã bố trí máy xúc ở các điểm sạt lở trên tuyến đường 7A để nạo vét đất đá, tránh ách tắc giao thông. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của huyện đã chủ động hướng dẫn người dân phóng tránh, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
 
Rác từ đầu nguồn đổ về phủ kín hồ thủy điện, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông.
Tuyến đường vào xã Yên Tĩnh - Hữu Khuông đang thi công cũng bị sạt lở nhiều nơi làm máy móc bị rơi xuống khe suối.

Theo ông Vi Tân Hợi - Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương, hơn 4 ngày mưa lớn hoành hành trên địa bàn, đã gây thiệt ước tính ban đầu là trên 2 tỷ đồng.

Trong khi đó tại huyện biên giới Kỳ Sơn, từ ngày 7/8 - 9/8, lượng mưa lớn kéo dài, nước ở thượng Lào và các sông suối đầu nguồn đổ về, nước sông Nậm Mộ dâng cao.

Theo báo cáo nhanh của Trạm Thuỷ văn Mường Xén, mực nước sông Nậm Mộ đo được lúc 14h ngày 9/8 chỉ còn hơn 4m là bằng với đỉnh lũ lịch sử năm 2011. Mưa kéo dài, nước lũ dâng nhanh, giao thông trên một số tuyến liên xã bị ngưng trệ, nhiều nhà dân sống dọc bờ sông suối và các chân núi bị sạt lở, đang trong tình trạng phải di dời.

Theo dự báo, trong những ngày tới mưa vẫn còn tiếp tục, Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt của huyện đang chỉ đạo người dân chủ động ứng phó với tình hình bất thường của mưa lũ

          Nguyễn Duy