Hà Tĩnh:

Mưa lớn gây ngập nặng, dân đội mưa "vá" hơn 100m đê hỏng

(Dân trí) - Chiều tối qua, dù mưa lớn nhưng lo sợ sóng lớn đe dọa tuyến đê vốn đang bị hư hỏng nặng sau cơn bão số 10, chính quyền và người dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã đội mưa “vá” tạm hơn 100 m đê.

Chính quyền xã Cẩm Nhượng cho biết, lo sợ sóng biển của đợt áp thấp nhiệt đới vừa đổ bộ vào đất liền sáng nay và những cơn bão sắp tới có thể làm tình trạng tuyến đê đang bị hư hỏng tồi tệ hơn, từ sáng đến chiều hôm qua (9/10), chính quyền xã Cẩm Nhượng đã huy động nhân lực, phương tiện vận chuyển hàng chục xe cát về địa bàn thôn Hải Nam để "vá" hơn 100m đê.

Toàn bộ hệ thống mái đê và chân đê với chiều dài 150 m đoạn chạy qua thôn Hải Nam với kết cấu bê tông đã bị sóng biển đánh gãy. Đất đắp bên trong thân đê bị cuốn trôi, chỉ trơ trọi mặt bê tông phía trên.
Toàn bộ hệ thống mái đê và chân đê với chiều dài 150 m đoạn chạy qua thôn Hải Nam với kết cấu bê tông đã bị sóng biển đánh gãy. Đất đắp bên trong thân đê bị cuốn trôi, chỉ trơ trọi mặt bê tông phía trên.

Hàng ngàn bao cát đã được đặt phía trong mạn đê bị sóng biển tàn phá nặng nề.
Hàng ngàn bao cát đã được đặt phía trong mạn đê bị sóng biển tàn phá nặng nề.

Trong mưa lớn, lực lượng ứng cứu đê của xã và người dân xã Cẩm Nhượng đã bê hàng ngàn bao cát khẩn trương gia cố mạn đê phía trong vốn bị sóng biển bão số 10 đánh gãy, cuốn phăng phần đất cát đắp bên trong thân đê.

Đến trước thời điểm áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền, đoạn đê bị hư hỏng này đã được "vá" xong.


Khẩn trương vá đê đề phòng sóng lớn.

Khẩn trương vá đê đề phòng sóng lớn.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng - ông Nguyễn Sỹ Huyền cho biết, việc dùng bao cát gia cố lại đoạn đê xung yếu trên chỉ là giải pháp tạm thời.

Để bảo đảm an toàn cho hàng ngàn hộ dân, theo ông Huyền, xã đã lập phương án di dời 60 hộ dân nằm sát bờ kè biển, đồng thời kiến nghị huyện, tỉnh đầu tư kinh phí mở rộng tuyến kè biển để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa thuận tiện di dời tìm kiếm cứu nạn mỗi khi có mưa bão.

Một số địa phương bị cô lập do mưa lớn

Liên quan đến diễn biến thời tiết do áp thấp nhiệt đới gây ra, do mưa to đến rất to, từ chiều và đêm 9/10, nên sáng nay trên địa bàn các huyện Vũ Quang và Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã có một số địa phương bị cô lập, nhiều tuyến đường giao thông bị tê liệt.

Trên địa bàn huyện Vũ Quang đã có nhiều thôn/xóm, trục đường giao thông huyết mạch bị ngập lũ, số khu dân cư và hộ gia đình đã bị cô lập đang tăng nhanh. Trọng điểm ngập ở các xã: Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Liên...

Tại Hương Sơn, ngập lụt cũng diễn ra ở các xã: Sơn Ninh, Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn An, Sơn Tiến, Sơn Lễ, Sơn Bằng... Mưa dài ngày nên đã xảy ra tình trạng sạt lở đất diện hẹp trên địa bàn xã Sơn Kim II.

Mưa lớn gây ngập cục bộ tại trung tâm huyện Hương Sơn tối qua (ảnh: Tiến Dũng)
Mưa lớn gây ngập cục bộ tại trung tâm huyện Hương Sơn tối qua (ảnh: Tiến Dũng)

Theo dự báo, với tình hình mưa lớn như hiện nay, mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, các con suối, hồ chứa, cánh đồng trên địa bàn hai huyện miền núi này tiếp tục dâng nhanh, nguy cơ xảy ra lũ lớn, sạt sở đất đá, hư hỏng các hồ đập và công trình thủy lợi vốn đã mất an toàn... là rất lớn.

Để ứng phó với mưa lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, UBND các tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt các địa phương nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của trung ương trong việc triển khai các biện pháp ứng phó theo tinh thần “bốn tại chỗ”.

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, sóng biển đã làm chìm 3 thuyền đánh cá của ngư dân Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên neo đậu trong âu tránh bão.
Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, sóng biển đã làm chìm 3 thuyền đánh cá của ngư dân Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên neo đậu trong âu tránh bão.

Thông tin áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ được cập nhật thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

Đặc biệt, công tác thông tin được thực hiện sớm và thường xuyên. Tất cả học sinh đã được nghỉ học. Số hộ dân sinh sống ở vùng nguy hiểm được tiến hành di dời. Các công trình hồ đập mất an toàn đã được túc trực và chuẩn bị ứng phó khi xẩy ra sự cố. Các tuyến đường bị ngập đã cảnh báo mất an toàn.

Các cơ quan, đơn vị, trường học, người dân đã chủ động di dời tài sản, trang thiết bị, vật nuôi lên nơi cao ráo, an toàn và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai...

Nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Ngàn Phố lên nhanh.
Nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Ngàn Phố lên nhanh.

Nước lũ tràn băng một con đường dân sinh tại xã Sơn Diệm.
Nước lũ tràn băng một con đường dân sinh tại xã Sơn Diệm.

Văn Dũng – Hương Thành