1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mua ấn đền Trần để... thăng quan!

Lợi dụng tâm lý hám lợi, muốn thăng quan, phát tài, lễ khai ấn mang ý nghĩa tưởng nhớ công đức các vua ở đền Trần (Nam Định) đang bị biến thành ngày hội mua bán ấn. Đáng tiếc là người mua ấn đa phần là quan chức.

Quan chức đổ về “xin ấn”

Dưới thời Trần, khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền. Tục truyền hằng năm các vua nhà Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước... Sau này, người dân nơi đây tiếp tục duy trì mỹ tục này để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc. Ngày nay, người ta tin tưởng mù quáng là những chiếc ấn trong lễ khai ấn sẽ mang lại quyền lực thăng quan tiến chức.

 

Từ ngày 11 tháng Giêng, còn mấy hôm nữa mới tới lễ khai ấn, chúng tôi đến đền Trần để đăng ký xin ấn. “Hết thời hạn đăng ký rồi” - anh nhân viên nhà đền giọng tưng tửng. Tôi hơi bất ngờ. Tay xe ôm an ủi: “Bố em có “tiêu chuẩn” mua ấn. Đến lễ khai ấn anh cứ alô, em sẽ nói cụ nhượng cho”.
 
Mua ấn đền Trần để... thăng quan! - 1

Ấn được bày bán nhiều nơi tại đền Trần Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định).

 

Tôi ghé vào ban quản lý di tích đền Trần, ông phó ban thường trực Phùng Văn Đồng cho biết nhà đền đã dừng đăng ký xin ấn hai ngày nay. Tôi hỏi dò: “Lễ khai ấn năm nay nhà đền dự định phát bao nhiêu chiếc?”. “Xin thứ cho! Tôi không nói được” - ông phó ban cười ý nhị. Tôi vớt vát: “Vậy có nhiều người đăng ký không anh?”. “Giờ các cụ nhà đền vẫn đang tổng hợp nên chưa rõ” - ông từ chối khéo.

 

Năm trước, ấn được chia làm hai loại: loại đóng trên lụa dành cho quan chức, đóng trên giấy điệp vàng dành cho thường dân, nghe đâu tổng cộng chừng 10 vạn chiếc. Lễ năm nay nhà đền chỉ phát một loại ấn đóng trên lụa để tránh tiếng phân biệt đối xử. Ông phó ban khẳng định không có chuyện “mua bán ấn” mà là “tùy tâm công đức”. Tôi băn khoăn vì cái “tùy tâm công đức” này dường như được định giá khi năm trước, ấn thường dân công đức 2.000 đồng, ấn quan chức 20.000 đồng.

 

Do nhu cầu xin ấn ngày càng lớn trong khi đóng ấn bằng tay nên việc in ấn phải chuẩn bị nhiều ngày trước lễ khai ấn. Như vậy, lễ khai ấn chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Nhưng “phát ấn dứt khoát phải sau lễ khai ấn. Nếu ấn bán trước lễ khai ấn hoặc ấn giả sẽ tịch thu, giao công an điều tra, xử lý” - ông Đồng quả quyết.

 

Theo ông Đồng, mỗi người nên có thái độ nghiêm túc với việc xin ấn bởi ý nghĩa tâm linh. “Nếu “quan tham” xin ấn mà cầu được, ước thấy thì nguy” - tôi hỏi dò. Ông Đồng lấp lửng: “Có lòng tin để làm tốt công việc, gặt hái được nhiều thành công”.

 

Câu chuyện tiền nong

 

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Chỉ thị “mỗi di tích chỉ nên đặt một hòm công đức, hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ không đặt tiền lễ, tiền công đức lên các bàn thờ hoặc gài tiền lẻ vào đồ lễ, tượng Phật…”. Nhưng ở đây, ngoài các bàn ghi công đức, mỗi đền đặt hai hòm công đức, ba đền (Thiên Trường, Trùng Hoa, Cổ Trạch) tổng cộng có sáu hòm. Một số gian thờ lớn còn đặt hai hòm và hai mâm để khách bỏ tiền dầu, nhang; một mâm để khách thưởng tiền cho nhóm hát chầu văn…

 

Hỏi về chuyện tiền nong, ông Đồng khẳng định các khoản thu chi của lễ hội đều được công khai với sự giám sát chặt chẽ của ba bên: UBND phường Lộc Vượng, ban quản lý di tích và nhà đền (chủ yếu là các cụ cao tuổi, do Mặt trận Tổ quốc phường tiến cử). Các tờ ghi nhận công đức ban quản lý phát hành có mệnh giá thấp nhất là 10.000 đồng đều có số series cho từng mệnh giá để kiểm soát. Toàn bộ số tiền được nộp vào Kho bạc Nhà nước và TP điều tiết theo tỉ lệ cho ban quản lý và UBND phường Lộc Vượng. Nói công khai nhưng khi tôi hỏi về tổng thu, tổng chi, các khoản thu, chi cụ thể, ông phó ban quản lý từ chối khéo: “Xin lỗi, không thể nói chính xác”.
 
Mua ấn đền Trần để... thăng quan! - 2
Lễ Khai Ấn đền Trần thu hút hàng vạn du khách thập phương. (Ảnh: Đàm Duy - Quý Đoàn)

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thế Dũng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Lộc Vượng, lại khá cởi mở. Ông cho biết một năm lễ hội đền Trần thu về khoảng 8 tỉ đồng, trong đó tiền công đức 3-5 tỉ đồng. Tổng số tiền được TP chia cho UBND xã Lộc Vượng và ban quản lý di tích theo tỉ lệ 6/4.

 

Ông Dũng không đồng tình trước việc TP Nam Định tính nguồn thu từ lễ hội vào chỉ tiêu thu ngân sách của phường. Chỉ tiêu giao cho địa phương là 5 tỉ đồng thì nguồn thu từ lễ hội đã gần đạt chỉ tiêu, khoản thu 3 tỉ đồng từ thuế má, đất cát… được coi là thu vượt.

 

“Nói điều tiết cho chúng tôi 60% tiền thu từ lễ hội nhưng sau khi TP “cắt trắng” 3 tỉ đồng khoản thu vượt, thực tế chúng tôi chỉ được 30%. Còn ông quản lý di tích “ngồi chơi xơi nước” cũng được 40%” - ông Dũng gay gắt nói.

 

Xin ấn hay bán ấn?

 

Tại đền Trần Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), ấn của Trần Hưng Đạo với nội dung “Nam lộc Trần ấp, hoán tích chi bảo” đã được đóng sẵn, bày ở nhiều nơi. Một chị thủ nhang xởi lởi: “30.000 đồng, em ạ! Còn muốn nhà đền trực tiếp đóng ấn thì phải 100.000 đồng. Lấy ngay đi chứ vài bữa nữa vào hội là không có đâu!”.

 

Cũng theo chị này, mỗi năm nhà đền in 7 vạn chiếc. Tôi nhẩm tính, với “tiền công đức” 30.000 đồng thì nhà đền thu về hơn 2 tỉ đồng.

 

Theo Trần Văn Tiến

 Pháp luật TPHCM