Một tuyến vỉa hè nhếch nhác và nguy hiểm

(Dân trí) - Đường Trường Chinh là tuyến cửa ngõ phía Tây Bắc TPHCM, mới được mở rộng lên đến 12 làn xe, giữa đường có cây xanh, đèn đường cách điệu… rất đẹp và hiện đại. Nhưng, vỉa hè dọc đường lại rất nhếch nhác và nguy hiểm.

Đoạn đường mà chúng tôi đề cập đến là đoạn từ cầu Tham Lương đến Ngã tư An Sương, nằm trong địa phận quận 12. Do giải tỏa để làm đường, dọc đoạn này có rất nhiều căn nhà đã được đập một nửa, nửa còn lại vẫn được tận dụng để ở và buôn bán. Nhiều căn chỉ còn có 3 mảng tường xiêu vẹo, những tấm bê tông chưa đập hết chìa ra lơ lửng, bất cứ lúc nào cũng có thể rơi xuống đầu người đi lại trên vỉa hè.

 

Khu vực này là nơi tập trung rất nhiều công ty may gia công, cơ khí nên có rất đông công nhân, kéo theo nhu cầu ăn uống mua sắm lớn, nhiều hộ dân quanh đó tận dụng từng chỗ trống trên vỉa hè để buôn bán. Ngay cả trạm biến thế tải điện cho công ty may Phương Đông cũng trở thành một “shop” bán quần áo lý tưởng.

 

Một tuyến vỉa hè nhếch nhác và nguy hiểm - 1

Hàng quần áo "lý tưởng" ngay dưới trạm biến thế.

 

Nguy hiểm hơn, khu vực lân cận công ty này có rất nhiều nhà trọ tạm bợ chủ yếu làm bằng gỗ dễ bắt lửa, ngay sau trạm biến thế lại là kho vải của công ty. Nếu xảy ra cháy nổ thì không thể lường hết được mức độ tác hại, đặc biệt là mấy trăm công nhân đang làm việc trong công ty này khó có đường thoát.

 

Chị Huỳnh Yến Thế, một công nhân đã làm ở đây gần 6 năm, cho biết: “Tôi cũng thấy nguy hiểm, nhưng lại rất tiện cho công nhân. Cứ hễ giờ nghỉ thì ra mua sắm, ăn uống nhanh gọn. Công nhân chúng tôi ngại đi xa vì không có phương tiện, thời gian làm thì từ sáng sớm tới tối mịt mới về”.

 

Một tuyến vỉa hè nhếch nhác và nguy hiểm - 2

Nhộn nhịp bán mua ngay dưới tấm biển cấm. 

 

Cách đó không xa là khu vực chợ Bàu Nai thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12. Nói là chợ nhưng người dân bán ở chợ thì ít mà ngoài chợ thì nhiều. Cảnh buôn bán diễn ra bát nháo cả một tuyến đường dài gần 1km, lấn chiếm từ vỉa hè ra đến cả làn đường dành cho xe 2 bánh và xe buýt dừng đón trả khách.

 

Chính sự bát nháo này khiến tuyến đường trở nên nguy hiểm cho khách bộ hành và người đi xe hai bánh. Ở đây, tai nạn va quẹt xảy ra như cơm bữa, tình trạng ách tắc giao thông cũng xảy ra thường xuyên tại khu vực 3 làn đường dành cho xe thô sơ, xe hai bánh cơ giới và xe ôtô rẽ phải. Do đó, nhiều xe hai bánh, xe ba gác… muốn qua đoạn đường này phải chạy lấn vào phần đường cao tốc dành cho xe ôtô.

 

Một tuyến vỉa hè nhếch nhác và nguy hiểm - 3

Chập tối, chợ đã "lan" ra giữa lòng đường.

 

Anh Huy, một người dân trong khu vực, cho biết: “Tai nạn ở khu chợ này gần như ngày nào cũng có. Mới hôm 14 vừa rồi, ông Hạ sát nhà tôi đứng mua tôm ngay giữa đường bị xe buýt chạy tấp tới trả khách quẹt phải ngã gãy tay”. 

 

Nhiều người cho biết, việc buôn bán lấn chiếm diễn ra bát nháo, phức tạp ở khu vực này là do chợ Bàu Nai ban đầu có diện tích là 2.000m2, sau khi giải tỏa chỉ còn 800m2. Nhưng chính quyền quận 12 chưa có phương án sắp xếp các hộ dân buôn bán trong chợ nên bà con lấn ra bán tràn lan trên vỉa hè và lòng đường. Chính quyền địa phương cũng không có phương án gì để dẹp bỏ được.

 

Trung Kiên - Tùng Nguyên