1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Một tín hiệu đáng mừng cho năm 2013, nhưng...!

(Dân trí) - Có thể nói bằng các biện pháp quyết liệt của cả hệ thống chính trị và xã hội, việc phục hồi kinh tế Việt Nam thời gian qua đã có tiếng vang trong cộng đồng thế giới.

Tác giả Nguyễn Hoài Bắc
Tác giả Nguyễn Hoài Bắc
 
Từ những thực tế khách quan, có thể dễ dàng nhận thấy đã có sự biến chuyển tương đối tích cực về niềm tin trên nhiều lĩnh vực.

Niềm lạc quan, hy vọng là quan trọng và không thể thiếu được trong đời sống thường nhật cũng như trong kinh doanh sản xuất. Tuy vậy, những gì mà Việt Nam đã đạt được vừa qua cũng chỉ nên coi là những tín hiệu đáng mừng và để trở thành một hiện tượng cần một quãng đường không ngắn. Song, đã có không ít người đã lạc quan tin tưởng rằng chúng ta đã thoát và vượt lên khỏi bờ vực thẳm của suy thoái kinh tế. Cách nhìn mang tính phiến diện trong kinh tế vĩ mô, hậu quả sẽ khôn lường và lúc đó chúng ta sẽ trở tay không kịp.

Để phân tích và xác định việc này, ta cần phải có cái nhìn xa hơn, rộng hơn, bao quát hơn và phải rất khách quan để định lượng một cách chính xác nhất có thể.

Kinh tế Trung Quốc với Mỹ & Nhật

Một bức tranh tương đối thành công của người hàng xóm chúng ta là Trung Quốc. Với hơn 20 năm đổi mới tương đối toàn diện, GDP Trung Quốc tăng trưởng không ngừng và luôn dẫn đầu thế giới. Các công trình cơ sở hạ tầng dù của tư nhân hay nhà nước quản lý, từ nông thôn đến thành phố đều được đầu tư ồ ạt và chóng mặt. Sản phẩm tiêu dùng trong nước tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu mạnh ở qui mô toàn cầu, làm cho thị trường thế giới từ Á sang Âu, vươn dài tới Bắc Mỹ và Nam Mỹ choáng ngợp với giá cả rẻ bất ngờ, mẫu mã đa dạng...

Nhìn chung, hàng hóa của họ một thời đã làm thỏa mãn 70% nhu cầu người tiêu dùng từ trung lưu trở xuống, đẩy lui nền công nghiệp tiêu dùng của các nước sở tại. Nhưng sau một thời gian chế ngự thị trường thế giới, sản phẩm được sản xuất từ Trung Quốc bắt đầu suy giảm rõ rệt vì chất lượng kém, tính an toàn cho người sử dụng không đạt qui chuẩn tối thiểu của thế giới. Nhưng ngược lại, dự trữ quốc gia của Trung Quốc đạt hơn 2.000 tỷ USD. Giờ đây, không ít chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đánh giá Trung Quốc đã đủ tầm để thay đổi thế giới về kinh tế, quân sự và chính trị.

Họ luôn trong tư thế sẵn sàng vượt qua Mỹ và các nước trong hệ thống G7 và hoàn toàn có thể bỏ xa người Nhật trong một sớm một chiều.

Cái được của Trung Quốc là như vậy nhưng cái mất của Trung Quốc cũng không thể thay thế khi mà thương hiệu quốc gia mang dòng chữ “Made in China” đã và đang bị tẩy chay. Người tiêu dùng ở nhiều quốc gia đã và đang quay lưng với những sản phẩm mang thương hiệu này bởi chất lượng nguy hại cho con người tiêu thụ và sử dụng.

Về chính trị, chính sách xâm lấn và đe dọa chủ quyền đối với một số nước láng giềng cũng làm mất đi thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực bang giao. Điều này báo hiệu rằng sự trỗi dậy của niền kinh tế Trung Quốc đang có vấn đề.

Vì vậy tuy hiện Trung Quốc được coi là giàu có nhất nhì thế giới nhưng thực tế, Trung Quốc muốn thay thế Mỹ và Nhật trong 10 năm hoặc 15 năm tới là điều không khả thi. Lý do là bởi kinh tế muốn phát triển bền vững phải dựa trên nguyên tắc căn bản nhất, đó là tổng thu của xã hội trừ đi tổng chi cộng với kế hoạch phát triển kinh tế trong 10 năm kế tiếp, lấy thu nhập bình quân đầu người trong 3 năm gần nhất làm điểm tựa cho 3 năm tiếp theo. Với cách tính này, hiện tại thu nhập bình quân đầu người/năm của Trung Quốc mới chỉ đạt 2.000USD. Nếu so sánh với Nhật là 26.000USD và Mỹ là 28.600USD thì không biết đến bao giờ Trung Quốc mới đuổi kịp được Nhật Bản và Hoa Kỳ?

Ngược lại, mỗi khi các ngân hàng và nền tài chính Hoa Kỳ có biến động dù nhỏ nhất cũng đều gây tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Giả sử điều này xảy ra với các ngân hàng và nền tài chính Trung Quốc tại thời điểm hiện nay thì hậu quả chắc chắn không nghiêm trọng như nền kinh tế Mỹ suy thoái trong 2 năm vừa qua. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta chủ quan, không chủ động ứng phó một khi mọi việc có thể xảy ra.

Những tác động đến với nền kinh tế Việt Nam

Không những thế, các diễn biến phức tạp từ kinh tế toàn cầu đến an ninh thế giới trong thời gian qua cũng là những vấn đề không thể không lường trước. Đặc biệt, khi mà các điểm “nóng” không được thu hẹp và mỗi ngày lại xuất hiện thêm điểm mới căng thẳng và ác liệt hơn cộng với tác động từ khí hậu, môi trường như bão lụt, động đất, sóng thần mỗi năm lại tăng cao và tàn khốc hơn những năm trước thì việc chủ động ứng phó là không thừa. Cần nói thêm, nạn thất nghiệp năm 2009 khoảng 59 triệu người và sẽ tăng lên 100 triệu người vào năm 2010 theo dự báo của Ngân hàng thế giới thì quả thật, nhân loại đang phải gồng mình để hứng chịu những điều không mong muốn .

Việt Nam là nền kinh tế mới nổi trong khu vực và châu lục. Những thành quả đạt được trước và sau thời kỳ khủng khoảng của kinh thế thế giới là thành công, đáng phấn khởi. Tuy nhiên, các mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa mang tính chiến lược lâu dài, bền vững. Những phương án và giải pháp của chúng ta đặt ra trong thời gian qua chỉ là đối phó và chạy theo phong trào.

Nếu những giải pháp này vẫn tiếp tục duy trì và được coi là căn bản thì hậu quả sẽ rất lớn. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân cùng chia sẻ, bàn thảo minh bạch để hoạch định chiến lược bền vững lâu dài tạo tiền đề cho phát triển, đổi mới. Có như vậy, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đề ra mới thực thi. Khi có được đồng thuận cao, chắc chắn sự nghiệp của chúng ta sẽ đạt kết quả cao. Trong quá trình thực hiện, chúng ta cần phải năng động, sáng tạo và đột phá để phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Nên gạt bỏ ngay những kế hoạch và những dự án lớn có tầm ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh quốc phòng khi thấy không phù hợp và không mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.

Phương án 5 tập đoàn Nhà nước
 
Tập đoàn Dầu khí, theo quan điểm của tác giả, là một trong số các tập đoàn nhà nước cần nắm giữ
Tập đoàn Dầu khí, theo quan điểm của tác giả, là một trong số các tập đoàn nhà nước cần nắm giữ

Là nền kinh tế Thị trường theo định hưóng XHCN tức là về cơ bản, chúng ta đã chấp nhận sự đào thải của thị trường thi hãy để thị trường quyết định. Tại Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng đã không lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo như trước đây. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ hàng chục tập đoàn mà chỉ cần  khoảng 5 tập đoàn quan trọng. Đó là:

1- Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về an ninh quốc gia, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật quân sự, khí tài và tiếp nhận chuyển giao vũ khí bảo vệ Tổ quốc.

2- Tập đoàn đầu tư kinh doanh hải ngoại thực hiện nhiệm vụ đầu tư, kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhằm cân đối nguồn tài nguyên khoáng sản trong nội địa và thế giới, thu lợi nhuận từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để bù đắp cho thiếu hụt tài nguyên và ngoại hối.

3- Tập đoàn vận tải công cộng nhằm thực hiện phục vụ công ích xã hội không mang tính kinh doanh nhằm mọi người dân đều tham gia vào phương tiện vận chuyển công cộng như xe khách, tầu hỏa, tầu thủy… Không phân biệt đối tượng được ưu tiên sẽ dẫn đến nhu cầu mua sắm phương tiện cá nhân giảm thiểu, giảm tối đa ùn tắc giao thông, giảm nhu cầu về sử dụng năng lượng không tái tạo, môi trường sẽ xanh sạch.

4- Tập đoàn dầu khí quốc gia (đã có) khai thác kinh doanh có lộ trình nhằm bảo đảm năng lượng cho quốc gia hàng trăm năm sau.

5- Tập đoàn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia và xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và toàn cầu. Nâng chất lượng cuộc sống của hơn 70% dân số Việt Nam đang phụ thuộc vào nông nghiệp nông thôn.

Các tập đoàn và Tổng công ty do nhà nước nắm giữ hoặc chi phối hãy triệt để thực hiện cổ phần hóa đúng nghĩa kinh tế thị trường, các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, minh bạch. Các tập đoàn tư nhân, các ngân hàng thương mại được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nếu không đủ khả năng tồn tại thì hãy để cho nó phá sản. Nhà nước không cần thiết phải lấy tiền thuế của dân, tiền của ngân sách để “cứu”.

Chỉ có như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới phát triển bền vững.
 
Hà Nội, ngày 11/1/2013
Nguyễn Hoài Bắc
(Canada)