Một tia nắng mai và bốn nỗi buồn

Mẹ và em gái út bị mù, cô em gái thứ hai phải đi giúp việc ở Hải Phòng; mọi việc trong nhà, ngoài đồng đều đổ lên vai Điệp. Trong ngôi nhà tối tăm ấy, ba người phụ nữ lầm lũi sống qua ngày…

Một tia nắng mai và bốn nỗi buồn - 1

Chị Hoàng Thị Điệp (phải) bên mẹ và em.

 

Đã trưa nhưng bếp nhà chị Hoàng Thị Điệp vẫn lạnh tanh. Chị Hoàng Thị Gấm ngồi trên hè ngóng chị, còn bà Tần Thị Lan mò mẫm hết đi ra lại đi vào, thỉnh thoảng chép miệng sốt ruột: “Sao nó lâu về thế nhỉ”. Chị Gấm phân trần: “Đang chờ chị Điệp về nấu cơm. Trước đây tôi vẫn nấu nhưng một lần để lửa lan ra suýt cháy bếp nên chị ấy không cho nấu nữa. Nhà phải đun bằng rơm, lửa cháy rất nhanh nên càng sợ”. Mang tiếng có bốn mẹ con nhưng mọi việc đều đến tay chị Điệp cả.

 

Những biến cố đau lòng

 

Hơn 12 giờ chúng tôi mới thấy chị Điệp tất tả từ ngoài ngõ đi vào, mồ hôi đẫm lưng áo. Chị phân trần đi gặt đổi công cho nhà người em họ và cố cho xong để chiều còn làm việc khác nên về muộn. Nhà có mấy sào ruộng nhưng chỉ một tay chị chăm, hết cấy hái, làm cỏ, bón phân rồi gặt hái. Có một mình nên chị phải đi gặt đổi công để hôm sau họ đến gặt cho nhà mình. Chỉ phân trần được thế rồi chị sấp ngửa đi nấu cơm.

 

Chị Gấm bảo giá bố không mất thì ông cũng đỡ đần được việc này việc kia cho chị Điệp bớt vất vả. Khi còn sống, ông vẫn đi cắt tóc dạo, dạy nhạc và thỉnh thoảng đi thổi kèn đám ma nên cũng có đồng ra đồng vào. Cách đây năm năm, ông đột ngột ra đi khiến cả nhà rơi vào cảnh khốn cùng. Rồi chị buồn buồn: “Mù như em chẳng làm được gì đỡ đần chị, chỉ biết ăn bám thôi”.

 

Nghĩ về những tháng ngày đã trải qua, bà Tần Thị Lan (73 tuổi) thở dài thườn thượt vì toàn thấy chuyện buồn. Cách đây gần 40 năm, bà bị đau mắt hột, nhà nghèo không có tiền chạy chữa nên mắt cứ mờ dần rồi mù hẳn. Lúc đó ba đứa con còn nhỏ nên mặc dù vợ mù nhưng ông chồng vẫn dắt bà ra cái ao gần nhà để bà mò cua bắt ốc bán lấy tiền nuôi các con.

 

Bà bảo cực chẳng đã mới phải vậy chứ mù không nhìn thấy gì, đi lại còn khó huống gì phải lần mò trong ao. Bà có năm người con nhưng một con trai bị chết do lên sởi lúc lên hai, con trai thứ hai do bà không có sữa cũng chẳng có gì ăn, ốm quặt quẹo rồi chết khi mới hơn một tuổi. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh, cô con gái út khi lên ba, sau một cơn sốt, tự dưng đôi mắt mờ dần rồi không nhìn thấy gì. Vậy là nhà có hai người phải sống trong tối tăm.

 

Bà Lan kể sau này có đoàn bác sĩ về chữa miễn phí, hai mẹ con dắt díu nhau lên trạm xá chữa nhưng không được. Bác sĩ bảo sớm mấy năm trước thì chữa được chứ bây giờ thì chịu, nên hai mẹ con lại dắt nhau về và không còn nuôi hy vọng sẽ sáng mắt trở lại.

 

Chị Điệp thấy cảnh nhà khốn khó nên bao nhiêu chỗ dạm hỏi đều lắc đầu từ chối và chấp nhận ở giá để chăm sóc mẹ và lo cho các em. Rồi chị Hoàng Thị Thêu cũng chần chừ mãi không lập gia đình nên rơi vào cảnh lỡ thì. Đến khi ông bố mất đi thì chỉ còn bốn người phụ nữ nương tựa vào nhau trong ngôi nhà ở thôn Thượng, xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

 

Tia nắng mai trong căn nhà tăm tối

 

Cuộc sống của họ tưởng cứ thế lầm lũi trôi qua, nhưng lại một biến cố xảy ra và gia đình họ có thêm thành viên là một bé gái, con của chị Thêu. Nhưng món quà an ủi tuổi già ấy lại là kết quả của một sự dối trá, lọc lừa. Thấy người đàn ông đó bị mù, lại buông lời ngon ngọt nên chị Thêu đem lòng thương yêu. Cứ tưởng ở tuổi quá lứa lỡ thì, chị sẽ tìm được hạnh phúc nhưng không ngờ anh ta đã có vợ, khi cái thai thành hình thì anh ta “quất ngựa truy phong”.

 

Ngày chị Thêu sinh, mẹ bị ốm, chị Điệp phải đầu tắt mặt tối lo chuyện đồng áng nên mình chị Gấm phải lọ mọ giặt tã, chăm sóc chị gái đẻ. Bé Hoàng Thị Hoài Thương sinh ra không có bố nhưng được bà ngoại và ba người mẹ thương yêu.

 

Thêm một thành viên khiến cái gia đình ấy càng khốn khó hơn. Chị Điệp cho biết nguồn sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Mỗi năm, cứ gặt hái xong là chị phải bán thóc để lo trả nợ các khoản, nào tiền cày bừa, tiền thuốc sâu, tiền phân bón… nên chẳng còn bao nhiêu gạo để ăn. Năm nào năng suất thấp là cả nhà thiếu ăn cả một, hai tháng trời, chị phải đi vay thóc rồi hàng xóm thương tình giúp mỗi người một ít mới có ăn đợi mùa gặt.

 

Nhưng điều cả gia đình trăn trở là làm sao lo được cho bé Thương học hành đến nơi đến chốn. Bé Thương mới học mẫu giáo nhưng cũng đã phải đóng góp nhiều khoản, khiến cả mấy chị em phải chạy vạy khắp xóm vay mượn chờ đến mùa bán thóc rồi trả. Thấy cảnh nhà túng bấn, chị Thêu phải ra Hải Phòng giúp việc nhà để có tiền gửi về nuôi con.

 

Giờ đây, tất cả mọi niềm vui, mọi hy vọng của bốn người phụ nữ đều xoay quanh mặt trời nhỏ là bé Thương. Cả ba người phụ nữ ấy đều thi nhau kể những câu nói, những trò nghịch ngợm của cô bé năm tuổi này. Chị Điệp kể có lần con bé đi học về kêu đói. Chị bảo đói chờ ăn cơm nhưng con bé bảo ăn cơm vẫn đói. Chị hiểu con bé đòi ăn cơm với thịt vì bữa ăn nào cũng chỉ có rau. Thương cháu nhưng trong túi chẳng có đồng nào, chị đành lặng thinh giả vờ không hiểu, quay đi giấu giọt nước mắt xót xa.

 

Điều chị Điệp lo nhất bây giờ là ở tuổi ngoài 50, chị đã yếu đi nhiều. Chị bị bệnh khớp nên trái gió trở trời lại đau nhức không làm việc nặng được. Chị sợ một ngày nào đó, nếu chị gục ngã thì không biết cả gia đình sẽ trông cậy vào đâu. Một mình cô em gái thứ hai không đủ sức cáng đáng cả nhà.

 

Chị ngậm ngùi bảo: “Bé Thương còn nhỏ quá, biết bao giờ mới khôn lớn để mấy chị em bớt lo”. Cả ba người phụ nữ cùng thở dài rồi im lặng…

 

Theo Hà Dịu

 Sài Gòn tiếp thị