Một đêm đi chợ “âm phủ”

(Dân trí) - Trước diễn biến khó lường của mưa lũ, người dân dành hết thời gian để bảo vệ đê bao. Đêm xuống, họ mới lái xuồng ra những cánh đồng xa, giăng lưới, soi rắn, bắt ốc,… rồi mang về chợ “ẩm phủ” bán.

3h sáng, chúng tôi có mặt tại chợ “âm phủ”, bến chợ đã đông nghẹt người. Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ sau, chợ đã tan. Vì chợ họp vào ban đêm nên người dân Tịnh Biên và Châu Đốc (An Giang) gọi là chợ “âm phủ”.

Chợ họp trên một khu đất trống nằm ở đầu tuyến kênh Tha La, khu vực giáp ranh giữa Tịnh Biên và Châu Đốc. Cạnh chợ có 2, 3 quán cóc và 3, 4 căn nhà nhỏ thấp lè tè. Ngày nào cũng vậy, cứ 3-4 giờ sáng là bạn hàng họp chợ đông đúc, xúm xít bên những thau cá đồng do dân “vạn chài” mới đi “săn” từ ngoài đồng về.

Một đêm đi chợ “âm phủ” - 1
Có những gia đình từ chạng vạn đã bắt đầu ra khơi giăng lưới bắt cá

Chợ “âm phủ” vốn hình thành từ lâu, do dân nghèo nhóm họp tự phát. Ban đầu chỉ vài người bày bán mớ rau, con cá, dần dà, thấy buôn bán được, chợ họp ngày càng đông. Nơi đây, bạn hàng toàn bày bán “rặt” sản vật đồng mùa lũ như cá, tôm, cua, ốc, lươn, rắn, bông súng… Và chợ nhộn nhịp nhất cũng vào mỗi mùa lũ.

Từ xa, chiếc xuồng cui của anh Trần Văn Hên nhá đèn liên tục để báo hiệu cho bạn hàng trên bờ nhanh chân xuống cân cá. Xuồng vừa cập bến, vợ anh Hên vội nhảy lên bờ cột dây thật chặt. Hàng chục bạn hàng nhảy xuống ra giá thật rôm rả. Anh Hên cười khà: “Cứ từ từ, mối ai nấy cân, thôi được rồi để tui chia cho, nương nhau mà sống. Hôm nay, cá linh, cá chạch, lươn giá mấy?…”.

Một đêm đi chợ “âm phủ” - 2
Từ khoảng 3 giớ sáng, chợ đã sôi động bán mua

Cầm chiếc vợt, anh Hên khom lưng xúc từng vợt cá linh dưới khoang xuồng để cân cho bạn hàng. Anh cho biết: “Bữa nay trời trong, êm sóng nên thu hoạch cá trúng hơn mọi hôm. Tôi đặt được 2 luồng đú, mỗi luồng chạy khoảng 60kg ký cá linh, cá tạp lộn xộn. Có bữa, trời không mưa thì luồng đú của tôi chạy toàn cá linh”.

Chiếc xuồng cá cuối cùng cập bến vào chợ là của ông Nguyễn Văn Ba, lúc trời vừa hửng sáng. Ông Ba cho biết: “Do đêm hôm dậy trễ nên về muộn. Nhờ mùa nước nổi, gia đình tôi có thu nhập ổn định, bình quân thu nhập trên 200.000 đồng/ngày”.

Một đêm đi chợ “âm phủ” - 3

Soi đèn pin bán cá

Theo ông Ba, nhiều năm cánh đồng Hòa Lạc không xả lũ nên đến mùa nước nổi gia đình ông cùng một số nơi chở dụng cụ lọp, lờ, dớn sang cánh đồng Tịnh Biên khai thác cá mắm. Đến nay, anh đã có hơn 15 năm trong nghề đánh bắt cá mùa lũ. “Lũ về mạnh thì dân chài  làm ăn được. Năm đầu tiên cánh đồng Hòa Lạc không xả lũ, cả gia đình “ngồi không xơi nước” bứt rứt vô cùng. Có lẽ sống chung với lũ quen rồi đến mùa lũ mà không đi đánh bắt cá thì nhớ lũ lắm. Năm nay, lũ lên mạnh tất cả dân nghèo đều mừng vì có được mùa làm ăn bội thu trong năm”- anh Ba bày tỏ.

Đang đứng lóng ngóng đợi những chiếc xuồng cui về cân cá tạp giao cho các hầm cá lóc, bà Nguyễn Thị Vàng bắt chuyện: “Chợ cá này toàn nhóm vào ban đêm, nếu 5 giờ mới tới đây thì coi như không có cá để cân. Cân riết thành ra quen mặt, mỗi ngày, tôi cân khoảng 500kg cá tạp, cua các loại đem giao cá mồi cho những ông chủ hầm, bè ở Châu Đốc. Mùa nước nổi là ở bến cầu Tha La xôm như vậy đó”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại bến chợ này, hằng đêm có khoảng 40 chiếc xuồng lớn nhỏ cặp vào bán cá. Họ là những dân nghèo tứ xứ, nhưng phần lớn là dân địa phương tranh thủ đêm xuống đi “săn cá” cá trong mùa nước nổi, đổi lấy cái ăn hàng ngày.

Một đêm đi chợ “âm phủ” - 4
Về đến nhà, dân vạn chài thường tranh thủ ngả lưng sau một đêm "săn cá" mỏi mệt. Sau đó họ đi làm nhiệm vụ bảo vệ đê bao

Anh Thạch Pha ở xã Hòa Lạc, Phú Tân cho biết: “Con lũ năm nay về dữ quá, cá tôm có nhiều đấy nhưng suốt 1 tháng nay người dân chúng tôi cũng “đờ” đi vì phải chống chọi lại với lũ. Ban ngày thì đi đắp đê, đợi đêm xuống thì ra đồng giăng lưới, soi rắn, bắt ốc,… lo cái ăn, vì no bụng thì mới có đủ sức tiếp tục giữ đê chứ. Lũ còn dài mà!”.

Khi trời hừng sáng cũng là lúc anh Hên, ông Ba, anh Pha… cân cá vừa xong, mắt mũi cay xè vì thiếu ngủ. Nhận tiền xong, các anh nổ máy lạch bạch rền vang. Rời chợ “âm phủ”, họ ra về khuất dần trên cánh đồng lũ.

Hà Anh