Mong một lần được trở lại Hoàng Sa

(Dân trí) - Hầu hết những người đã từng công tác ở Hoàng Sa hiện nay đang sinh sống ở TP Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác đều mong muốn được trở lại mảnh đất cha ông thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Phạm Khôi, năm nay đã 70 tuổi (hiện đang sống tại TP Đà Nẵng) đã sống và làm việc ở Hoàng Sa từ năm 1969. Nhiệm vụ của ông ở Hoàng Sa là kiểm soát các tàu thuyền đánh cá ra vào đảo, báo cáo về sở chi huy đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày và sẵn sàng hỗ trợ khi tàu bè gặp sự cố.
 
Mong một lần được trở lại Hoàng Sa - 1
Ông Phạm Khôi, một nhân chứng đã từng sống và làm việc tại Hoàng Sa giới thiệu bản đồ quần đảo do ông sơ phác 

Ông kể ngày ra Hoàng Sa của mình chính là ngày tết ông Táo về trời năm 1969. Lúc đó ông rất hăm hở, háo hức vì mong muốn chinh phục khám phá vùng đất mới của đất nước và vì lý tưởng của người thanh niên đi bảo vệ biển đảo quê hương.

Đón Tết ở đảo thật buồn nhưng vì nhiệm vụ cao cả nên ông đã vui vẻ ra đi. Ở đảo trong những ngày tết, ông cùng đồng đội chỉ biết nghe radio, đi câu cá câu mực, lượm ốc… đem về làm thức ăn hoặc phơi khô đem về đất liền làm quà.
 
Mong một lần được trở lại Hoàng Sa - 2
Người dân Đà Nẵng xem các bản đồ, tài liệu về Hoàng Sa được giới thiệu nhân ngày ra mắt cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa”.
 
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là lần ông câu được một con cá voi to bằng cái tủ. Ông cùng những người khác phải mướt mồ hôi mới kéo được con cá vào bờ. Lần khác, ông câu được một con mực to đến nỗi hai người khiêng không nổi.
 
Cuộc sống xa nhà giữa đảo nên các anh em động viên, an ủi nhau. “Cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng vì mục đích lớn phải bảo vệ đảo, vì vùng đất máu thịt của tổ quốc nên mọi người đều ra sức cố gắng vượt qua”, ông viết trong kỷ yếu. Và ông ước gì mình lại được ra đảo lại một lần nữa thì có chết... cũng sướng.
 
Mong một lần được trở lại Hoàng Sa - 3
Tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được đặt trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Còn ông Lê Lan, năm nay vừa tròn 60 tuổi và hiện sống tại Hội An (Quảng Nam). Ông ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ đảo và phụ trách khám sức khỏe, cung cấp thuốc cho anh em lính địa phương quân đồn trú trong thời gian 3 tháng. Đến năm 1973, ông tiếp tục được cử ra Hoàng Sa công tác.

Ông viết trong kỷ yếu: "Năm ấy tôi 19 tuổi. Chúng tôi lên tàu ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Khoảng 16g chiều hôm trước tàu chạy luôn đêm, đến Hoàng Sa vào 6-7 giờ sáng hôm sau. Những người lên đảo đợt đó có lẽ tôi là người trẻ nhất. Có mặt ở nơi đây, tôi nhớ mãi đó là đợt 45.

Tôi ra đảo để đổi cho đợt 44 đã hết nhiệm vụ. Người đầu tiên tôi gặp là anh Tạ Song - y tá của đợt 44. Cũng như bao người khác, mỗi lần công tác là ba tháng, nhưng có đợt hơn thế nữa vì biển động mạnh tàu không ra được để đổi. Tôi ra đảo với nhiệm vụ là y tá, chữa và cấp thuốc cho anh em gặp phải những chứng bệnh thông thường, còn bệnh nặng báo với đảo trưởng xin tàu chở về đất liền.
 
Mong một lần được trở lại Hoàng Sa - 4
Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải được xây dựng trên đảo Lý Sơn.

Phải nói rằng được công tác tại quần đảo Hoàng Sa là một vinh dự lớn đối với những người lính chúng tôi. Song cũng có ít nhiều lo lắng và băn khoăn. Không biết đến Hoàng Sa sẽ ra sao? Vì Hoàng Sa cách đất liền hàng trăm cây số mênh mông biển nước và ở đó những 3 tháng.

Ngày đầu tiên sống trên đảo thấy thời gian trôi thật chậm. Nhớ gia đình, nhớ bạn bè, đất liền lắm vì hồi đó tôi quá trẻ. Sau thời gian ngắn cuộc sống vui vẻ và thoải mái hơn vì quen rồi.

Mỗi buổi sáng chúng tôi dậy rất sớm, rủ nhau đi tập thể dục. Nói cho oai vậy thôi chứ tập gì. Đi bộ quanh đảo để tìm những chiếc phao thủy tinh mà tàu đánh cá nước ngoài bị đứt trôi dạt vào đảo. Chúng tôi hay gọi là trái bóng, lấy cất sau này đem về đất liền cắt ra làm chậu nuôi cá cảnh. Hoặc tìm đường đi của mấy chú vích (rùa biển) để đêm lấy trứng về cải thiện bữa ăn.
 
Mong một lần được trở lại Hoàng Sa - 5
Những dòng cảm tưởng đầy xúc động của người dân Đà Nẵng gởi gắm vào cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” vừa được ra mắt công chúng.

Anh Hai Song về đất liền có để lại cho tôi một ít dụng cụ câu cá. Ban đêm thì câu ở cầu tàu, ban ngày lội ra bãi san hô câu. Với đồ nghề câu anh Hai Song để lại, tôi đã câu được con cá khế khoảng 15kg. Cá, ốc ở Hoàng Sa rất nhiều.

Hoàng Sa không có núi nên cây cối cũng không lớn lắm. Ngoài dừa, dương liễu, nhãn thì chẳng có cây nào lớn hơn thế. Vậy mà không nắng nóng lắm, chắc nhờ gió biển. Cũng ở đợt này năm ấy có cơn bão lớn đi ngang qua đảo, biển động mạnh, sóng cao như mái nhà.

Sau hai lần công tác ở đảo, điều mà tôi không quên được đó là hai lần công tác tôi đều gặp được ông Võ Vĩnh Hiệp - ông là người của nha khí tượng Sài Gòn đưa ra để làm công tác khí tượng. Ông là người bị dị tật bẩm sinh cả tay và chân, thế mà ông chơi rất hay nhiều loại đàn".

Nếu như thống kê thì ông Hiệp đã sống và làm việc tại Hoàng Sa hơn 30 lần.

Lần thứ hai ông Lan được ra đảo khoảng tháng 10/1973. Đó là đợt 54. Lần đi này ông đã có kinh nghiệm hơn vì đã sống ở đây ba tháng rồi nên cuộc sống vui vẻ thoải mái hơn nhiều.

“Lâu quá rồi tôi cũng không còn nhớ nhiều về Hoàng Sa, về quang cảnh trên đảo. Nhưng ngôi nhà nguyện, miễu Bà, cầu tàu, giếng nước... luôn ở trong tôi. Và đặc biệt là khu nghĩa trang với khoảng 50-60 ngôi mộ của những người đã sống và bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền cho đất nước”, ông Lan nhớ lại.

Còn nhiều nhân chứng khác đã kể về Hoàng Sa với bao nhiêu ký ức của một thời đã từng sống và làm việc như ông Nguyễn Nhự, Ngô Tấn Phát, Trương Văn Quảng… Tất cả họ đều mong mỏi một ngày nào đó chính mình được đặt lại đôi chân của mình lên hòn đảo xinh đẹp và thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Mong một lần được trở lại Hoàng Sa - 6
Nhân chứng Nguyễn Nhự xem cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” mà ông và các đồng đội của mình đã có những dòng hồi ký thật xúc động.

Nhưng có một ngư dân mà cuộc sống của ông gắn liền với vùng biển Hoàng Sa là ông Mai Phụng Lưu (hiện đang sống tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) mà người dân vẫn gọi ông là “sói biển”. Ông là nhân chứng đương đại tiêu biểu cho ý chí bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của nhân dân ta.

Ông viết: 45 tuổi, hơn 25 năm bám biển Hoàng Sa. Với tôi quãng thời gian này đọng lại nhiều vui buồn trong cuộc đời ngư phủ nơi sóng nước Hoàng Sa mênh mông. 4 lần bị bắt giữ, bị tịch thu tài sản, tan gia bại sản nhưng mỗi lần gặp rủi ro tôi lại thấy mình như mạnh mẽ hơn, cứng cỏi hơn bởi một lẽ Hoàng Sa là của ông bà, tổ tiên tôi, nơi ấy có xương máu của ông bà tổ tiên tôi đã đổ xuống đó.
 
Mong một lần được trở lại Hoàng Sa - 7
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng “sói biển” Mai Phụng Lưu vẫn dong thuyền ra biển Hoàng Sa hành nghề đánh cá.

Với “sói biển” Mai Phụng Lưu, trong suốt những năm hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa là từng đảo nổi, đảo chìm, từng gốc cây, rạn san hô, từng con lạch đã trở nên quen thuộc, ăn sâu vào tâm trí ông.

“Trong thâm tâm tôi luôn hối thúc một điều, Hoàng Sa là của cha ông tôi, trong đó ông ngoại tôi cũng là ngư phủ xấu số bỏ xác ngoài Hoàng Sa cho nên dù khó khăn đến mấy cha con tôi cũng quyết không xa rời ngư trường của tổ tiên ông bà mình dù có bị đánh đập tịch thu tài sản hoặc thiên nhiên rủi ro luôn rình rập. Cầu cho trời yên biển lặng để cha con tôi lại tiếp tục đạo sóng ra khơi. Ra biển Hoàng Sa” - “sói biển” Mai Phụng Lưu viết trong cuốn “kỷ yếu Hoàng Sa”.
 
Công Bính