Mối lo ngại mang tên "người Trung Quốc" tại Đà Nẵng!

(Dân trí) - Từ chuyện người Trung Quốc giấu mặt mua đất ở khu vực nhạy cảm, chuyện 300 người lao động Trung Quốc được cấp phép vào Đà Nẵng đến chuyện cửa hàng chăn nệm chỉ tiếp khách Trung Quốc... Những sự việc nối tiếp nhau làm dấy lên mối lo ngại mang tên "người Trung Quốc".

Tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 24 tổ chức sáng 24/9/2015, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, có tình trạng đáng lưu ý là hoạt động mua bán, chuyển dịch đất đai cho người nước ngoài mà ở đây là người Trung Quốc, nổi cộm lên ở các quận ven biển Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà.

Ông Điểu cho rằng cần phải cẩn trọng khi cho phép việc mua bán, chuyển dịch đất đai đối với doanh nghiệp nước ngoài. Việc mua bán người Việt đứng tên nhưng sau lưng lại là người Trung Quốc.

 

Tình trạng người Trung Quốc giấu mặt mua đất ven biển khiến nhiều người lo ngại
Tình trạng người Trung Quốc giấu mặt mua đất ven biển khiến nhiều người lo ngại

Ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, tình trạng mua bán đất “nguy hiểm” như trên đang diễn ra chủ yếu trên đoạn đường Võ Nguyên Giáp ngang qua khu vực sân bay Nước Mặn.

Tại cuộc họp Thành ủy Đà Nẵng diễn ra vào sáng 4/12, ông Đào Tấn Bằng thông tin, qua rà soát, các cơ quan chức năng quận Ngũ Hành Sơn phát hiện 71 cá nhân đứng tên mua 138 lô đất cho người Trung Quốc.

Cũng theo ông Bằng, việc quản lý người nước ngoài trên địa bàn quận đang gặp khó khăn. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 129.000 lượt khách nước ngoài tới quận, trong đó gần 65.000 lượt người Trung Quốc. Khoảng 450 lao động nước ngoài (350 lao động Trung Quốc) đang làm việc ở 10 dự án ven biển Đà Nẵng. Tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh bằng đường du lịch rồi ở lại địa phương làm các công việc khác đang diễn ra khá phức tạp.

Mới đây, theo số liệu của Văn phòng đăng ký đất đai quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), vệt biệt thự sân bay Nước Mặn (đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn) đã có 246 lô đất có người mua. Cơ quan chức năng không xác nhận những lô đất đó có phải do người Trung Quốc đứng đằng sau hay không. Tuy nhiên, người dân rất nghi ngại, bởi trong số những người mua các lô đất này, nhiều người mua 2 – 5 lô, đặt biệt có trường hợp mua tới 12 lô. Trong khi đó những người này hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng không nên bán đất ở tuyến ven biển này cho bất cứ cá nhân nào, bởi những vị trí này đều rất nhạy cảm.

Giữa tháng 11/2015, thông tin Đà Nẵng cấp phép cho 300 lao động Trung Quốc vào "vùng nhạy cảm" cũng khiến nhiều người lo ngại. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho công ty TNHH Sichuan HuaShi được sử dụng lao động là người nước ngoài trên cơ sở điều chuyển từ công ty mẹ (Tứ Xuyên, Trung Quốc) sang thực hiện giai đoạn 2 của khách sạn JW Marriott thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores (chủ công ty này cũng là người Trung Quốc).

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao không ưu tiên cho lao động tại chỗ mà phải đưa từ Trung Quốc sang? Đề nghị bổ sung thêm 650 lao động, trong đó có 350 lao động bản địa mà có tới 300 cán bộ kỹ thuật là người Trung Quốc, chẳng lẽ 1 “cán bộ kỹ thuật” kèm 1 công nhân sao?

Sau đó, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản cáo báo Thủ tướng Chính phủ và khẳng định việc tuyển dụng số lao động trên là đúng quy trình, quy định pháp luật hiện hành.

Ngày hôm sau, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục ra thông cáo báo chí cho biết, việc tuyển dụng lao động là người nước ngoài của Công ty TNHH Sichuan Huashi (Việt Nam) chỉ được tiến hành sau khi Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố không tuyển đủ được lao động là người trong nước cho các vị trí việc làm theo đăng ký.

Và sự việc mới đây là showroom H.A cao su thiên nhiên (trên đường Xuân Thủy, quận Cẩm Lệ) bán chăn, gối, nệm cao su thiên nhiên chỉ đón khách Trung Quốc và “cấm cửa” khách Việt. Người dân sống gần đó nhiều lần muốn vào cửa hàng xem nhưng chỉ cần bước đến cửa là bị chặn lại ngay.

Theo quản lý của showroom này giải thích, công ty có hợp đồng với công ty du lịch đưa khách đoàn đến đây mua sắm. Theo cam kết của công ty với công ty du lịch, không được để cho người ăn xin, bán hàng rong chèo kéo du khách. Vì vậy, khi đang có khách đoàn đông họ không có người dân vào vì sợ những người ăn xin, bán hàng rong trà trộn vào theo.

Sau khi báo chí phản ánh, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra và xử phạt showroom này 15,5 triệu đồng vì kinh doanh có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định và nhập khẩu các sản phẩm cao su nhưng chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng.

Đối với việc "cấm cửa" khách Việt, lực lượng chức năng đã yêu cầu công ty này phải mở cửa đối với tất cả khách hàng đến tham quan, mua sắm, không được chỉ đón khách nước ngoài.

Từ những sự việc liên tiếp nói trên, dư luận đặt câu hỏi: Người Trung Quốc đang làm gì ở Đà Nẵng? Có hay không khả năng hình thành "khu phố Tàu", thậm chí là cộng đồng người Trung Quốc ở Đà Nẵng?

Khánh Hồng