Mở rộng địa giới Đà Nẵng đến biên giới nước Lào?

(Dân trí) - Đó là ý kiến đề xuất của ông Bùi Văn Tiếng – nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng – tại hội thảo “Hợp tác phát triển tiềm năng vùng Tây Bắc Quảng Nam” được tổ chức tại huyện Đông Giang (Quảng Nam) vào cuối tháng 7 vừa qua.

Tại hội thảo này, tỉnh Quảng Nam mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu... để đóng góp ý kiến nhằm đưa khu vực thuộc vùng nghèo nhất của tỉnh Quảng Nam phát triển.

Vùng núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam gồm 4 huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang có dân số trên 157 ngàn người (chiếm 10,8% dân số tỉnh) và chiếm 45% diện tích Quảng Nam.

dsc-0878-334ae
Các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến để phát triển 4 huyện miền núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam

Cả 4 huyện là một tiểu vùng nghèo nhất tỉnh Quảng Nam, có thu nhập đầu người thấp, thấp xa mức bình quân cả nước, chỉ bằng 50-60%; tỉ lệ hộ nghèo, người nghèo còn rất lớn chiếm 40-60% dân cư trong khi cả nước chỉ số này năm 2014 chỉ còn khoảng 6%.

Tuy khu vực này có “rừng vàng” đúng nghĩa với nhiều sông suối, rừng nguyên sinh, nhiều nhà máy thủy điện.... nhưng nguyên nhân nghèo cơ bản vẫn là điều kiện tự nhiên quá khó khăn, rừng nhiều nhưng ruộng đất ít, điều kiện thiên nhiên không thuận lợi cho phát triển công nghiệp; giao thông kết nối kém, đời sống của người dân biệt lập với thế giới bên ngoài...

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm đưa khu vực này thoát khỏi “bóng tối” của đói nghèo.

Theo ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng – nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học – nghệ thuật, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng – trong 4 huyện này của Quảng Nam thì có huyện Nam Giang và Tây Giang có chung đường biên giới với nước bạn Lào.

img-3340-fc76b
Trung tâm huyện lỵ Tây Giang (Quảng Nam), đây là huyện nghèo của tỉnh và giáp với nước bạn Lào

Trong đó huyện Nam Giang có cửa khẩu Nam Giang ở xã La Dê tương ứng với cửa khẩu Đắc Tà Oọc thuộc huyện Đak Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào), huyện Tây Giang có cửa khẩu Tây Giang ở xã Ch’Ơm tương ứng với cửa khẩu Kaleam thuộc huyện Kaleam, tỉnh Sekong (Lào). Đây là hai địa phương có vai trò quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây II sắp được khai thông từ cảng Đà Nẵng đi qua QL14B, 14D đến 2 cửa khẩu nói trên để đến cao nguyen Boloven và tiếp nối đến Chongmek, Nakhon và Bangkok.

Ông Bùi Văn Tiếng cũng cho rằng, một trong những giải pháp để đưa khu vực vùng núi Tây Bắc Quảng Nam phát triển là cần điều chỉnh địa giới hành chính ở khu vực này cho phù hợp với xu thế phát triển mới.

Ông nói: “Tôi đã từng đề cập Đà Nẵng hoàn toàn có thể chia lửa với Quảng Nam, đứng ra gánh vác cho Quảng Nam trách nhiệm phát triển các huyện miền núi như Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang; từ đó hoàn toàn có thể nghĩ tới một tương lai không xa, bộ đội biên phòng Đà Nẵng sẽ đảm đương thêm nhiệm vụ bảo vệ biên cương trên tuyến biên giới Việt – Lào. Ý tưởng này ngày càng trở nên khả thi trong bối cảnh tuyến hành lang kinh tế Đông Tây II sắp được khai thông”.

“Nếu sau khi cấp có thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính dẫn đến Đà Nẵng được giao quản lý ba huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang thay cho Quảng Nam thì Quảng Nam sẽ nhẹ gánh hơn vì có điều kiện tập trung chăm lo các huyện miền núi khác của tỉnh, còn Đà Nẵng sẽ nặng gánh hơn do phải mở rộng phạm vi quản lý trên một vùng lãnh thổ lớn hơn nhiều so với hiện nay”, ông Bùi Văn Tiếng cho biết.

Ông Bùi Văn Tiếng cũng cho rằng, ba huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang có đồng bào Cơ tu, Cor... với tư cách công dân một thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng chắc chắn sẽ có điều kiện cải thiện đáng kể hơn đời sống vật chất và tinh thần, được chăm sóc y tế và giáo dục chu đáo hơn và sẽ có điều kiện bảo tồn tốt hơn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tại hội thảo này, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, nếu cứ tiếp tục phát triển khu vực này như hiện nay là vẫn dựa vào phương thức nông nghiệp – nông thôn – nông dân cổ truyền, bám chặt lấy rừng, phát triển tự cấp, tự túc, ít liên kết với bên ngoài thì chúng ta sẽ không thể trông đợi gì ở một sự thay đổi mang tính đổi đời thực sự.

Các chuyên gia cho rằng cần xác định mục tiêu ưu tiên phát triển ngành gì, lấy ngành nào làm mũi nhọn để kêu gọi đầu tư; khu vực này cần phải liên kết lại và chọn doanh nghiệp lớn để đầu tư; trong đó lấy ngành du lịch, nông – lâm nghiệp làm mũi nhọn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các chuyên gia cũng thống nhất đề xuất xin Trung ương cơ chế đặc thù cho 4 huyện miền núi này như các tỉnh Tây Nguyên.

Công Bính