Hà Nội:

Miếu “hai cô” - chuyện thực hay hư…

(Dân trí) - Chuyện miếu “hai cô” linh thiêng ở ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học đã thu hút rất đông người đến cúng bái. Miếu “hai cô” có từ bao giờ? tại sao cơ quan chức năng đã nhiều lần dẹp bỏ mà người đến cúng bái vẫn đông?

Việc cúng bái tồn tại hàng chục năm nay

 

Trước rằm tháng 7, chúng tôi tìm đến miếu “hai cô”. Gọi là miếu “hai cô” nhưng chúng tôi không thấy có miếu mà chỉ có nến, hương, hoa và 1 cái khay đựng tiền lễ đặt trên vỉa hè, xung quanh là rào chắn.

 

Được biết, lâu nay người đến miếu “hai cô” cúng bái rất đông, họ xếp hàng làm lễ trên vỉa hè, lòng đường, xe thì dựng ngổn ngang, cùng với hoạt động buôn bán lễ lạt trên vỉa hè đã gây ách tắc giao thông và làm mất trật tự nơi công cộng nên chính quyền sở tại đã cho dẹp bỏ và lập rào chắn barie ở điểm cúng bái này. Tuy nhiên, sau khi điểm cúng bái bị dẹp bỏ nhiều người dân vẫn đến đây làm lễ vào buổi tối, nhất là vào ngày rằm và mùng 1.

 

Tại đó, bà Dung và bà Thao đã nhiều năm theo “hầu” miếu “hai cô”. Bà Dung kể rằng miếu này đã có từ rất lâu, thiêng lắm! Cầu gì được nấy! Nhưng vì miếu không thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người đến cúng lễ lại đông nên chính quyền cho phá bỏ. Thế nhưng, ngày nào cũng vậy, bà Dung và bà Thao trông nom ở miếu “hai cô” từ 19h đến 3h sáng, vào thời gian này người dân đến cúng bái nhiều.

 

Đến miếu "hai cô" mỗi người có 1 mục đích: người cầu duyên, người cầu tài, cầu lộc, cầu làm ăn, cầu học hành, cầu bình an, có người thì lại kêu oan, người vì mất tiền, cầu lô đề và có cả người đến miếu để bày tỏ nỗi lòng u uất của mình… Tuy nhiên, bản thân người đến cúng bái cũng không biết nhiều về miếu “ hai cô” và họ có những cách hiểu khác nhau.

 

Bác T (quận Hai Bà Trưng) cho biết là nghe người ta nói là miếu thiêng lắm nên cũng đến làm lễ. Nhưng tại sao gọi là miếu “hai cô” thì bác cũng không rõ.

 

Còn chị Tr (ở Cát Linh) thì lại rất quan tâm: “ …miếu “hai cô” thiêng lắm! Ngày nào chị cũng đến miếu cúng. Hôm nào có nhiều thời gian thì sắm lễ còn hôm nào vội thì chị đặt tiền và thắp hương”.

 

Như 1 người có kinh nghiệm, chị Tr còn hào hứng chỉ dẫn cách cúng, cách “kêu” cô như thế nào, phải khấn ra sao… Nhưng khi được hỏi là miếu có “thiêng” thật hay không thì chị Tr ngập ngừng: “nói thiêng thì vô cùng lắm!”

 

Người đến miếu không chỉ có đàn bà mà cả đàn ông, thanh niên, học sinh… Nhiều người tỏ ra rất hiểu biết trong chuyện cúng bái và mỗi người có một cách cúng khác nhau với những lời cầu khấn đại loại như: Con thành tâm xin phù hộ độ trì cho con gặp nhiều may mắn, buôn tươi bán tốt, … hay xin phù hộ độ trì cho con tìm lại được số tiền bị mất, lấy được người mình yêu thương… Cũng như việc cúng bái ở nhiều nơi khác, nếu ai không biết “kêu” cô thì có thể nhờ các bà “hầu” miếu kêu cho.

 

Anh B (ở Thanh Xuân) tin tưởng: “Muốn xin điều gì thì cứ nhờ các bà ấy kêu cho, các bà ấy kêu có bài có bản và rành mạch lắm!”

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều người không tin là miếu thiêng và không đồng tình về việc cúng bái ở đó vì như vậy làm mất mỹ quan của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và mất trật tự đô thị.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Quý Luận (Phó trưởng công an phường Quốc Tử Giám) cho biết: khoảng năm 1973 - 1974, tại ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học có 2 cô gái nhảy tàu điện và chết. Sau đó người dân lập miếu thờ ở trong tường rào Văn Miếu (thuộc khuôn viên của Văn Miếu), nhưng người dân lại không vào bên trong thắp hương mà lập một bát hương ở ngoài tường rào khuôn viên Văn Miếu để thờ cúng. Trước kia, ở khu vực đó còn có 1 cây gạo nên những người tin thờ vin vào cớ đó để duy trì việc cúng bái (ông Luận cho biết đây là những thông tin được đồng nghiệp trao đổi lại khi về nhận công tác tại phường năm 1998).

 

Vào ngày rằm và mùng 1, người dân đến cúng lễ rất đông! Khi đến cúng lễ họ có những vi phạm như: để xe máy dưới lòng đường, hương hoa thì để trên vỉa hè, đốt vàng mã… gây mất trật tự, tắc nghẽn giao thông nên tháng 7/2008 phường phải lập rào chắn barie và động viên, nhắc nhở người dân không đến thắp hương ở đó. Đến nay, số người đến cúng bái đã giảm được 80%.

 

Để giải quyết tình trạng cúng bái ở miếu, chúng tôi còn tiến hành thu giữ, xử lý hoạt động buôn bán vàng mã ở địa chỉ số 4, Tôn Đức Thắng (bán vàng mã cho người đến miếu “hai cô” cúng lễ). Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến tín ngưỡng nên để giải quyết được tận gốc là rất khó!- ông Luận cho biết thêm.

 

Không có miếu “hai cô” trong sử liệu của Hà Nội

 

Dù chính quyền đã dẹp bỏ và lập rào chắn barie nhưng người dân nhiều nơi vẫn đến cúng bái ở miếu “hai cô”. Tại sao lại như vậy?

 

Miếu “hai cô” - chuyện thực hay hư… - 1
Để tìm hiểu về tích miếu “hai cô”, chúng tôi tìm gặp các bậc cao niên ở Hà Nội và đặc biệt là nhà văn Băng Sơn (ảnh), một người tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc về lịch sử, văn hoá Hà Nội xưa và nay; một người đã sống, gắn bó và chứng kiến nhiều nét đổi thay của Hà Nội. Nhà văn Băng Sơn và cùng một số bậc cao niên sống lâu năm ở Hà Nội kể:

 

Trước đây, tại ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học xảy ra 1 vụ tai nạn tàu điện chết người và nạn nhân là 1 người đàn ông ngoài 40 tuổi. Thương cho thân phận của người đàn ông xấu số nên người dân sinh sống ở đây thường đến thắp hương. Thế rồi những năm tháng sau, người dân đến thắp hương ngày càng đông.

 

Thực tế, chưa bao giờ có 2 cô gái bị tai nạn tàu điện và chết, người dân cũng không lập miếu thờ cúng người chết ở đó. Trong sử liệu của Hà Nội xác định rõ khu vực này chưa bao giờ có miếu “hai cô” và không hề có 1 công trình xây dựng nào như vậy. Còn cây gạo ở khu vực cúng bái là có thật, nhưng cây gạo đã tồn tại ở đó trước khi người đàn ông bị chết vì tai nạn tàu điện.

  

Châu Như Quỳnh