Mẹ không về Tết…

(Dân trí) - Sáng 30 Tết, vợ chồng anh Phúc chị Thủy vẫn ôm đồm với hai xe rau cùng xe trái cây chất đầy. Năm nào cũng vậy, chiều tối họ mới kết thúc công việc trở về phòng trọ. Đã 5 cái Tết, hai đứa con của anh chị ăn Tết không có bố mẹ…

Quê anh chị ở Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Anh vào Sài Gòn kiếm sống đã hơn mười năm, sau đó kéo luôn vợ vào làm ăn. Họ đã trải qua đủ nghề như phụ hồ, bán mỳ Quảng… sau đó chuyển sang đi bán hoa rau quả dạo. Trải qua thời gian có tuổi trong nghề, họ đã dựng được “cơ ngơi” buôn bán là một địa điểm bán hàng tại rìa chợ Ngã Tư Ga (Q.12) được khá nhiều khách biết đến.

Mẹ không về Tết… - 1

Đã 5 cái Tết, chị Thủy không về quê

Sinh được hai đứa con nhưng đứa nào cũng chỉ đến nửa tuổi là anh chị gửi con về quê nhờ ông bà ngoại chăm. “Trong này vợ chồng làm từ sáng đến tối, lấy ai trông. Nuôi con trong này đắt đỏ mà mình lại là dân tứ xứ, cháu đi học cũng khó nên đành gửi ông bà”.

Cả năm dằng dặc xa con, xa nhà, ngày Tết ngỡ là cơ hội gia đình sum vầy nhưng năm mới sát vách anh chị vẫn đang tất tả ngoài chợ. Tàu xe đi lại dịp Tết đắt đỏ, trong năm đây là dịp kiếm thêm thu nhập nên anh chị phải tranh thủ. Tết xa con cũng quen nhưng thấy các bà mẹ dắt trẻ đi sắm Tết chị Thủy lại mủi lòng. “Đêm qua con bé Hồng gọi điện khóc ầm đòi bố mẹ. Năm ngoái cháu nó mới 4 tuổi mà còn theo xe khách vào đây ăn Tết”, chị cho hay.

Cách đây vài hôm, chị Thủy mua mấy chiếc áo ấm gửi về cho ông bà, cho con vì ngoài đó trời rét. Anh chị ở trong này đón Tết hết sức đơn giản. Ngập đầu đến tận chiều tối 30, họ trở về phòng trọ đón giao thừa bằng… một giấc ngủ thật đã. “Vợ chồng không sắm sanh chi, ra tết em thu xếp về với con nên phải phải tiết kiệm”, chị nói.

Sợ mẹ con gặp nhau mà như người lạ

Lâu nay, thường người ta chỉ nghe đến cụm từ: “Tết này con không về!”, nói đến hoàn cảnh của những người xa nhà vì điều kiện không thể về đón Tết ở quê hương với cha mẹ. Ít ai biết đến không ít người bố người mẹ xa quê mưu sinh cũng không thể về quê đón Tết với con. Họ hy sinh ngày Tết, nỗi khát khao nhớ quê, nhớ con của mình với mong muốn con được no đủ hơn. Có những người mẹ, người bố dằng dặc nhiều năm không nhìn thấy con, trong họ có thêm nỗi lo con nhìn mình như… người lạ.

Mẹ không về Tết… - 2

Biết bao ông bố mà mẹ vì gánh nặng mưu sinh không thể về quê đón Tết với con cái

“Ba năm rồi vợ chồng em chưa gặp cháu, bây giờ cháu đã 5 tuổi. Gặp không biết con có chịu cho mẹ bế không nữa”, chị Lê Thị Tuyết, quê ở Nam Định, công nhân tại một xí nghiệp dày da trên địa bàn huyện Bình Chánh cho hay. Cách đây 3 năm, khi con chập chững biết đi, họ phải gửi cháu về quê nhờ ông bà chăm. Và cũng từng ấy thời gian, họ chưa gặp lại con chứ chưa nói gì đến dịp Tết nhất.

Chị làm công nhân, anh đi bốc vác, với họ đủ để sống và có tiền gửi về quê cho ông bà đã hết sức chật vật. Một chuyến xe từ Nam ra Bắc với họ là cả một ước mơ mà ba năm nay chưa thực hiện được.

“Tôi chỉ nhìn cháu qua vài bức ảnh bà ngoại gửi vào. Nhiều khi vợ chồng ngồi bên mâm cơm, ứa nước mắt vì nhớ cháu. Nhất là mỗi khi nghe tin cháu ốm đau, mình lo đứng lo ngồi mà không thể ôm con vào lòng được”, chồng chị Tuyết tâm tư.

Những ngày gần Tết nghỉ làm, chị Tuyết lại theo chồng đi bốc vác. “Em đang tằn tiện để cuối năm nay về với cháu, năm tới cháu vào lớp một rồi. Chỉ lo rằng mẹ con nhìn nhau mà xa cách như người lạ”.

Chị Nguyễn Thị Hòa, quê ở Yên Dũng (Bắc Giang) vào TPHCM kiếm sống tròm trèm đã 20 năm. Chồng bỏ theo người khác khi cô con gái còn rất nhỏ nên chị phải gửi con cho bà ngoại nuôi khi cháu mới lên hai. 5 năm sau ngày đó, chị mới thu xếp về quê được. “Lúc đó, cháu nhìn tôi trần trần. Bà nói lại với mẹ đi, cháu lắc đầu, nói tôi không phải là mẹ”, chị nhớ lại.

Mẹ không về Tết… - 3

Với họ chuyến xe về quê với con là cả một ước mơ không dễ thực hiện

Bây giờ con gái chị đã là sinh viên, chị vẫn tần tảo với công việc đi thu mua đồng nát ở xa quê kiếm tiền nuôi con, nuôi mẹ già. “Cháu lớn rồi nên đã hiểu và chấp nhận mẹ. Nhưng vì không ở gần nhau nên giữa mẹ và con gái, dù nhớ nhung, yêu thương gấp nhiều lần người ta mà vẫn cứ có khoảng cách vô hình”.

Mới đây chị lại gọi điện thông báo: “Tết này mẹ không về!”, con gái chị nhắc mẹ giữ sức khỏe cùng tiếng thở dài. “Không có bố, chỉ còn mẹ nhưng vì cuộc sống mưu sinh, tình cảm mình dành cho con cũng không được trọn vẹn”.

Tết năm nay, cùng với một số người cùng cảnh, chị đón Tết ở khu phòng trọ ở gần bến xe An Sương. “Mọi người về quê hết nên khu trọ vắng vẻ lắm! Mình đi ra đi vào càng thấy buồn. Nhớ con, nhớ căn nhà nơi mình sinh ra mà rồi mình phải sống phiêu bạt thế này”, giọng chị diết da.

Cùng vì buồn lại phải lo kiếm sống từng ngày nên chị chỉ nghỉ vào ngày mùng Một, sang mùng 2 lại bắt tay vào công việc nhặt rác…

Bài và ảnh:Hoài Nam

Dòng sự kiện: Chào Xuân Tân Mão 2011