Nghệ An:

“Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em theo...”

(Dân trí) - "Để được đến trường đều đặn, cách duy nhất là phải cõng em tới lớp mỗi khi cha mẹ lên nương rẫy. Các em muốn tìm chữ thì phải cõng em theo thôi", thầy Lữ Văn Sơn chia sẻ về những học sinh vừa ngồi học vừa bế em của mình.

“Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em theo...”

Để vào được Huồi Mới 1 (Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An) chỉ có một con đường duy nhất là băng rừng, vượt suối rồi men theo con đường nhỏ vừa một người đi, vượt qua đỉnh núi Bù Hốc cao gần 1.000m so với mặt nước biển. Phương tiện để vào Huồi Mới 1 là xe máy hoặc đi bộ, tùy thuộc vào thời tiết nắng hay mưa. Nếu trời mưa, cuốc bộ là an toàn nhất nhưng phải mất một buổi ròng rã không nghỉ. Nếu gặp trời nắng có thể đi xe máy nhưng phải vượt qua những con dốc dựng đứng, gấp khúc như khuỷu tay, một bên là vực sâu chực chờ.

Du khách vừa tới Huồi Mới 1 sẽ thấy ngay Trạm biên phòng Huồi Mới thuộc ĐBP 519 và cách đó không xa là trường Huồi Mới 1 nằm cạnh con suối nhỏ. Thầy Lữ Văn Sơn đang giảng bài cho các học sinh hồ hởi khi thấy có khách tới thăm. Thầy Sơn cho biết trường được thành lập từ năm 1981, hơn 30 năm tuổi - một con số đáng trân trọng ở một bản vùng cao biên giới. Nhưng cả bản chỉ có 4 em học đại học. Ở đây cái khó nhất là động viên được các em tới trường vì đời sống quá khó khăn, nhiều em đi học còn bế cả em theo.

Quả thật ấn tượng nhất tại 5 lớp học của trường là hình ảnh những học sinh vừa học bài vừa dỗ em. Cha mẹ các em lên rẫy, anh chị muốn đến trường thì phải bế em theo. Có những em nhỏ ngồi trong lớp chỉ nghe được thầy giảng bài chứ không thể viết bài vì tay còn bận bế ẵm, dỗ dành em, thậm chí bị em giằng mất bút, vở... “Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em đi cùng, nếu không thì ở nhà”, em nhỏ Và Y Dìa e thẹn tâm sự.
 
Mong một ngôi trường khang trang

Cuộc sống của người H'Mông ở bản Huồi Mới 1 còn rất nhiều khó khăn nên nhiều em hàng ngày phải theo cha mẹ lên nương, lên rẫy kiếm sống. Để có trường, có lớp, có học sinh, các thầy đã phải đến từng gia đình vận động các em đến lớp. Nhiều em đi học được một thời gian lại bỏ học lên nương.

Thầy Lô Đức Sơn đã có 4 năm gắn bó với nơi này, tâm sự: cái khó nhất là các em ở Huồi Mới 1 không biết tiếng phổ thông nên vừa phải dạy tiếng phổ thông, vừa dạy cả tiếng mẹ đẻ. Sách vở và đồ dùng học tập còn nhiều thiếu thốn. Nhiều em được cấp sách vở, đồ dùng rồi lại không biết cách giữ gìn nên hư hỏng, bị xé hoặc đem đốt. "Ở ngôi trường nhỏ bé này khổ nhất vẫn là ngôn ngữ giữa các em và thầy giáo. Ở đây 100% các em đều là học sinh dân tộc H'Mông. Các em từ lớp 1 đến lớp 3 và thậm chí lớp 4, lớp 5 cũng ậm ừ tiếng Việt nên trong học tập, giảng bài khó khăn lắm. Là người thầy ở đây chúng tôi gắng hết mình để các em hiểu được tiếng Việt nhiều hơn...", thầy Sơn chia sẻ.

Thầy Lô Đức Sơn cho biết thêm cảnh học sinh nghèo, nắng cũng như mưa, nóng cũng như rét, chỉ độc một bộ quần áo tới trường. Trường học ở đây cũng đang xuống cấp trầm trọng. Thầy Sơn mong một ngày có ngôi trường khang trang hơn. Chỗ ở cho 4 giáo viên cũng vô cùng xập xệ, đến chiếc giường ngủ cũng không tử tế, cánh cửa cũng không...

Khó khăn là vậy nhưng các thầy ở đây vẫn cố gắng bám trụ chỉ với một mong muốn là không để các em trong bản phải thất học.
 
Hình ảnh học sinh Huồi Mới 1 ám ảnh ống kính phóng viên Dân trí: 
 
“Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em theo...”
Và Y Dìa bế em cùng đến lớp học.
  
“Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em theo...”
Đông cũng như hè, các em đều chỉ có một bộ quần áo
 
“Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em theo...”
Một em nhỏ theo chị đến lớp học.
  
“Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em theo...”
Một mẩu gỗ làm đồ chơi cho em ngoan, để chị học bài
   
“Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em theo...”
“Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em theo...”

Ngôi trường hơn 30 năm tuổi!
 
“Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em theo...”
 
“Mẹ dặn muốn đi học thì phải bế em theo...”
Toàn cảnh Trường tiểu học Huồi Mới 1.
 
 
Nguyễn Duy