1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng:

Mất sự thiêng liêng, tết chỉ còn là sự kiện

Ngày xưa, tết đến từ từ, tích cóp trong mỗi công việc thường ngày của người dân. Còn bây giờ, tết đến như một sự bỗng nhiên. Muốn chưng hoa, kiểng thì ra chợ mua một mớ hoa, một vài chậu kiểng, như vậy là hưởng thụ cái "thành tựu" của người ta.

Còn ngày trước ở quê muốn chưng hoa, kiểng ngày tết là cả một quá trình chuẩn bị từ mấy tháng trước như: kiếm giống các loại hoa thược dược, vạn thọ, cúc... rồi gieo trồng, chăm bón, cắt tỉa, chọn lựa cây nào, khóm nào, bụi nào để chưng tết. Tết xưa đến như vậy đó, từ từ, rất sớm.

 

Bản thân tết vốn là một lễ hội với đầy đủ hai trục ý nghĩa: trục thiêng liêng tâm linh theo chiều đứng và cộng đồng theo chiều ngang. Trên trục thiêng, con người kết nối với vũ trụ, và chiều cộng đồng kết nối con người với nhau, sắp xếp lại các mối quan hệ được và chưa được hằng ngày.

 

Khi đời sống duy lý chiếm phần lớn cuộc sống, lễ tết sẽ bị giảm thiểu phần thiêng, và người ta chỉ còn chú ý đến trục cộng đồng: lo nghĩ về các mối quan hệ với bạn bè, cấp trên; lo tiền lương, tiền thưởng…; những công việc, chức quyền chiếm phần lớn trong tâm trí. Một cây mai, một gói mứt, một khúc giò lụa, cũng chạy ngay ra chợ mà mua. Tết chỉ còn là sự kiện chứ không phải là quá trình.

 

Để cân bằng hai chiều ý nghĩa của tết, cần phải nhận ra sự tinh tế trong quá trình phát triển văn hóa: Một là, phải nhận diện rõ những dấu hiệu mới mẻ, tiến bộ để phát triển, và những tinh hoa truyền thống còn lại chút ít để giữ gìn và phát huy. Phát triển văn hóa đúng, không chỉ riêng cái tết, mà văn hóa đương đại nói chung sẽ là một chỉnh thể truyền thống - hiện đại hài hòa.

 

Lam Điền
Báo Tuổi Trẻ