Mất cha, nợ chất hàng chục triệu do bác sỹ tắc trách?

(Dân trí) - Hai tháng nay, gia đình chị Phan Thị Huê (Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn chưa thể nguôi ngoai sau cái chết của bố chị là ông Phan Công Bình. Gia đình cho rằng bác sỹ Bệnh viện K chưa làm hết trách nhiệm khiến họ thiệt người thiệt của.

Bệnh nhân nghi ung thư, chỉ chụp phim rồi thôi?

Đã hơn 2 tháng nay, người nhà ông Phan Công Bình (SN 1954, ở thôn Thọ Lộc - Vạn Trạch - Bố Trạch) một mặt đau khổ vì cái chết đột ngột của ông, một mặt chưa nguôi bức xúc vì cho rằng Bệnh biện K (Hà Nội) đã thiếu trách nhiệm khiến ông Bình mất mạng còn gia đình phải vay giật hàng chục triệu đồng để chạy chữa trong vô vọng.

Sau khiều lần gửi thư tới Bệnh viện K nhưng cho rằng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, gia đình chị Phan Thị Huê (con gái ông Bình) đã gửi đơn thư đến Báo Dân trí phản ánh sự việc. 

Theo đơn của chị Huê, tháng 11/2008, ông Bình phát bệnh và được đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình) để chụp phim. Nghi bệnh nhân bị u đầu tụy, bệnh viện đã ký giấy chuyển viện, giới thiệu ông Bình ra Bệnh viện K - bệnh viện đầu ngành về ung thư - để làm các xét nghiệm cần thiết, xác định bệnh trạng theo hướng nghi ung thư.

Tuy nhiên, ngày 3/12/2008, Bệnh viện K chỉ cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính (CT), kết luận không thấy u đầu tụy, không có hạch, dịch và các tạng ổ bụng đều bình thường ngoài hình ảnh đa nang nhỏ có thành vôi hóa ở thận trái. Bệnh viện đã kê đơn một số loại thuốc cho ông Bình về nhà điều trị nhưng bệnh tình ông Bình càng lúc càng nặng thêm.
 
Mất cha, nợ chất hàng chục triệu do bác sỹ tắc trách? - 1

Bệnh viện K chỉ chụp CT rồi cho thuốc một lần dù bệnh viện tuyến dưới đã nghi ung thư.

Anh Trần Tuyên Phước - chồng chị Huê, người trực tiếp đưa bố vợ ra Bệnh viện K - cho biết: “Khi thấy bệnh viện chỉ chụp phim một lần và không có động thái gì nữa, tôi đã trăn trở hỏi đi hỏi lại nhiều lần bởi các bệnh viện tuyến dưới và các phòng khám tư đều nghi ung thư.

Nhưng tôi được bác sỹ động viên, thậm chí còn khuyên mổ heo ăn mừng vì không bị ung thư nên yên tâm đưa bố về nhà uống thuốc. Nhưng sau đó bệnh tình càng nặng, gia đình quá lo nên đưa bố đi khám ở BV Trung ương Huế thì các bác sỹ đều kết luận dấu hiệu ung thư quá rõ ràng, đã đến giai đoạn di căn”.

Theo chị Huê và anh Phước, sau khi điều trị 10 ngày, mặc dù đã được các bác sỹ kê đơn toàn thuốc bổ và xác định tư tưởng với gia đình là ông Bình khó qua khỏi nên cho ông tĩnh dưỡng để kéo dài được ngày nào tốt ngày đó. Nhưng người trong gia đình vẫn luôn trăn trở bởi suy nghĩ “Bệnh viện K đã nói không ung thư thì sai sao được” nên đã đưa ông đi chụp phim, xét nghiệm ở nhiều phòng khám tư khác nhau và đều được chẩn đoán ung thư.

Đầu tháng 3/2009, khi ông Bình đã rất yếu với hàng chục hạch lớn nhỏ nổi khắp người, gia đình vẫn định đưa ông đi khám lần nữa nhưng chính ông ngăn cản vì sợ chết dọc đường đi. Đến ngày 13/3, ông Bình chết.

Câu trả lời đầy mâu thuẫn của Bệnh viện K

Qua bức xúc trước cái chết quá nhanh của ông Bình, gia đình ông đã có thư gửi Bệnh viện K yêu cầu có câu trả lời thỏa đáng về quy trình khám bệnh và kết luận chụp CT. Theo ông Hoàng Quang Hồng - người trong họ hàng của ông Bình, người đứng tên viết thư - thì ít ngày sau khi ông gửi thư, một người xưng là bác sỹ Đào Thành Lâm - người chụp CT cho ông Bình ở Bệnh viện K gọi điện từ số máy 0913.377xxx để xin lỗi gia đình.

Sau đó, người này có gửi cho một người ở gần chỗ ông Bình 200.000 đồng gọi là tiền thắp hương cho ông Bình trước khi tiếp tục gọi điện có ý xin gia đình viết giấy “thông cảm”. Tuy nhiên, gia đình vẫn giữ quan điểm cần câu trả lời chính thức của bệnh viện.

Ngày 24/4, gia đình nhận được công văn trả lời từ bệnh viện này, với nhiều nội dung mâu thuẫn, có dấu hiệu không trả lời thắc mắc chính của gia đình ông Bình.
 
Mất cha, nợ chất hàng chục triệu do bác sỹ tắc trách? - 2

Công văn trả lời mà gia đình cho là không thỏa đáng và trốn tránh sự thật của bệnh viện K.

Trong công văn do ông Đặng Thế Căn - Phó GĐ bệnh viện này - ký có đoạn cho rằng: Đây là trường hợp rất khó chẩn đoán và phức tạp. Do tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện K với chẩn đoán u đầu tụy nên Bệnh viện K cần xác định có u đầu tụy hay không nhưng trên phim CT cho thấy không phải viêm đầu tụy.

Đến nay vẫn chưa rõ ông Bình có phải chết vì u đầu tụy hay không, nhưng việc ông Bình bị ung thư đến giai đoạn di căn thì đã khá rõ.

Nhưng điều mà gia đình nạn nhân thắc mắc, bất bình là ở quy trình làm việc của bệnh viện được coi là đầu ngành về ung thư như bệnh viện K khi gặp một ca nghi ung thư, tiên lượng phức tạp.

Theo quy trình thông thường, khi gặp một trường hợp “khó chẩn đoán và phức tạp” (như cách bệnh viện K trả lời với gia đình ông Bình) thì các bác sỹ sau khi khám, chụp phim, v.v… có thể cho đơn điều trị thăm dò, nhưng cần theo dõi và làm thêm những xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác bệnh.

Đằng này, Bệnh viện K không hề giải thích và hẹn khám lại, và trong đơn trả lời còn “nại” ra một lý do mang tính suy diễn là “có thể do điều kiện ở xa đi lại khó khăn, thấy bệnh nặng nên gia đình đã không đưa nạn nhân quay lại”. Anh Phước bức xúc: “Bệnh viện “chẩn đoán” rằng gia đình ở xa nên không quay lại, nhưng ai hẹn mà chúng tôi biết để quay lại? Bệnh viện K có biết chúng tôi không quay lại bệnh viện, nhưng phải chạy tới nhiều bệnh viện khác để khám mất tới 20 triệu đồng mà bệnh viện nào cũng chẩn đoán ung thư?”.

Hơn nữa, sau khi giải thích đây là trường hợp “khó chẩn đoán và phức tạp”, Bệnh viện K lại cho rằng sau khi xem xét và hồi cứu hồ sơ, “trường hợp này (ông Bình - PV) khi đến khám đã là ung thư ở giai đoạn di căn lan tràn, không thể điều trị triệt căn khỏi bệnh chỉ có thể điều trị triệu chứng, tiên lượng xấu”.

Điều này xem ra mâu thuẫn với lý giải ở trên, và hoàn toàn trái với kết quả chụp CT của bác sỹ Lâm bởi lẽ một bệnh viện đầu ngành về ung thư lại không thể chẩn đoán được ung thư ở giai doạn di căn (giai đoạn cuối), và nếu di căn lan tràn thì tại sao kết quả chụp CT lại cho rằng “không có hạch, dịch ổ bụng” và “các tạng ổ bụng còn lại bình thường”?

Gia đình nạn nhân cho rằng, cách trả lời của Bệnh viện K đã không nhìn thẳng sự thật. chị Huê cho biết: “Nghe người ta nói bị ung thư đằng nào cũng chết, có lẽ ba tôi chết cũng là cái số. Nhưng cái chúng tôi cần là sự thật, là câu trả lời thẳng thắn của bệnh viện về quy trình làm việc đã đúng chưa. Ngoài ra, Bệnh viện K cần hỗ trợ gia đình các khoản phát sinh từ việc năm lần bảy lượt đưa ba đi khám, chụp phim ở các bệnh viện khác sau khi từ viện K về để xác định ba bị ung thư hay không”.

Câu trả lời cho chị Huê và gia đình có lẽ chỉ có được từ chính Bệnh viện K.

Hồng Kỹ