Lửng lơ hiểm họa trên núi Cấm

Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang cảnh báo do bị nước mưa đào xói, kết cấu bề mặt không ổn định nên có thể sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở đá ở núi Cấm.

Lửng lơ hiểm họa trên núi Cấm

Hiện trường vụ sạt lở ở núi Cấm vẫn còn ngổn ngang
 
Lãnh đạo tỉnh An Giang sáng 7/5 đã có buổi làm việc với chính quyền, cơ quan chức năng huyện Tịnh Biên bàn biện pháp  khắc phục hậu quả vụ sạt lở đá ở núi Cấm (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) làm 6 người chết, 2 người bị thương vào ngày 5/5. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Hầu, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tịnh Biên, cảnh báo nguy cơ sạt lở đá ở khu vực này vẫn có thể xảy ra…

 

Nguy cơ sạt lở cao

 

Ông Nguyễn Thanh Hầu thừa nhận qua khảo sát thực tế cho thấy tại địa điểm xảy ra vụ sạt lở, hiện vẫn còn khá nhiều tảng đá nằm cheo leo rất nguy hiểm. Đặc biệt,  khả năng sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp do đang vào mùa mưa. Với hiện trạng như thế nên việc thi công khắc phục sự cố sẽ mất rất nhiều thời gian và phải làm một cách hết sức cẩn trọng.

 

Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang cho biết hiện khu vực xảy ra sạt lở còn 5 tảng đá lớn có đường kính 2-6 m và nhiều tảng đá khác nằm dọc theo đường dẫn lên núi Cấm. Các tảng đá nằm cách mặt đường 10-30 m có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

 

Còn theo đại diện Công ty CP Phát triển Du lịch An Giang, các tảng đá “mồ côi” còn khá nhiều và nằm chênh vênh trên đỉnh. Do đó, cần có kế hoạch dọn sạch những tảng đá này, sau đó mới có thể cho khách du lịch và người dân lên xuống núi trở lại.

 

Khẩn trương khắc phục

 

Chiều cùng ngày, Sở GTVT tỉnh An Giang cũng đến hiện trường vụ sạt lở đá trên núi Cấm để khảo sát và cùng thống nhất về phương án khắc phục sự cố. Theo đó, Sở GTVT đề nghị UBND huyện Tịnh Biên có trách nhiệm chính trong việc giám sát quá trình khắc phục sự cố; các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phải thực hiện việc thi công càng sớm càng tốt nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối.

 

Ông Nguyễn Hữu Duẫn, Giám đốc Công ty TNHH Hữu Duẫn, đơn vị được ký hợp đồng thi công chẻ đá tái lập giao thông đường chính lên núi Cấm, cho biết từ sáng nay, 8-5, công ty sẽ cử 20 công nhân leo lên đỉnh nơi sạt lở để thực hiện việc dọn dẹp hiện trường. Đối với tảng đá to nằm cheo leo rất dễ lăn sẽ được chẻ nhỏ ra từng mảnh và dùng đòn bẩy đẩy xuống chân núi.

 

Để hạn chế các khối đá “mồ côi” có thể lăn xuống trong quá trình thi công, các tảng đá đã rơi xuống trước đó sẽ được dùng làm tường chắn phía dưới để hứng đỡ. Theo ông Duẫn, thời gian hoàn thành dự kiến đến cuối tháng 5.

 

UBND tỉnh An Giang cũng đã chấp thuận giao Sở Tài nguyên - Môi trường cùng với UBND các huyện có núi như Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn tiến hành khảo sát, kiểm tra lại các khu vực có dân cư sinh sống quanh núi cũng như các điểm có nguy cơ sạt lở nhằm khắc phục triệt để.

 

Theo Thốt Nốt

Người Lao Động