Lùi luật Đất đai để chuẩn bị đủ nghị định hướng dẫn

(Dân trí) - “Luật Đất đai sửa đổi là một luật quan trọng nên yêu cầu này đặt ra rất cao. Cần có thêm thời gian, điều kiện để Chính phủ xây dựng các nghị định hướng dẫn” - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin trong cuộc họp báo chiều 21/6.

Trao đổi về quyết định lùi thời điểm thông qua luật Đất đai sửa đổi của Quốc hội ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, cơ quan soạn thảo (Bộ TN-MT) đã làm đúng quy trình, có bản tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để sửa luật. Tuy nhiên, quá trình thảo luận tại hội trường Quốc hội (trọn ngày 17/6) vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.

Ngoài ra, thêm một lý do nữa dẫn đến quyết định hoãn biểu quyết về dự luật là do các nghị định hướng dẫn thực hiện chưa được chuẩn bị đầy đủ, cần thảo luận thêm để hoàn thiện, đảm bảo khi luật được thông qua, có hiệu lực thi hành thì các văn bản hướng dẫn cũng đồng bộ ngay, tránh trường hợp “vấp” thực tế khiển khai lại phải sửa luật, sẽ phức tạp hơn.

Lùi luật Đất đai để chuẩn bị đủ nghị định hướng dẫn
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "Chuẩn bị văn bản hướng dẫn đồng bộ, tránh vấp thực tế lại phải tiếp tục sửa luật Đất đai".

“Đây là một luật quan trọng nên yêu cầu này đặt ra rất cao. Vậy nên Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm thông qua để vừa có thêm thời gian tiếp thu các ý kiến góp ý cũng là có thêm điều kiện để Chính phủ xây dựng các nghị định hướng dẫn” – ông Hạnh Phúc nói.

Còn việc gia hạn sử dụng đối với đất nông nghiệp giao cho các tổ chức cá nhân, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, như lý giải của UB Thường vụ Quốc hội là để người dân hoàn toàn yên tâm tiếp tục đầu tư làm ăn.

Về câu hỏi, mong muốn, yêu cầu của các đại biểu Quốc hội đối với hướng chỉnh sửa, hoàn thiện dự luật Đất đai sửa đổi trước khi đưa ra thông qua tại kỳ họp tới, ông Phúc cho biết, có nhiều nội dụng cụ thể, từ việc xác định “quyền sở hữu” hay “quyền sử dụng” với đất đai, giá đất, cơ chế thu hồi, đền bù… đều là những câu hỏi còn nhiều ý kiến băn khoăn được yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, phân tích, giải trình.

Quyết định lùi thời điểm thông qua luật Đất đai sửa đổi trong những buổi làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5 nhận nhiều đánh giá tích cực từ dư luận, các tổ chức xã hội dân sự và người dân.

Oxfam (Oxford Committee for Famine Relief – một liên minh quốc tế của 15 tổ chức làm việc tại 98 quốc gia trên toàn thế giới để hỗ trợ giảm nghèo lâu dài, phát triển bền vững; tại Việt Nam, Oxfam là một trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn, cứu trợ nhân đạo, phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu rủi ro với hiểm họa và thảm họa, phát triển xã hội dân sự, dân tộc thiểu số và nâng cao vị thế của phụ nữ) trong thông cáo vừa phát đi đặc biệt hoan nghênh quyết định của Quốc hội lùi việc biểu quyết Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp lần này để có thêm thời gian cân nhắc thấu đáo và chờ đến khi Hiến pháp được thông qua.

“Các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe và bày tỏ mối quan tâm của nhân dân, các cộng đồng và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, những người đã đề nghị Dự thảo này cần cân nhắc thấu đáo hơn để giải quyết những mối quan tâm của nhân dân” – thông cáo của Oxfam nêu rõ.

Cơ quan này đánh giá, Quyết định của Quốc hội đã mang lại thêm thời gian và và tạo điều kiện có thêm các cuộc thảo luận nhằm đạt được những tiến bộ quan trọng đối với đạo luật này. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là cần tranh thủ thời gian để xây dựng các giải pháp thực tế. Không có giải pháp thần kỳ, và việc lùi lại 4 tháng có nghĩa là có rất nhiều việc phải làm trong một khoảng thời gian hạn chế. Những cân nhắc thấu đáo hơn sẽ được hoan nghênh, nhưng đây không phải là sự đảm bảo chắc chắn sẽ có được những thay đổi quan trọng.

Tổ chức này bày tỏ hi vọng vào vai trò đi đầu và các sáng kiến của cơ quan soạn thảo, Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội  và Chính phủ để mở rộng thêm cơ hội cho các cuộc thảo luận tiếp theo về dự thảo luật.

Trong suốt quá trình các cơ quan chức năng chuẩn bị luật Đất đai sửa đổi vừa qua, Oxfam cũng tổ chức nhiều cuộc tham vấn ý kiến của cộng đồng với 7 triệu lượt ý kiến của người dân với nhiều cuộc thực địa tại 4 tỉnh thành khác nhau (tập trung vào các địa bàn sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng, đất cho đồng bào dân tộc thiểu số…) để tập hợp thành các kiến nghị gửi tới Ban soạn thảo luật Đất đai sửa đổi. Các hoạt động này cũng thu hút sự tham gia của nhiều viện nghiên cứu, các chuyên gia như Viện tư vấn phát triển (CODE), Viện Nghiên cứu lập pháp, GS.TSKH Đặng Hùng Võ…

P.Thảo